Nhân vật kỳ tài khiến Tào Tháo phải kinh ngạc, nghiêng mình kính nể
Quản Lộ là người đã để lại nhiều câu chuyện ly kỳ, bí ẩn nhất thời Tam quốc nhờ tài đoán mệnh nổi tiếng của mình.
Thời Tam Quốc (220 – 280) có một vị thầy bói tên là Quản Lộ, tự Công Minh, quê Bình Nguyên nước Ngụy, nay là phía Tây Nam Tỉnh Sơn Đông. Ông có dung mạo xấu xí, thích uống rượu, tính khí bất định, là người tinh thông bát quái, phán đoán không việc nào không trúng, khắp thiên hạ đều bái phục.
Quản Lộ, người biết trước thiên cơ tạo hoá thời Tam Quốc. Ảnh minh họa
Thuở nhỏ, Quản Lộ đã thích thiên văn, có đêm nằm ngửa mải mê nhìn sao trên trời không ngủ. Ban ngày, những khi chơi đùa với bạn, Lộ cũng thường vạch đất vẽ bầu trời chia chỗ này mặt trăng, chỗ kia mặt trời cùng vị trí các chòm sao. Lớn lên ông tinh thông lý số, giỏi dịch học, phán đoán không việc nào không trúng.
Sau này khi lớn lên, phàm là Kinh Dịch, phong giác thuật, bói tướng v..v.. ông đều học rất tinh thông. Ông tính toán rất chuẩn xác, khiến người đời kinh ngạc.
Quản Lộ có tính vốn rộng rãi, được nhiều người ưa, ghét mà không thù, yêu mà không khen, thường muốn lấy đức báo oán. Ông thường nói: “Trung, hiếu, tín, nghĩa là gốc rễ của con người, không thể không xem trọng; trong sạch, thẳng thắn chỉ là vẻ ngoài hão rỗng của kẻ sĩ, không đủ để xem trọng”. Quản Lộ thờ cha mẹ có hiếu, thật thà với anh em, tin yêu bạn bè, đều tỏ rõ lòng nhân hòa, cả đời không có chỗ thiếu sót. Kẻ sĩ bình luận, kẻ già cũng chịu phục.
Có lần, trong lần đi chơi tháng Giêng, ông bắt gặp một nhà đang lo liệu đám tang cho người vợ bệnh tình nguy kịch. Quản Lộ tính mệnh xong lại nói, số của người này phải tới giữa trưa ngày Tân Mão tháng 8 mới kết thúc.
Cả nhà không ai tin. Nhưng chuyện lạ là kể từ đó, bệnh tình của người vợ thực sự có chuyển biến tốt đẹp. Qua nhiều tháng sau, tới giữa thu, bà ta mới lại phát bệnh mà chết.
Trong một điển tích khác, Vương Kinh vùng Thanh Hà gặp chuyện lạ, mời Quản Lộ tới xem bói. Ông bảo: “Ban đêm, trước cửa phòng có luồng ánh sáng như chim én bay tới trong lồng ngực ông. Khi cởi vạt áo ra, dường như ánh sáng vẫn còn ở đó, ông còn gọi phu nhân tới xem".
Vương Kinh giật mình: “Đúng y như vậy".
Quản Lộ nói tiếp: “Đây là một điềm tốt, cho thấy ông sẽ sớm được thăng quan".
Quả thật, sau đó không lâu, Vương Kinh được thăng làm Thái thú của Giang Hạ.
Đến Tào Tháo cũng nghiêng mình kính phục
Tạo hình Tào Tháo trên phim.
Có lần Tào Tháo trong lòng lo lắng, không hiểu có chuyện sẽ xảy ra nên phát bệnh nặng, thuốc thang thế nào cũng không bớt. Nhân dịp có quan Thái sử Thừa là Hứa Chi từ Hứa đô đến Nghiệp quận thăm, Tháo cho vời vào hỏi chuyện xem có người nào giỏi về bói dịch không. Hứa Chi liền tiến cử Quản Lộ và đem những chuyện về người này thuật cho Tháo nghe. Tháo mừng rỡ vô cùng, vội cho người đến Bình Nguyên triệu Quản Lộ về.
