Nhân viên y tế Mỹ nêu 7 giai đoạn của người nhiễm Covid-19 nghiêm trọng chưa tiêm chủng

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Một nhân viên y tế Mỹ đã chia sẻ các giai đoạn của trường hợp nhiễm Covid-19 nghiêm trọng khi chưa tiêm vắc xin Covid-19. Hầu hết các trường hợp đã tiêm chủng sẽ bình phục sau giai đoạn đầu có triệu chứng.

Một bệnh nhân Covid-19 đặt nội khí quản ở phòng áp lực âm tại khu chăm sóc tích cực ICU tại một bệnh viện ở bang Missouri, Mỹ. Ảnh: Getty

Một bệnh nhân Covid-19 đặt nội khí quản ở phòng áp lực âm tại khu chăm sóc tích cực ICU tại một bệnh viện ở bang Missouri, Mỹ. Ảnh: Getty

Karen Gallardo, nhân viên y tế chuyên về hô hấp ở quận Ventura, bang California, Mỹ, đã chia sẻ với tờ LA Times về việc nhiều lần phải chứng kiến bệnh nhân Covid-19 nhập viện và qua đời khi không có người thân bên cạnh. 

Trong bối cảnh biến chủng Delta đang "càn quét" toàn cầu và số bệnh nhân nhập viện tiếp tục tăng, nữ nhân viên y tế Mỹ đã chia sẻ các giai đoạn mà người nhiễm Covid-19 nghiêm trọng phải trải qua nếu họ chưa tiêm vắc xin Covid-19. 

Những người đã tiêm phòng nhưng vẫn nhiễm Covid-19 sẽ bình phục sau giai đoạn đầu xuất hiện triệu chứng, theo Gallardo. 

Giai đoạn 1

Gallardo cho biết, giai đoạn 1 xảy ra sau khi bệnh nhân Covid-19 đã có các triệu trứng trong vài ngày và bắt đầu khó thở. Lúc đó, bệnh nhân thường được đưa vào khoa cấp cứu với mức độ bão hòa oxy (lượng oxy trong máu) thấp. 

Nhân viên y tế lúc đó sẽ áp dụng các biện pháp điều trị như thuốc kháng virus, steroid, thuốc chống đông máu hoặc kháng thể đơn dòng. 

Nếu các biện pháp này hiệu quả, bệnh nhân sẽ từ từ được gỡ bỏ máy thở oxy và cuối cùng được xuất viện. Ngược lại, nếu không hiệu quả, bệnh nhân sẽ chuyển qua giai đoạn tiếp theo. 

Giai đoạn 2

Ở giai đoạn này, bệnh nhân có cảm giác như "bị đuối nước". Các phương pháp điều trị giãn phế quản chỉ giúp giảm nhẹ cảm giác này. 

Gallardo cho biết, bệnh nhân ở giai đoạn này cần nhiều oxy hơn, thường tăng từ 4 lít đến 15-40 lít/phút. 

Bệnh nhân cần được giúp đỡ khi sử dụng nhà vệ sinh và thậm chí cả việc ngồi dậy ở trên giường. Mức độ bão hòa oxy của họ giảm khi đi lại. 

Những người không cải thiện tình trạng bệnh ở giai đoạn này sẽ được chuyển tới phòng chăm sóc tích cực (ICU). 

Giai đoạn 3

Bệnh nhân ở giai đoạn 3 thường bị kiệt sức, chỉ thở thôi cũng đủ khiến họ chật vật, theo Gallardo. Các bệnh nhân phải đeo một "mặt nạ cồng kềnh", ép chặt vào mặt để tạo áp lực đủ mạnh đưa oxy vào phổi. 

Giai đoạn 4

Các bác sĩ theo dõi bệnh nhân Covid-19 ở khu ICU. Ảnh: Getty

Các bác sĩ theo dõi bệnh nhân Covid-19 ở khu ICU. Ảnh: Getty

Việc thở trở nên khó khăn hơn giai đoạn 3, khiến bệnh nhân mệt mỏi. Lượng oxy trong máu của họ xuống mức "rất thấp".

