Nhật Bản nêu tình huống đánh chặn tên lửa Triều Tiên
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ngày 4/10 không đánh chặn khi Triều Tiên phóng tên lửa bay qua nước này, nhưng Tokyo để ngỏ khả năng hành động nếu phát hiện tên lửa có thể rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản hoặc lãnh thổ Mỹ.
Triều Tiên đã 6 lần phóng tên lửa trong 12 ngày qua.
Sáng ngày 6/10, Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Các tên lửa rơi xuống biển sau khi bay theo hướng Nhật Bản.
Đây là vụ phóng tên lửa thứ 6 của Triều Tiên trong 12 ngày qua và sau khi một tên lửa đạn đạo tầm trung bay qua Nhật Bản vào ngày 4/10.
Hôm 6/10, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố "không thể chấp nhận" việc Triều Tiên đã 6 lần phóng tên lửa kể từ cuối tháng 9.
Theo báo Nhật Bản Japan Times, ông Fumio đã cho phép Bộ trưởng Quốc phòng ra lệnh cho Lực lượng Phòng vệ (SDF) đánh chặn các tên lửa đạn đạo phóng từ Triều Tiên trong một số tình huống nhất định.
Các tàu chiến Nhật Bản trang bị hệ thống chiến đấu Aegis, tên lửa phòng không Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3) và các hệ thống phòng thủ tên lửa khác đang được đặt trong tình trạng báo động cao. Các hệ thống này có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo phóng từ Triều Tiên.
Theo nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản, trong trường hợp Triều Tiên phóng tên lửa, các vệ tinh quân sự Mỹ sẽ gửi cảnh báo tới Bộ Quốc phòng, thông qua trung tâm chỉ huy của lực lượng Mỹ ở Nhật Bản và thông qua các kênh liên lạc khác.
Radar phòng không và tàu chiến Nhật Bản trang bị hệ thống Aegis sẽ theo dõi, tính toán đường bay của tên lửa.
Khi Triều Tiên phóng tên lửa vào ngày 4/10, trạm radar của Nhật Bản tại các căn cứ quân sự ở tỉnh Kyoto, Ishikawa, Niigata, Akita và Aomori đã phát hiện và xác định quỹ đạo bay của tên lửa, kết hợp giám sát cùng các tàu chiến.
Bộ Tư lệnh Phòng không của Nhật Bản đánh giá tên lửa khó có khả năng rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản nên không ngăn chặn. Trong vụ phóng ngày 4/10, tên lửa Triều Tiên bay xa 4.600km và đạt tầm cao 1.000km, đủ khả năng vươn tới đảo Guam, nơi Mỹ đặt các máy bay ném bom chiến lược.
Theo Japan Times, trong trường hợp một tên lửa Triều Tiên bay tới đảo Guam hoặc Hawaii, hoặc đe dọa an ninh của Nhật Bản, thì Tokyo sẽ phóng tên lửa đánh chặn với mục đích phòng vệ có giới hạn.
"Triều Tiên có thể chọn đường bay cho tên lửa để tránh leo thang căng thẳng với Mỹ, nhưng cũng có khả năng Bình Nhưỡng không thể kiểm soát được tên lửa", Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, khẳng định nước này luôn sẵn sàng bắn hạ các tên lửa phóng từ Triều Tiên.
Chiến đấu cơ F/A-18E cất cánh từ tàu sân bay USS Ronald Reagan.
Tháng 3 năm sau, Nhật Bản dự kiến sẽ nhận lô tên lửa phòng không SM-3 Block 2A mới với khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo ở tầm cao 1.000km.
Dự án tên lửa đánh chặn mới do Nhật Bản và Mỹ hợp tác nghiên cứu và sẽ được trang bị trên 4 tàu chiến Aegis.
Trong khi đó, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ Ronald Reagan đã di chuyển tới vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên vào ngày 5/10, sau khi Triều Tiên phóng tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản.
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc nói việc nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ quay trở lại khu vực sau khi mới rời đi vào cuối tháng 9 "thể hiện ý chí kiên quyết của liên minh Mỹ-Hàn trong việc đáp trả một cách dứt khoát bất kỳ hành động khiêu khích hoặc đe dọa nào từ Triều Tiên".
Trước tình huống này, Triều Tiên đã đưa ra phản ứng cứng rắn. "Triều Tiên đang theo sát việc Mỹ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định của tình hình trên bán đảo và các vùng lân cận bằng cách tái triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay ở vùng biển ngoài khơi”, Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố, theo CNN.
Vụ phóng tên lửa ngày 5/10 là lần thứ 24 Triều Tiên phóng tên lửa trong năm nay, bao gồm cả tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Đây cũng là năm có số lần Triều Tiên phóng tên lửa nhiều nhất kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên nắm quyền vào năm 2012.
Nguồn: [Link nguồn]
Triều Tiên đã bắn 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn về phía bờ biển phía Đông nước này vào sáng 6-10, không lâu sau cuộc tập trận tên lửa chung giữa Hàn Quốc và Mỹ.