Nhật Bản xả nước phóng xạ ra biển, còn 880 tấn nhiên liệu hạt nhân nóng chảy thì sao?
Xả nước phóng xạ đã qua xử lý được coi là giải pháp tình thế trong khi Nhật Bản tìm cách loại bỏ 880 tấn nhiên liệu hạt nhân nóng chảy bên trong nhà máy điện Fukushima.
Ông Takahara dẫn các phóng viên nước ngoài tới tham quan khu vực xử lý nước thải phóng xạ trước khi xả ra biển.
Tại một khu vực nhỏ trong phòng điều khiển trung tâm của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, công tắc xả nước phóng xạ đã được bật. Biểu đồ trên màn hình máy tính gần đó cho thấy lượng nước giảm dần khi nước phóng xạ đã qua xử lý được pha loãng và thải ra Thái Bình Dương.
Ở vùng ven biển thuộc phạm vi nhà máy, hai máy bơm đang hoạt động không ngừng, đưa nước biển qua các đường ống màu xanh vào ống dẫn lớn - nơi nước phóng xạ đã qua xử lý chảy ra từ các bể chứa. Đây là cách Nhật Bản pha loãng nước thải phóng xạ với nước biển lần cuối để giảm đến mức tối thiểu nguy cơ đối với môi trường.
Hôm 27/8, Nhật Bản đã cho phép các phóng viên nước ngoài tới tham quan khu vực xả nước phóng xạ đã qua xử lý, theo hãng tin AP.
"Cách tốt nhất giải quyết tận gốc vấn đề là loại bỏ các ụ nhiên liệu hạt nhân", Kenichi Takahara, phát ngôn viên công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), nói khi dẫn các phóng viên tham quan.
Takahara cho biết, chính phủ Nhật Bản vẫn chưa tìm ra phương án hữu hiệu để loại bỏ nhiên liệu hạt nhân nóng chảy bên trong các lò phản ứng hạt nhân bị hư hại. Đây là nguồn gốc gây ra tình trạng nước nhiễm phóng xạ tích tụ ngày càng nhiều đến mức hết chỗ chứa, buộc Nhật Bản phải xử lý rồi xả ra biển.
"Loại bỏ nhiên liệu hạt nhân nóng chảy không đơn giản chỉ là đem chúng đi nơi khác và thế là xong", Takahara nói.
Theo nhà chức trách Nhật Bản, việc quản lý khối lượng nước thải phóng xạ ngày càng tăng - được lưu giữ trong hơn 1.000 bể chứa - là vấn đề liên quan đến rủi ro an toàn. Đây cũng là gánh nặng kể từ khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hại sau thảm kịch động đất và sóng thần năm 2011.
Nút bấm ở giữa cho phép xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý ra Thái Bình Dương.
Hiện tại, các bể chứa đã được lấp đầy tới 98% lượng nước thải phóng xạ, tương đương 1,37 triệu tấn.
Trước mắt, Nhật Bản đang xả 7.800 tấn nước thải phóng xạ từ 10 bể chứa thuộc nhóm B - nhóm ít nguy cơ nhất. Chính phủ Nhật Bản nói các mẫu nước và cá thu thập ở khu vực vẫn nằm trong ngưỡng an toàn kể từ xả nước phóng xạ.
Chính phủ Nhật Bản và TEPCO cho biết, việc xả nước là bước đi không thể tránh khỏi trong quá trình ngừng hoạt động nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Cấu trúc của nhà máy bị tàn phá và lò phản ứng bị hư hại dẫn đến việc không thể làm mát nhiên liệu hạt nhân một cách khép kín và nước thải phóng xạ không ngừng tích tụ.
Một phần nước được bơm trở lại để làm mát nhiên liệu hạt nhân, số còn lại được đưa vào bể chứa. Với tốc độ xả nước đạt 460 tấn/ngày, TEPCO dự tính sẽ xả 31.200 tấn nước thải phóng xạ cho đến cuối tháng 3/2024. Nhưng mức độ xả nước như vậy chỉ giúp giải quyết 10 bể chứa vì nước thải phóng xạ mới không ngừng được tạo ra.
Trong 10 năm tới, Nhật Bản đặt mục tiêu giải quyết 1/3 số bể chứa khi tốc độ xả nước tăng lên, Junichi Matsumoto, giám đốc TEPCO, người phụ trách quá trình xả nước thải phóng xạ, cho biết.
Nhưng nếu vẫn còn các ụ nhiên liệu hạt nhân nóng chảy chưa được xử lý, Nhật Bản vẫn sẽ phải bơm nước để làm mát và tạo ra thêm nước nhiễm phóng xạ.
Nhật Bản hiện đang xả khoảng 460 tấn nước thải phóng xạ ra biển mỗi ngày.
Khoảng 880 tấn nhiên liệu hạt nhân nóng chảy vẫn còn ở bên trong các lò phản ứng bị hư hại. "Robot khảo sát đã cung cấp cho chúng tôi một số thông tin, nhưng tình trạng cụ thể ở lò phản ứng thì vẫn chưa được xác định", Takahara nói.
Cuối năm nay, Nhật Bản sẽ thử nghiệm loại bỏ một phần nhiên liệu hạt nhân nóng chảy bằng robot, nhưng lượng nhiên liệu hạt nhân bị loại bỏ sẽ rất nhỏ, Takahara nói.
Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu loại bỏ nhiên liệu hạt nhân nóng chảy ở lò phản ứng số 1 từ năm 2027. Mặt trên của lò phản ứng vẫn còn phủ đầy đất đá tạo ra từ thảm họa cách đây 12 năm. Nhà chức trách Nhật Bản sẽ cần dọn dẹp phần mặt trên này và sau đó phủ lên một lớp bảo vệ ngăn bụi phóng xạ.
Bên trong tổ máy số 1 chịu thiệt hại nặng nề nhất, phần lớn nhiên liệu có độ phóng xạ cao rơi xuống đáy thùng chứa lò phản ứng, khiến việc loại bỏ trở nên vô cùng khó khăn.
Lớp bê tông dày bên ngoài của lò phản ứng cũng bị hư hại đáng kể, làm lộ cốt thép bên trong, khiến các cơ quan quản lý yêu cầu TEPCO đánh giá rủi ro.
Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu đóng cửa nhà máy Fukushima trong 30-40 năm nhưng không xác định kế hoạch cụ thể. Một số chuyên gia cho rằng, cần tới 100 năm để Nhật Bản loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hạt nhân tan chảy. Điều đó có nghĩa là quá trình xả nước thải phóng xạ cũng có thể kéo dài hơn 30 năm.
Nhật cho biết có nhiều cuộc gọi quấy rối, được cho là từ Trung Quốc, đến Bộ Ngoại giao Nhật và nhiều doanh nghiệp nước này sau khi Tokyo xả nước thải phóng xạ đã qua xử...
Nguồn: [Link nguồn]