Quản Lộ đến nơi được Tháo nhờ gieo quẻ để đoán bệnh. Một lát sau Lộ nói: “Ngài mắc phải ảo thuật của Tả Từ rồi, nhưng không có gì đáng ngại đâu”. Nghe xong, Tháo thở một hơi dài khoan khoái như vừa trút xong một gánh nặng.
Đoạn Tháo nhờ Lộ bói một quẻ để xem việc thiên hạ, Quản Lộ lại gieo quẻ rồi đoán:
“Ba tám ngang dọc Phía nam định quân Lợn vàng gặp cọp Bị gãy một chân”.
(Trong trận chiến sau này chiếm Hán Trung của quân Thục Hán, tướng Hoàng Trung uy dũng dùng kế chém chết Hạ Hầu Uyên của Tào Nguỵ, chiếm núi Định Quân.)
Khi Tháo hỏi về hậu vận con cháu thì Lộ cho biết:
“Trong cung sư tử Được yên thần vị Đạo vương canh tân Con cháu đại quý”.
Tuy nhiên vì là cách nói không chính diện và minh xác cụ thể, nên Tháo thấy còn mập mờ, muốn hỏi thêm cho kỹ thì Lộ nói:
“Số trời mông mông không thể đoán được. Đợi sau này sẽ ứng nghiệm”.
(Quả nhiên, sau này Tào Phi, con trai cả của Tào Tháo lên ngôi Hoàng đế). Lúc này Tháo không dám hỏi nữa và ngỏ ý muốn phong quan cho Quản Lộ. Lộ từ chối và giải thích: “Tôi tướng cùng, vì xương trán không phải “chủ cốt”, con người không phải “thủ tinh”, sống mũi không có “lương trụ”, chân không phải kiêu “thiên căn”, lưng không “tam tháp”, bụng thiếu “tam nhâm”, nên chỉ có thể trừ ma quỷ, chứ không thể trị được thiên hạ”.
Tiên đoán tuổi thọ chính mình
Khả năng tiên đoán phi thường của Quản Lộ khiến nhiều người kinh ngạc.
Vào một ngày năm Chính Nguyên thứ 2 (năm 255 SCN), Quản Lộ đang ở trong nhà của người em Quản Thần uống trà. Huynh đệ hai người nói chuyện phiếm, người em hỏi ông rằng liệu có mong đợi sự giàu có hay không.
“Trời cao cho ta sự thông minh, nhưng lại không cho ta tuổi thọ. E là tuổi thọ của ta chỉ có thể đến năm bốn mươi bảy, bốn mươi tám, không thể nhìn được con gái mình xuất giá, con trai mình lấy vợ”, Quản Lộ thở dài nói.
Người em tiếp tục hỏi nguyên do, Quản Lộ nói rằng, từ góc độ của tướng thuật, bản thân mình thiếu tướng trường thọ, ví dụ như không có xương trên trán, mắt không có thủ tinh, mũi không có đường sống mũi, chân không có gốc, phần lưng không có ba giáp, những thứ này đều là đặc thù của việc không thể trường thọ. Từ trước đến nay thiên mệnh luôn có quy luật vận hành của chính nó, không thể vị phạm, chỉ là mọi người không biết mà thôi.
Tháng 8 năm đó, Quản Lộ nhậm chức Thiếu Phủ Thừa, hai tháng sau qua đời, tuổi thọ chỉ có 48.
Quan Vũ chém 6 tướng của Tào Tháo để quay về dưới trướng Lưu Bị là một trong những tình tiết nổi tiếng nhất trong Tam quốc diễn nghĩa. Sự kiện này diễn ra như thế nào trong...
Nguồn: [Link nguồn]