Nhật Bản: Số ca nhiễm Covid-19 vượt 10.000; Nhân viên y tế lo sợ điều tồi tệ nhất
Truyền thông Nhật Bản cho hay, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở quốc gia Đông Á này đã lên tới hơn 10.000, dù chưa bao gồm số ca nhiễm trên du thuyền Diamond Princess.
Hãng NHK đưa tin, số ca nhiễm Covid-19 của Nhật Bản ghi nhận tới tối 18/4 là 10.431 sau khi có 582 ca nhiễm mới trong ngày. Nếu tính thêm cả số ca nhiễm trên du thuyền Diamond Princess, tổng số ca nhiễm Covid-19 sẽ là 11.143. Tổng số ca tử vong vì Covid-19 là 236.
Thủ đô Tokyo vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất do dịch Covid-19 tại Nhật Bản với 2.975 ca nhiễm.
Theo CNN, Ayako Kajiwara, một y tá Nhật Bản, lo sợ hệ thống y tế của quốc gia Đông Á này không được chuẩn bị sẵn sàng cho những điều sắp xảy ra.
Làm việc tại một bệnh viện tại tỉnh Saitama, Ayako đã chứng kiến sự căng thẳng tại một đơn vị chăm sóc tích cực điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong tình trạng nguy kịch.
"Mọi chuyện thật khó khăn vì khi chúng tôi nghĩ bệnh nhân đang có dấu hiệu cải thiện thì bất ngờ tình trạng của họ xấu đi nhanh chóng", nữ y tá chia sẻ.
Các ổ dịch trong bệnh viện cũng xuất hiện nhiều thời gian gần đây ở Nhật Bản.
Ngày 12/4, chính quyền thành phố Tokyo cho biết, có 87 ca nhiễm Covid-19 mới được xác định trong số các y bác sĩ và bệnh nhân tại một bệnh viện ở quận Nakano, Tokyo.
Nhiều ổ dịch xuất hiện trong các bệnh viện ở Nhật Bản gây lo ngại lớn. Ảnh minh họa: Getty
Sự gia tăng các ổ dịch trong bệnh viện đặc biệt gây lo ngại vì nó tiềm ẩn khả năng lây lan dịch bệnh ra cộng đồng do có nhiều người ra vào bệnh viện.
"Việc thiếu các xét nghiệm ở Nhật Bản dẫn đến lây nhiễm lan rộng trong cộng đồng. Nhân viên y tế sẽ bị động vì họ không hề biết bệnh nhân có bị lây nhiễm hay không", Kenji Shibuya, giám đốc Viện sức khỏe dân số thuộc Đại học London (Anh), nhận định.
Tại thành phố Yokohama, nhân viên y tế Sho Hayakawa cũng chứng kiến sự gia tăng về số ca nhiễm Covid-19 nhập viện trong vài tuần gần đây. Anh khá lo lắng vì sợ sẽ mang virus về và lây cho người thân. "Tôi sợ rằng mình bị nhiễm mà không biết rồi lây cho vợ và con nhỏ. Tôi luôn cẩn thận trong từng khâu phòng ngừa để không cho điều đó xảy ra", Hayakawa nói.
Mio Shin, một bác sĩ gây mê, cho biết sau khi một nam đồng nghiệp của cô phải tự cách ly vì tiếp xúc với một bác sĩ nghi nhiễm Covid-19 ở bệnh viện khác, cô đã phải kiêm cả khối lượng công việc của đồng nghiệp.
"Nhiều bác sĩ được thay ca cho nhau ở các bệnh viện khác vì vậy tôi cảm thấy khá lo ngại cho các phòng khám đang tạm thời mất nhân viên vì họ phải tự cách ly do có tiếp xúc với người nghi nhiễm", Shin chia sẻ.
Chỉ trong vài tuần, số ca nhiễm Covid-19 ở Nhật Bản đã tăng đột biến, "dội gáo nước lạnh" vào những hy vọng rằng các biện pháp đối phó ban đầu của chính phủ sẽ thành công trong việc ngăn dịch lây lan.
Tính tới ngày 18/4, Nhật Bản đã có hơn 10.000 ca nhiễm và gần 200 ca tử vong vì Covid-19. Ngày 1/3, quốc gia Đông Á này mới chỉ có 243 ca nhiễm bệnh.
Sự gia tăng mạnh về số ca nhiễm Covid-19 khiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mới đây phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Trước đó, tình trạng khẩn cấp chỉ được tuyên bố ở 7 tỉnh thành.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AP
Ngày 17/4, ông Abe hứa sẽ cung cấp trang thiết bị y tế như khẩu trang y tế, quần áo bảo hộ, tấm che mặt ngăn giọt bắn... tới các bệnh viện đang phải vật lộn với tình trạng thiếu thiết bị trong một tuần qua.
Hồi đầu tuần này, một nhóm chuyên gia của chính phủ Nhật Bản cảnh báo nước này có thể phải hứng chịu hơn 400.000 cái chết liên quan tới dịch Covid-19 nếu các biện pháp giãn cách xã hội không được áp dụng.
Hầu hết ca tử vong có thể liên quan tới tình trạng thiếu máy thở. Việc thiếu hụt trang thiết bị y tế bộc lộ rõ ràng hơn trong tuần này khi Ichiro Matsui, thị trưởng thành phố Osaka, kêu gọi mọi người ủng hộ áo mưa cho nhân viên y tế, sử dụng như quần áo bảo hộ.
Mặt khác, kể từ khi Nhật Bản ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên hồi tháng 2, giới chức nước này đã tập trung vào việc ngăn các ổ dịch hơn là làm xét nghiệm quy mô lớn như Hàn Quốc và một số nước trên thế giới.
Theo CNN, Nhật Bản mới lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 được cho 90.000 người trong tổng số 126 triệu dân. Con số này thấp hơn nhiều so với hơn 513.000 mẫu xét nghiệm của Hàn Quốc, đất nước với 51 triệu dân.
Các chuyên gia nhận định tỷ lệ lây nhiễm thực tế có thể cao hơn rất nhiều so với thống kê chính thức.
Cách tiếp cận của Nhật Bản hướng đến việc xác định chính xác bệnh nhân cần được chăm sóc y tế khẩn cấp để tránh tình trạng quá tải cho các bệnh viện.
Một người phát ngôn của Bộ Y tế Nhật Bản cho biết quốc gia này có thể lấy 12.000 mẫu xét nghiệm/ngày nhưng thực tế họ chỉ áp dụng lấy 6.000-7.000 mẫu/ngày.
Các chuyên gia cho biết tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, tỷ lệ làm xét nghiệm Covid-19 thấp và Nhật Bản thiếu điều khoản ủng hộ làm việc từ xa sẽ góp phần tạo ra một viễn cảnh tồi tệ nhất, đó là một đợt bùng phát cực lớn ở quốc gia Đông Á này trong tương lai gần.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Hôm 18/4, tờ The Diplomat – một trong những tạp chí hàng đầu phân tích về tình hình chính trị, kinh tế khu vực châu Á –...