Nhật Bản có thể kiện Trung Quốc lên WTO vì lệnh cấm hải sản
Ngày 29/8, Nhật Bản dọa sẽ kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để yêu cầu hủy lệnh cấm nhập tất cả hải sản sau khi Tokyo xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý xuống biển.
Nhật Bản khẳng định nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daichi đã được xử lý đến mức an toàn trước khi đổ xuống biển. (Ảnh: Reuters)
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi nói với báo chí rằng Nhật Bản sẽ “có hành động cần thiết (đối với lệnh cấm của Trung Quốc) qua nhiều kênh, bao gồm khuôn khổ WTO”.
Nộp đơn kiện lên WTO có thể là một lựa chọn nếu làm việc với Trung Quốc qua đường ngoại giao không hiệu quả, Bộ trưởng An ninh kinh tế Sanae Takaichi cho biết.
Phát biểu này được đưa ra sau khi các doanh nghiệp và cơ quan của Nhật Bản tiếp tục nhận nhiều cuộc gọi quấy rối từ các số có đầu +86, trong đó nhiều người gọi phàn nàn về việc xả nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Lực lượng cảnh sát quốc gia Nhật Bản đến nay đã tiếp nhận 225 báo cáo về cuộc gọi quấy rối, Jiji đưa tin. Chính phủ Nhật cho biết đang yêu cầu các công ty viễn thông chặn cuộc gọi.
Nhiều người sử dụng điện thoại yêu cầu chặn số từ nước ngoài, đại diện của các hãng viễn thông NTT, Nippon Telegraph và Telephone cho biết. NTT và các hãng điện thoại như KĐI và SoftBank Corp đang bàn biện pháp đối phó theo yêu cầu của chính phủ.
“Cực kỳ đáng tiếc và đáng ngại trước tình trạng nhiều cuộc gọi quấy rối có thể từ Trung Quốc”, Bộ trưởng Thương mại Yasutoshi Nishimura cho biết trong một cuộc họp báo.
Ông nói rằng những người dân ở Fukushima cho biết nhiều bệnh viện cũng bị quấy rối qua điện thoại.
“Cuộc gọi của người dân đang bị ảnh hưởng. Hãy dừng những cuộc gọi như vậy ngay lập tức”, ông Nishimura nói.
Vị bộ trưởng này cho biết, Chính phủ Nhật đang tập hợp thông tin về những lời kêu gọi tẩy chay sản phẩm của Nhật Bản ở Trung Quốc, và sẽ làm việc với các lãnh đạo doanh nghiệp để xử lý tình hình.
Căng thẳng quanh vụ Nhật xả nước thải phóng xạ từ Nhà máy hạt nhân Fukushima vẫn chưa dừng lại, với hàng loạt động thái đáng ngại từ nhiều nước.
Nguồn: https://tienphong.vn/nhat-ban-co-the-kien-trung-quoc-len-wto-vi-lenh-cam-ha...