Nhật Bản - Hàn Quốc hóa giải mâu thuẫn lịch sử
Chính phủ Hàn Quốc công bố phương án bồi thường phù hợp cho các nạn nhân lao động cưỡng ép từ thời Thế chiến II của nước này, động thái được kì vọng giúp giải quyết bế tắc kéo dài nhiều năm trong quan hệ với Nhật Bản.
Hãng tin AP ngày 8/3 dẫn lời Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nêu lập trường bảo vệ phương án cải thiện quan hệ với Nhật Bản liên quan tới khúc mắc kéo dài giữa hai nước từ thời Thế chiến II mà Chính phủ Hàn Quốc mới công bố, trong đó, những người Hàn Quốc thắng kiện các công ty Nhật Bản bị cáo buộc ép họ làm lao động khổ sai thời chiến tranh sẽ nhận được các khoản bồi thường phù hợp từ một quỹ do Seoul quản lý, thay vì thúc ép Tokyo trực tiếp chi trả. Quỹ này dự kiến nhận các khoản đóng góp "tự nguyện", chủ yếu từ các doanh nghiệp Hàn Quốc hưởng lợi theo hiệp ước bình thường hóa quan hệ giữa hai nước năm 1965.
Theo Tổng thống Yoon, phương án nêu trên là kết quả của quá trình cân nhắc, đàm phán kéo dài nhằm vừa tôn trọng lập trường của các nạn nhân, vừa phù hợp với lợi ích của Hàn Quốc-Nhật Bản, cũng như sự phát triển của quan hệ song phương.
Việc có thể hóa giải mâu thuẫn lịch sử được kì vọng thúc đẩy quan hệ đối tác giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Ảnh: Reuters
"Nhật Bản đã trở thành một đối tác chia sẻ các giá trị phổ quát với chúng ta và có các mối hợp tác trong lĩnh vực an ninh, kinh tế, khoa học-công nghệ cũng như các chương trình nghị sự toàn cầu", ông Yoon phát biểu tại cuộc họp nội các Hàn Quốc.
"Rõ ràng, sự hợp tác hướng về tương lai giữa Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ bảo vệ tự do, hòa bình, thịnh vượng cho cả hai nước nói riêng và thế giới nói chung". Nhật Bản, Hàn Quốc là hai đồng minh gần gũi của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á và từng có mối liên kết kinh tế chặt chẽ. Căng thẳng giữa hai nước nổ ra từ năm 2018, khi tòa án Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu một số công ty Nhật Bản bồi thường thiệt hại cho các nguyên đơn Hàn Quốc trong vụ kiện về vấn đề lao động cưỡng ép thời chiến.
Về phần mình, Tokyo khẳng định các khúc mắc lịch sử đều được dàn xếp và kết thúc theo hiệp ước năm 1965, văn kiện vốn yêu cầu Nhật Bản cấp các khoản viện trợ hoặc cho Hàn Quốc vay dưới hình thức hợp tác kinh tế. Các công ty Nhật Bản liên quan cũng từ chối thực hiện phán quyết. Năm 2019, tình hình xấu đi khi Tokyo gây áp lực bằng cách áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu một số vật liệu công nghệ cao trọng yếu cho Seoul, viện dẫn lý do lòng tin suy giảm.
Dưới nỗ lực hòa giải của Mỹ, đại diện Seoul và Tokyo từng tiến hành một số cuộc đàm phán nhằm tìm đường hóa giải mâu thuẫn. Giữa tháng 2/2023, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Hyun-dong xác nhận, hai bên đã thu hẹp được bất đồng sau vòng đối thoại ở thủ đô Washington với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeo Mori. Vài giờ sau khi Seoul công bố kế hoạch bồi thường, các quan chức Hàn Quốc và Nhật Bản xác nhận họ đang lên kế hoạch đàm phán khôi phục quan hệ thương mại. Phía Hàn Quốc còn quyết định đình chỉ một vụ kiện nhắm vào Nhật Bản tại WTO liên quan đến các biện pháp hạn chế xuất khẩu được áp đặt 3 năm trước. Tuy vậy, kế hoạch của Tổng thống Yoon đã vấp phải một số phản ứng tiêu cực trong nước.
Yonhap dẫn lời lãnh đạo đảng Dân chủ (DP) đối lập ngày 7/3 kêu gọi Tổng thống Yoon lập tức hủy bỏ phương án bồi thường bằng quỹ do Hàn Quốc lập ra. Ông Park cảnh báo các công ty Hàn Quốc không quyên góp vào quỹ đó. Đại diện một số nguyên đơn trong vụ kiện 2018 thậm chí khẳng định họ sẽ không nhận tiền bồi thường nếu chúng không đến từ Nhật Bản.
Trong khi đó, tại Tokyo, cách tiếp cận của Hàn Quốc lại rất được hoan nghênh. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định kế hoạch bồi thường mà Seoul công bố sẽ giúp đưa quan hệ song phương về "đúng hướng". "Tôi muốn tiếp tục liên lạc chặt chẽ với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và làm việc để phát triển quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc", ông Kishida nói. Theo lãnh đạo đảng Komeito trong liên minh cầm quyền Nhật Bản Natsuo Yamaguchi, ông Kishida dự kiến sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc ngay trong tuần tới.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi nêu rõ, chính phủ nước này sẵn sàng để các công ty Nhật Bản góp tiền vào quỹ bồi thường mà Seoul quản lý nếu họ muốn. CNBC trích tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lập tức đề cao việc Hàn Quốc và Nhật Bản đạt đồng thuận hóa giải mâu thuẫn trong lịch sử, từ đó mở "chương mới mang tính đột phá của hợp tác và quan hệ đối tác giữa hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ" và là "một bước quan trọng để tạo nên một tương lai an toàn, thịnh vượng hơn với người dân Hàn Quốc và Nhật Bản".
Giới quan sát tin rằng, dù đối mặt với một số tiếng nói phản đối trong nước, bước đi của Hàn Quốc vẫn được xem là rất cần thiết, ở thời điểm tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và thế giới có những diễn biến buộc Hàn - Nhật phải cải thiện hợp tác an ninh với Mỹ.
Theo các chuyên gia, Hàn Quốc đã bàn giao vũ khí cho Malaysia, Ba Lan và đang hướng tới việc bán vũ khí cho một số khách hàng như UAE, Ả Rập Saudi, Úc, Ai Cập hay Ấn Độ trong năm...
Nguồn: [Link nguồn]