Nhật Bản xử lý nước thải nhiễm phóng xạ ra sao?
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế đã bật đèn xanh đối với kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển của Nhật Bản
Chính phủ Nhật Bản có thể bắt đầu xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra Thái Bình Dương sớm nhất vào tháng tới sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) bật đèn xanh đối với kế hoạch này.
Tờ Nikkei hôm 5-7 đăng tải thông tin trên, đồng thời cho biết giới chức Nhật Bản sẽ giải thích với người dân trong nước và các nước láng giềng về kế hoạch trên để xoa dịu nỗi lo về tác động đối với môi trường.
Trước đó một ngày, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết cơ quan này đã hoàn tất 2 năm xem xét và đánh giá kế hoạch Nhật Bản phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn quốc tế liên quan.
Theo Reuters, kết luận này là một dấu mốc quan trọng đối với tiến trình cho dừng hoạt động nhà máy Fukushima số 1 bị hư hại sau thảm họa kép động đất và sóng thần năm 2011. Theo thống kê, hơn 1,3 triệu tấn nước thải hiện được trữ trong khoảng 1.000 bể chứa khổng lồ quanh nhà máy sau khi các hệ thống điện và làm mát bị phá hủy trong thảm họa.
Lo ngại về sinh kế, các cộng đồng đánh cá và nông nghiệp tại tỉnh Fukushima và những địa phương lân cận ở Nhật Bản đã chỉ trích kế hoạch trên sau khi nó được công bố lần đầu tiên vào tháng 4-2021. Các nước láng giềng và đảo quốc Thái Bình Dương cũng lo ngại môi trường bị đe dọa nếu kế hoạch được thực hiện.
Ông Rafael Mariano Grossi, Tổng giám đốc IAEA, tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ở tỉnh Fukushima - Nhật Bản hôm 5-7Ảnh: Reuters
Tokyo đã tìm kiếm sự ủng hộ của IAEA để kế hoạch thêm thuyết phục. Các chuyên gia từ cơ quan Liên Hiệp Quốc này và 11 nước đã có vài chuyến đi đến Nhật Bản kể từ đầu năm 2022 để kiểm tra công tác chuẩn bị của chính phủ và Công ty Điện lực Tokyo, đơn vị vận hành nhà máy Fukushima số 1.
Hôm 4-7, ông Grossi đã gửi báo cáo đánh giá cuối cùng về kế hoạch đến Thủ tướng Kishida Fumio tại cuộc gặp ở thủ đô Tokyo. Phát biểu sau cuộc gặp, nhà lãnh đạo Nhật Bản cho biết nước này sẽ tiếp tục cung cấp những giải thích chi tiết, dựa trên bằng chứng khoa học và có độ minh bạch cao.
Trước mắt, Tokyo khẳng định nước đã được lọc để loại bỏ hầu hết yếu tố phóng xạ trừ tritium, một đồng vị phóng xạ của hydro và khó tách khỏi nước. Ngoài ra, IAEA cho biết nước qua xử lý sẽ được pha loãng để làm giảm hàm lượng tritium xuống mức tiêu chuẩn theo quy định quốc tế trước khi xả ra biển.
Theo ông Grossi, IAEA sẽ tiếp tục giám sát và đánh giá tiến trình xả, dự kiến kéo dài vài thập kỷ nếu diễn ra. Theo AP, một số nhà khoa học cho rằng nên hoãn kế hoạch vì hiện chưa rõ tác động của việc tiếp xúc nuclit phóng xạ với liều lượng thấp trong thời gian dài. Trái lại, một số ý kiến khác nhận định kế hoạch là an toàn nhưng cần minh bạch hơn trong khâu lấy mẫu và giám sát.
Bất chấp những trấn an trên, Trung Quốc vẫn chỉ trích IAEA có quyết định "hấp tấp", đồng thời kêu gọi Nhật Bản chấm dứt kế hoạch. Bắc Kinh cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế theo dõi chặt chẽ kế hoạch của Tokyo, đồng thời bày tỏ lo ngại về những tác động lớn tiềm tàng đối với môi trường biển trên toàn cầu, sức khỏe cộng đồng và những vấn đề liên quan khác.
Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết Seoul tôn trọng báo cáo của IAEA nhưng sẽ đặt an toàn và sức khỏe của người dân lên hàng đầu. Theo hãng tin Yonhap hôm 5-7, Hàn Quốc sẽ tiến hành một cuộc thanh tra đặc biệt "chưa từng có tiền lệ" về nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng hải sản nhập khẩu.
Cuộc thanh tra dự kiến bắt đầu từ tháng này và kéo dài 100 ngày nhằm bảo đảm các nhà nhập khẩu, phân phối và bán lẻ thực hiện đúng quy định về ghi nhãn mác xuất xứ hải sản nhập khẩu.
Ngoài ra, giới chức Hàn Quốc cho biết nước này vẫn duy trì lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ 8 tỉnh gần nhà máy Fukushima số 1 ở Nhật Bản. Lệnh cấm này được ban hành vào năm 2013 do nỗi lo về phóng xạ.
Nguồn: [Link nguồn]
Chính phủ Nhật Bản dự kiến bắt đầu xả nước phóng xạ đã qua xử lý xuống biển trong đầu tháng 8, sau khi được cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc cho phép, Nikkei...