Nhật Bản từ chối “cành ô liu” của Trung Quốc về tranh chấp trên Biển Hoa Đông
Hồi đầu năm nay, Bắc Kinh muốn Tokyo biết rằng nước này sẵn sàng giảm sự hiện diện của các tàu hải cảnh ở quần đảo tranh chấp, động thái có thể được coi là “chìa cành ô liu” nhưng đã bị Nhật Bản từ chối.
Tàu cá Trung Quốc đổ ra Biển Hoa Đông sau khi lệnh cấm đánh bắt hết hiệu lực.
Liu Qingbin, phó giáo sư Đại học Quốc gia Yokohama, Nhật Bản cho biết, trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự định thăm Nhật Bản vào tháng 4, các tàu hải cảnh Trung Quốc gần như không còn xuất hiện ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Tuy nhiên, ông Liu nói hai bên đã quay trở lại đối đầu trên biển sau khi tàu cá Nhật Bản xuất hiện ở vùng biển tranh chấp. Bắc Kinh sau đó liên tục huy động tàu hải cảnh tuần tra quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
“Thực tế là Trung Quốc đã thể hiện thành ý trong giai đoạn nửa đầu năm nay. Nhưng kế hoạch đó đã phá sản vì Nhật Bản cường quyết không nhân nhượng”, ông Liu nói.
“Nhật Bản cho rằng các tàu Trung Quốc giảm tần suất hiện diện ở quần đảo tranh chấp trong tháng 2.2020 là do bão lớn. Nhưng thực tế là không có cơn bão nào trong tháng 2”, ông Liu nói thêm.
Chuyến thăm của ông Tập sau đó bị hoãn lại vô thời hạn, với lý do tình hình dịch bệnh Covid-19. “Sự kiện trên dẫn đến kịch bản hai bên ăn miếng trả miếng như chúng ta thấy ngày nay”, ông Liu cho biết.
Hôm 23.9, các chính trị gia trong đảng Dân chủ Tự do cầm quyền ở Nhật hối thúc chính phủ tổ chức cuộc tập trận chung với Mỹ ở Biển Hoa Đông, để củng cố quyền kiểm soát đảo tranh chấp.
Các chính trị gia cũng kêu gọi thúc đẩy phát triển máy bay trinh sát, phương tiện chiến đấu trên biển và các loại vũ khí khác để gia tăng khả năng phòng thủ trên đảo.
Kể từ tháng 4 đến tháng 8 năm nay, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã xuất hiện ở vùng biển tranh chấp liên tục 111 ngày. “Dường như Trung Quốc không chỉ muốn phô trương lực lượng. Họ muốn thách thức quyền kiểm soát quần đảo của Nhật”, Alessio Patalano, chuyên gia về an ninh Đông Á tại Đại học King, London, Anh, nhận định.
Tàu chiến Trung Quốc phóng tên lửa trong cuộc tập trận.
Ông Patalano nói Trung Quốc đang áp dụng chiến lược 3 điểm, trong đó bình thường hóa sự hiện diện của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp, thực hiện các quyền thực thi pháp luật và cố gắng cạnh tranh quyền kiểm soát.
Trả lời trên SCMP, ông Patalano nói Trung Quốc không thể thực thi chiến lược này một cách toàn diện vì cạnh tranh quyền kiểm soát có nghĩa là làm tăng nguy cơ đụng độ quân sự.
“Tôi muốn theo dõi hoạt động của các tàu Trung Quốc từ tháng 3, tháng 4 năm sau cho tới hết mùa hè. Lúc đó mới biết Trung Quốc chấp nhận rủi ro đến đâu”, ông Patalano nói.
Bình luận về khả năng Trung Quốc có thể leo thang căng thẳng với Nhật Bản, Mike Mochizuk, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Washington, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Nhật, nói Trung Quốc càng gây sức ép, Nhật Bản càng có cớ cùng Mỹ cô lập Bắc Kinh.
Ông Mochizuki chỉ ra rằng, sự hiện diện của Trung Quốc ở quanh quần đảo tranh chấp chỉ mang tính biểu tượng, để cho thấy Bắc Kinh sẽ không từ bỏ tranh chấp chủ quyền. “Trung Quốc không muốn đánh cược rủi ro xung đột đồng thời với Mỹ và Nhật Bản chỉ vì quần đảo nhỏ không có người sinh sống và cũng không có nhiều ý nghĩa chiến lược”, ông Mochizuki nói.
Mối đe dọa thực sự đối với Nhật Bản, theo ông Mochizuki, là sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc. Căng thẳng giữa 3 bên Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan đang ngày càng phức tạp, đến mức có thể xảy ra xung đột quân sự.
“Nếu xung đột quân sự nổ ra vì vấn đề Đài Loan, Nhật Bản khó có thể đứng ngoài, vì yếu tố địa lý, cũng như sự hiện diện của quân đội Mỹ trên đảo Okinawa”, ông Mochizuki nói.
“Theo quan điểm của tôi, vấn đề Đài Loan còn nghiêm trọng với Nhật Bản hơn là tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Vấn đề Đài Loan chính là điểm mấu chốt trong cuộc chạy đua quân sự ở Đông Á”, ông Mochizuki kết luận.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo kịch bản giả định, vào năm 2030, quân đội Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát hòn đảo ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu...