Nhật Bản, Hàn Quốc và đảo Đài Loan giúp Nga thu lời 1 tỷ USD kể từ xung đột Ukraine
3 nền kinh tế ở Đông Á đã nhập tổng cộng 5,5 tỉ USD giá trị nhiên liệu hóa thạch từ Nga trong 5 tháng kể từ cuộc xung đột ở Ukraine, theo dữ liệu do một trung tâm nghiên cứu có trụ sở ở Phần Lan công bố.
Vùng Đông Á vẫn tích cực nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt và than đá từ Nga.
Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) công bố báo cáo cho thấy Nhật Bản đã chi 2,6 tỉ USD để mua than đá, dầu thô và khí đốt từ Nga trong giai đoạn kể từ ngày 24/2 cho tới ngày 31/7.
Hàn Quốc chi 1,7 tỉ USD còn đảo Đài Loan (Trung Quốc) là 1,2 tỉ USD, theo CREA. 24/2 là ngày Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Nhật Bản, Hàn Quốc và đảo Đài Loan tuyên bố ủng hộ Ukraine và phản đối chiến dịch quân sự của Nga. Các quốc gia và vùng lãnh thổ này không nêu mốc thời gian cụ thể để dần loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu than đá của Nga và tiến tới cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga vào cuối năm nay, ngoại trừ một vài quốc gia được miễn trừ.
Theo báo cáo của CREA, Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Đài Loan mua nhiên liệu hóa thạch của Nga đã giúp Moscow thu lợi nhuận khoảng 1 tỉ USD trong 5 tháng. CREA dự đoán các nền kinh tế hàng đầu Đông Á có thể trở thành nhà nhập khẩu năng lượng chính của Nga khi lệnh cấm được nhiều nơi khác áp đặt.
"Khi lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga chính thức có hiệu lực ở EU vào cuối năm nay, Đông Á sẽ là khu vực mua nhiên liệu hóa thạch hàng đầu từ Nga", Lauri Myllyvirta, nhà nghiên cứu của CREA cho biết.
CREA cũng cho biết, Hàn Quốc đã tái xuất một lượng dầu thô đáng kể từ Nga sang Trung Quốc. Cảng phía nam Yeosu của nước này là cảng xếp thứ 5 trên toàn cầu về nhập khẩu dầu của Nga kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine.
CREA ước tính Trung Quốc đã nhập khoảng 28 tỷ USD than, khí đốt và dầu thô của Nga trong giai đoạn này, là đối tác mua nhiên liệu hóa thạch của Nga lớn nhất thế giới.
Trung Quốc từ chối lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và chỉ trích Mỹ, NATO khiến căng thẳng leo thang thành xung đột.
Theo báo cáo của CREA, Jera, công năng lượng lớn nhất Nhật bản và Kogas, tập đoàn khí đốt Hàn Quốc và công ty năng lượng Đài Loan Taipower là 3 nhà nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch hàng đầu của Nga. Kogas có hợp đồng khí hóa lỏng (LNG) với tập đoàn năng lượng Nga Gazprom kéo dài đến năm 2045.
Jera từng tuyên bố "sẽ xem xét các biện pháp cần thiết phù hợp với các biện pháp trừng phạt kinh tế và hạn chế thương mại mà chính phủ Nhật Bản áp đặt với Nga".
Nguồn: [Link nguồn]
Trung Quốc tăng nhập khẩu năng lượng từ Nga trong tháng 7 dù nhu cầu trong nước giảm do kinh tế gặp khó khăn vì vấn đề khí hậu và dịch bệnh Covid-19.