Trước khi bác sĩ đặt nội khí quản, nếu thời gian cho phép, bệnh nhân Covid-19 được tạo điều kiện gọi cho người nhà, vì có thể đây là những lời cuối cùng, nữ nhân viên y tế cho hay.

Bệnh nhân sau đó được dùng thuốc an thần, được đặt nội khí quản và cho ăn qua ống truyền thức ăn được nối với ống thông Foley và ống trực tràng. Các nhân viên y tế thường xuyên xoay người bệnh nhân để tránh cơ thể có những vết loét. 

Ngoài ra, các y bác sĩ cũng phải tắm cho bệnh nhân và sử dụng các liệu pháp trị liệu để giúp người bệnh. 

Giai đoạn 5

Những bệnh nhân sống sót qua giai đoạn 4 chỉ có thể cải thiện tình trạng khi có sự hỗ trợ của máy ECMO, nhưng không phải bệnh viện nào cũng có hoặc còn trong bối cảnh số bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện gia tăng.

Gallardo cho biết, máy ECMO hoạt động bằng cách đi qua phổi của bệnh nhân để cung cấp oxy cho máu. Nếu bệnh viện không có ECMO, bệnh nhân phải được chuyển tới bệnh viện khác có ECMO. Nếu không còn nơi nào có, các bác sĩ buộc phải điều trị cho bệnh nhân với tất cả những gì bệnh viện có. 

Giai đoạn 6

Bệnh nhân ở giai đoạn này nguy kịch đến mức sẽ không thể sống sót nếu không có can thiệp xâm lấn. Theo Gallardo, bệnh nhân cần được đặt ống trong khoang ngực để làm sạch không khí sinh ra do áp lực đè lên phổi. Trong khi đó, thận của bệnh nhân không thể lọc hết các tạp chất từ tất cả các loại thuốc điều trị.

Ngoài ra, nữ nhân viên y tế Mỹ cho biết, cần phải lọc máu để duy trì chức năng của thận. 

Ở giai đoạn này, bệnh nhân gần như không tránh được các biến chứng do hệ thống miễn dịch đã suy yếu nghiêm trọng. 

Các cục máu đông và dịch lỏng tích tụ trong các bao phổi cũng xuất hiện ở giai đoạn này, cùng với đó là huyết áp giảm trầm trọng. 

Gallardo cho biết, ngay cả khi y bác sĩ điều trị mọi biến chứng phát sinh, tim của bệnh nhân "có thể ngừng đập bất cứ lúc nào". 

Giai đoạn 7

Một bác sĩ nắm tay bệnh nhân Covid-19 trong khu ICU ở bang California, Mỹ. Ảnh: Getty

Một bác sĩ nắm tay bệnh nhân Covid-19 trong khu ICU ở bang California, Mỹ. Ảnh: Getty

Lúc này, bệnh nhân Covid-19 đã ở giai đoạn tiên lượng nặng. Gallardo cho biết, bệnh nhân sẽ được nới lỏng các ống thở và máy thở để có cuộc gọi video cuối cùng với người thân.  

"Khi ở trong phòng bệnh nhân, chúng tôi nghe thấy những tiếng khóc và lời chào vĩnh biệt của người thân. Chúng tôi cũng khóc và nắm tay bệnh nhân tới khi họ trút hơi thở cuối cùng", nữ nhân viên y tế nói. 

Nguồn: [Link nguồn]

Nghiên cứu mới: Ảnh hưởng lâu dài của Covid-19 tới bệnh nhân

Theo WHO, hơn 200 triệu chứng hậu Covid-19 được ghi nhận, bao gồm đau ngực, ngứa râm ran, phát ban hay rối loạn chức năng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN