Nhật Bản: 2 ngôi làng tranh nhau "xin" được làm bãi chứa chất thải hạt nhân độc hại
Chất thải hạt nhân là thứ mà hầu hết mọi người muốn tránh xa nhất có thể nhưng điều này không đúng với 2 ngôi làng ở đảo Hokkaido, hòn đảo lớn thứ 2 ở Nhật Bản.
Làng chài Kamoenai. Ảnh: Bloomberg
Trang Gizmodo hôm 5/2 đưa tin, Suttsu và Kamoenai, 2 làng chài ở đảo Hokkaido, đang cạnh tranh để được chọn làm địa điểm chứa chất thải phóng xạ hay "bãi rác" phóng xạ hạt nhân.
Theo dữ liệu quốc gia, Nhật Bản đã tạo ra hơn 19.000 tấn chất thải hạt nhân có độc tính cao kể từ khi nước này bắt đầu sử dụng năng lượng hạt nhân vào năm 1966. Để giữ chúng tránh xa khu dân sinh, Nhật Bản đã thông qua Đạo luật xử lý chất thải phóng xạ cuối cùng vào năm 2000, để kêu gọi sự phối hợp của các địa phương để xây một kho ngầm chứa chất thải hạt nhân.
Thời điểm đó, không có địa phương nào chấp nhận để được chọn làm nơi chứa thứ độc hại này. Sự lo lắng về tác hại của chất thải hạt nhân càng lên cao khi xảy ra sự cố rò rỉ xảy ra năm 2011. Khi đó, một trận động đất kèm sóng thần gây ra vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, giải phóng lượng lớn phóng xạ gây ô nhiễm xuống biển. Đây là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất kể từ sau thảm họa Chernobyl, Nga.
Nhưng hiện tại, 2 làng chài Suttsu và Kamoenai lại đang cạnh tranh để có suất trở thành nơi chứa chất thải hạt nhân. Điều gì khiến giới chức 2 ngôi làng này quyết định làm vậy?
Nhiều làng chài nhỏ ở Nhật Bản hiện nay đang "tuyệt vọng". Đánh bắt cá, từng là một ngành công nghiệp bùng nổ, nhưng giờ lại đang có dấu hiệu đi xuống. Nhiều người trẻ từ bỏ theo nghề và chuyển tới sống tại các thành phố, nơi có triển vọng phát triển kinh tế và cuộc sống hiện đại hơn. Vì vậy, nhân lực tại các làng chài dần bị thu hẹp. Làng Suttsu hiện có 2.885 người sinh sống, giảm gần 5.000 người so với năm 1980. Trong khi đó, Kamoenai chỉ có hơn 800 người sinh sống. Theo Bloomberg, cả 2 làng chài này đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế trong đại dịch Covid-19.
Việc đồng ý trở thành cơ sở chứa chất thải hạt nhân sẽ là một "cú hích" lớn cho các làng chài này. Nếu chấp nhận nghiên cứu sơ bộ về việc xây dựng cơ sở chứa chất thải hạt nhân, ngôi làng có thể nhận được 19 triệu USD trợ cấp của chính phủ Nhật Bản, giải ngân trong 2 năm.
Nếu giai đoạn đầu tiên diễn ra suôn sẻ, 66 triệu USD khác sẽ được chi để đổi lấy một cuộc khảo sát thực địa kéo dài 4 năm và thực hiện các mũi khoan sơ bộ. Mọi thứ nếu tiếp tục suôn sẻ, ngôi làng sẽ trải qua giai đoạn đánh giá kéo dài 14 năm và nhận thêm nhiều nguồn tài trợ khác.
Tổng số tiền đầu tư mà một địa điểm có thể nhận được khi đồng ý xây cơ sở chứa chất thải hạt nhân lên tới 37 tỷ USD. Vì vậy, vào tháng 10/2020, các quan chức tại 2 làng chài Suttsu và Kamoenai quyết định trở thành các ứng viên tiềm năng.
Tuy nhiên, viễn cảnh sống gần một bãi rác hạt nhân làm dấy lên sự phản đối từ các cư dân ở 2 làng chài. Chất thải hạt nhân có thể chứa các chất độc hại như uranium và plutonium. Những người phản đối ở làng Suttsu thậm chí còn thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý về việc ngôi làng tranh đua để làm nơi chứa chất thải hạt nhân. Nhưng đề xuất trưng cầu dân ý bị bác bỏ.
Các quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết quá trình đánh giá của họ là bí mật và sẽ bảo vệ người dân địa phương. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Aera, Yugo Ono - giáo sư địa chất học tại Đại học Hokkaido, cho biết, nguy cơ động đất trong khu vực là rất cao và có thể dẫn đến rò rỉ chất thải hạt nhân ra môi trường.
Nguồn: [Link nguồn]
Một số hòn đảo nằm giữa Úc và quần đảo Hawaii bị phát hiện chứa lượng phóng xạ hạt nhân cao gấp nhiều lần so với...