Nhật Bản - Ấn Độ bắt tay, Trung Quốc nên dè chừng?
Có chung bất đồng chủ quyền với Bắc Kinh cũng như không phải là thành viên trong "Sáng kiến Một vành đai một con đường", sự hợp tác tăng cường giữa Nhật Bản và Ấn Độ sẽ khiến Trung Quốc phải dè chừng.
Theo tạp chí The Diplomat, chuyến thăm Ấn Độ vào tuần tới của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đánh dấu khởi đầu mới cho kỷ nguyên quan hệ hai nước. Tuy nhiên, cuộc họp thượng đỉnh song phương thường niên sắp tới giữa Nhật - Ấn sẽ diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực đang có nhiều biến động, ảnh hưởng tới chính sách ngoại giao và chiến lược của cả quốc gia.
Cụ thể, căng thẳng tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở cao nguyên Doklam vừa mới hạ nhiệt thì tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên vẫn đang có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là sau vụ thử bom nhiệt hạch hay còn gọi là bom H hôm 3/9 của Bình Nhưỡng, khiến Tokyo đau đầu tìm cách đối phó. Bên cạnh đó, cả Ấn Độ và Nhật Bản vẫn đang có những mâu thuẫn chưa thể giải quyết dứt điểm với Trung Quốc liên quan tới vấn đề tranh chấp chủ quyền.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Kuala Lumpur hồi năm 2015.
Trong chuyến thăm Ấn Độ sắp tới, Thủ tướng Abe sẽ tham gia lễ động thổ xây dựng hành lang đường sắt cao tốc đầu tiên của Ấn Độ nối trung tâm thương mại Mumbai với thành phố Ahmedabad ở bang Gujarat. Về phần mình, Thủ tướng Abe cũng đang tìm mọi cách thúc đẩy hoạt động xuất khẩu công nghệ tàu siêu tốc (shinkansen) tới Ấn Độ sau khi để Trung Quốc cướp mất thị trường Indonesia.
Dưới thời lãnh đạo của Thủ tướng Abe, Tokyo đang tìm cách hồi sinh tầm ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, điều khiến Nhật Bản lo lắng chính là sự bành trướng ngày càng lớn nhất của Trung Quốc ở vùng biển này.
Với Ấn Độ, "Chiến lược mở cửa và tự do Ấn Độ - Thái Bình Dương" của Nhật Bản đang đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh kinh tế ổn định cho quốc gia này thì hoạt động xây dựng cảng Hambantota ở Sri Lanka do Trung Quốc tiến hành, lại khiến New Delhi bừng tỉnh nhận ra rằng, Bắc Kinh muốn biến Ấn Độ thành sân sau của mình.
Tuy nhiên, việc Ấn Độ không tham gia làm thành viên của "Sáng kiến một vành đai, một con đường" do Trung Quốc khởi xướng sẽ là cơ hội để Nhật - Ấn hình thành nhiều mô hình phát triển cơ sở hạ tầng mới như sáng kiến "Hàng lang Tăng trưởng châu Á – châu Phi" (AAGC). Đây sẽ là cơ hội giúp các chuyên gia Ấn Độ - Nhật Bản hợp tác và đổ vốn đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Phi.
Trong cuộc họp vào tuần tới, nhiều khả năng Nhật - Ấn sẽ còn ký kết một thỏa thuận an ninh hàng hải mới. Hồi đầu tháng Bảy, Ấn Độ - Nhật Bản – Mỹ đã đồng loạt phô diễn những vũ khí hải quân có quy mô lớn nhất trong cuộc tập trận chung mang tên Malabar diễn ra ở vịnh Bengal. Do Nhật Bản vẫn đang duy trì hoạt động của căn cứ quân sự tại Djibouti ở Sừng châu Phi còn Ấn Độ Dương là tuyến đường quan trọng vận chuyển năng lượng tới Nhật Bản thì một thỏa thuận hợp tác an ninh hàng hải sẽ đánh dấu một bước tiến mới trong mối quan hệ hợp tác hàng hải giữa Nhật - Ấn. Kể từ năm 2012, hai nước cũng đã tổ chức một cuộc tập trận hải quân song phương.
Một lĩnh vực lớn đầy tiềm năng giúp thúc đẩy quan hệ Nhật - Ấn còn phải kể tới năng lượng hạt nhân dân sự. Trong khi, Nhật Bản là quốc gia duy nhất phải hứng chịu thảm họa từ vũ khí hạt nhân thì Ấn Độ lại không phải là thành viên của Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Tuy nhiên, điểm nhấn trong chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới Ấn Độ chính là việc liệu chính phủ hai nước có thể ký kết thỏa thuận mua bán các máy bay trinh sát hàng hải US-2i do Nhật Bản sản xuất vốn bị mắc kẹt trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, Nhật Bản là quốc gia duy nhất được cấp phép đầu tư vào khu vực đông bắc Ấn Độ cũng như hai hòn đảo Andaman và Nicobar. Điều này đã chứng minh tình bạn thân thiết giữa hai quốc gia. Thực vậy, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên Thủ tướng Ấn Độ Modi thực hiện chuyến thăm cấp quốc gia sau khi ông này nhậm chức hồi tháng 5/2014. Do đó, chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Abe sẽ đặt nền tảng cho kỷ nguyên mới trong quan hệ Nhật - Ấn.
Không hài lòng trước sự ủng hộ của Nhật Bản với Ấn Độ, Trung Quốc vừa yêu cầu Tokyo “không đưa ra ý kiến ngẫu nhiên...