Nhật: Động đất 7,4 richter tối qua và thảm họa kép 2011 giống khác thế nào?

Sự kiện: Tin tức Nhật Bản

Trận động đất mạnh khuya 16-3 khiến nhiều người sợ hãi rằng thảm họa 11 năm trước sẽ lặp lại, may mắn điều này đã không xảy ra. Hai trận động đất này giống và khác nhau thế nào?

Khuya 16-3 khu vực đông bắc Nhật hứng một trận động đất thuộc hàng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Trận động đất vào đêm muộn khiến nhiều người Nhật, đặc biệt là những người ở đông bắc đất nước, bất an vì nó xảy ra chỉ vài ngày sau ngày tưởng niệm 11 năm thảm họa kéo động đất sóng thần năm 2011.

Nước Nhật tan hoang sau thảm họa động đất sóng thần ngày 11-3-2011. Ảnh: REDDIT

Nước Nhật tan hoang sau thảm họa động đất sóng thần ngày 11-3-2011. Ảnh: REDDIT

Khi mới có thông tin về trận động đất mạnh khuya 16-3 nhiều người đã sợ hãi nghĩ đến khả năng thảm họa 11 năm trước sẽ lặp lại. May mắn điều này đã không xảy ra. Cùng xem hai trận động đất này giống và khác nhau thế nào.

Cách nhau 11 năm, cùng tháng 3, cùng khu vực

Trận động đất khuya 16-3 và thảm họa năm 2011 xảy ra ở cùng khu vực: đông bắc Nhật.  Khoảng cách từ tâm chấn trận động đất khuya 16-3 và tâm chấn trận động đất ngày 11-3-2011 chỉ 89 km.

Tâm chấn trận động đất khuya 16-3 nằm cách bờ biển tỉnh Fukushima 57 km (tỉnh cực nam của vùng Tohoku), ở độ sâu 60 km. Tâm chấn trận động đất ngày 11-3-2011 nằm ngoài khơi cách bờ biển phía đông bán đảo Oshika thuộc vùng Tohoku 72 km, ở độ sâu 32 km.

Khác nhiều về cường độ và hậu quả

Trận động đất khuya 16-3 ban đầu được đánh giá mạnh 7,3 độ richter nhưng sau đó được đo lại là 7,4 độ richter, theo Cơ quan khí tượng Nhật (JMA). Chấn động có thể cảm nhận ở phần lớn nước Nhật, cả miền đông, miền trung và miền tây.

Theo số liệu Cơ quan quản lý hỏa hoạn và thảm họa Nhật công bố sáng 17-3, có 2 người chết và 94 người bị thương, trong đó 4 người nguy kịch.

Điện mất trên diện rộng ở đông bắc và đông Nhật, ảnh hưởng 2,2 triệu hộ gia đình trong đó có 700.000 hộ ở Tokyo. Điện sau đó đã được khôi phục ở toàn bộ thủ đô Tokyo.

Theo lời Thủ tướng Fumio Kishida thì chưa phát hiện gì “bất thường” tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I và II. Cả ở nhà máy điện hạt nhân Onagawa ở tỉnh Miyaga hay bất kỳ nhà máy hạt nhân nào của Nhật cũng chưa phát hiện điều bất thường.

Cảnh báo sóng thần 1 m được phát đi ở các tỉnh Fukushima và Miyagi (đông Nhật) nhưng đã dỡ bỏ sáng 17-3, sau khi quan sát thấy chỉ xuất hiện một số đợt sóng nhỏ. Ở cảng Ishinomaki thuộc tỉnh Miaygi xuất hiện một số đợt sóng cao 30 cm, theo JMA.

Báo USA Today dẫn thông tin từ Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Mỹ rằng không có đe dọa sóng thần với các khu vực bờ biển phía Tây Mỹ, bang Alaska (Mỹ), hay tỉnh British Columbia (Canada).

Trong khi đó, trận động đất ngày 11-3-2011 mạnh 9,1 độ richter, mạnh hơn gấp 63 lần và giải phóng năng lượng cao gấp 500 lần so với trận động đất khuya 16-3, theo phân tích của đài CNN. Trận động đất đã di chuyển đảo Honshu 2,4 m về phía đông và làm lệch trục Trái đất khoảng 10 cm.

Tính tới thời điểm này đây vẫn là trận động đất mạnh nhất từng xảy ra ở Nhật và là một trong năm trận động đất mạnh nhất thế giới, kể từ khi thế giới bắt đầu ghi nhận từ năm 1900. Đây được cho là sự va đập kiến tạo lớn nhất giữa Bắc Mỹ và Thái Bình Dương trong 1.200 năm.

Ở thảm họa ngày 11-3-2011, chỉ vài phút sau khi xảy ra động đất đã có sóng thần cao đến 38,9 m đánh vào Nhật. Tại một vài nơi sóng thần tiến sâu vào đất liền đến 10 km. Sóng thần lan dọc bờ biển Thái Bình Dương của Nhật và khoảng 20 nước, bao gồm bờ biển phía Tây của Bắc Mỹ và Nam Mỹ.

TP Natori, tỉnh Miyagi ngập trong nước và lửa sau thảm họa động đất sóng thần kinh hoàng ngày 11-3-2011. Ảnh: AP

TP Natori, tỉnh Miyagi ngập trong nước và lửa sau thảm họa động đất sóng thần kinh hoàng ngày 11-3-2011. Ảnh: AP

Về thương vong về người, theo số liệu chính thức từ Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật có tới gần 16.000 người chết, hơn 6.000 người bị thương và gần 2.600 người mất tích tại 18 tỉnh nước này.

Về thiệt hại hạ tầng, hơn 125.000 công trình nhà ở bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn, đường bộ và đường sắt bị hư hại nặng, nhiều khu vực bị hỏa hoạn.

Khoảng 4,4 triệu hộ gia đình rơi vào tình trạng mất điện và 1,5 triệu hộ bị mất nước. Hàng loạt nhà máy phát điện phải ngưng hoạt động. Thảm họa kéo theo khủng hoảng nhà máy hạt nhân Fukushima I, ít nhất xảy ra 3 vụ nổ lò phản ứng do rò rỉ khí hydro tại nhà chứa các lò phản ứng khi hệ thống làm mát bị hỏng hoàn toàn. Cư dân trong phạm vi bán kính 20 km từ nhà máy Fukushima I và 10 km từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima II phải sơ tán.

Ngày 21-3-2011, Ngân hàng thế giới ước tính thiệt hại khoảng 122-235 tỉ USD. Chính phủ Nhật ước tính tổn thất do động đất và sóng thần lên tới 309 tỉ USD, con số thiệt hại kỷ lục thế giới do thiên tai.

Sau thảm họa kinh hoàng ngày 11-3-2022, khoảng 12% diện tích tỉnh Fukushima từng được tuyên bố là không an toàn, tuy nhiên hiện tại các khu vực cấm đi lại chỉ còn chiếm 2,4% toàn tỉnh, dù dân số ở nhiều thị trấn vẫn thấp hơn nhiều so với trước đây.

Vẫn có thể sẽ có dư chấn trong vài ngày tới

Nhật nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, một vòng cung của các hoạt động địa chấn dữ dội trải dài qua Đông Nam Á và qua lưu vực Thái Bình Dương.

Sau trận động đất khuya 16-3 tình hình vẫn chưa thể nói chắc. Nhà chức trách cảnh báo người dân các tỉnh Fukushima, Miyagi, Yamagata đề phòng khả năng sẽ có có nhiều đợt dư chấn trong tuần tới hoặc xa hơn.

Nguồn: [Link nguồn]

Trận động đất mới ở Trung Quốc liên quan đến thảm họa khiến 242.000 người chết

Trận động đất mạnh 5,1 độ richter ở Trung Quốc hôm 12.7 được xác định là dư chấn của thảm họa năm 1976 khiến 242.000 người chết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐĂNG KHOA ([Tên nguồn])
Tin tức Nhật Bản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN