Nhân vật cả đời hy sinh âm thầm bảo vệ các bộ lạc bản địa rừng Amazon

Ông Jair Candor dành hơn 35 năm trong cuộc đời để tìm kiếm những người bản địa, giúp họ có được sự bảo vệ từ chính phủ Brazil.

Ông Jair Candor (63 tuổi) đã dành hơn 35 năm trong cuộc đời mình để tìm kiếm những người bản địa trong rừng Amazon.

Ông Candor lần đầu tiên ghi hình được những người bản địa vào năm 2011. Đó là một gia đình gồm 9 người, không mặc gì và đang đi bộ trong rừng. Trên lưng họ là trẻ con và những mũi tên còn cao hơn cả họ. Để thấy được cảnh tượng này, ông Candor đã dành 10 năm để lần theo những dấu vết gia đình trên để lại.

Ông Jair Candor. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Ông Jair Candor. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Theo tờ The New York Times, trong nhiều năm, các công ty khai thác gỗ tại rừng Amazon tung tin rằng người bản địa không còn tồn tại và sự hiện diện của họ đã trở thành truyền thuyết.

Tuy nhiên, với video quay cảnh người bản địa đi bộ trong rừng vào năm 2011, ông Candor có thể chứng minh rằng những thông tin trên hoàn toàn là bịa đặt. Ông Claiton Gabriel Silva - người bạn đồng hành của ông Candor - kể lại sau khi quay xong thước phim, mắt ông Candor đẫm lệ.

35 năm, 1 hành trình

Ông Candor là một trong số những người được chính phủ Brazil thuê để tìm tung tích người bản địa trong những khu vực xa xôi của rừng Amazon. Theo The New York Times, ông cũng là người thành công nhất trong số những người tham gia dự án này.

Công việc thực chất của ông Candor không phải là liên hệ với các bộ lạc mà là bảo vệ họ. Theo luật pháp Brazil, để ban hành được các biện pháp bảo vệ người bản địa, bắt buộc phải có bằng chứng cho thấy họ tồn tại. Do đó, những người như ông Candor đóng một vai trò lớn trong việc giúp người bản địa trong rừng Amazon có cuộc sống an toàn.

Trong quá trình làm việc, ông Candor cố gắng tìm ra người bản địa nhưng không để họ nhìn thấy mình. Theo ông Candor, đây là cách giúp những người bản địa duy trì sự độc lập vốn có của họ.

"Sự tò mò của tôi là rất lớn, nhưng sự tôn trọng các quyền của người bản địa còn lớn hơn” - ông Candor nói.

Hơn 35 năm qua, ông Candor đã dẫn đầu hàng trăm cuộc thám hiểm vào rừng Amazon. Ông bị sốt rét hơn 10 lần và suýt chết 2 lần. Một trong những lần khiến ông suýt mất mạng là khi một người bản địa dùng cung tên bắn vào nhóm của ông.

Ông Jair Candor cùng các cộng sự sinh sống trong rừng. Ảnh: The New York Times

Ông Jair Candor cùng các cộng sự sinh sống trong rừng. Ảnh: The New York Times

Cũng trong hơn 35 năm qua, ông Candor đã phát hiện bằng chứng về 4 nền văn minh nhỏ. Theo các nhà nghiên cứu, những nền văn minh này có ngôn ngữ, văn hóa và câu chuyện riêng. Trong số này có bộ lạc nhỏ nhất Brazil - bộ lạc Piripkura. Bộ lạc này chỉ còn 3 người.

Nhờ các phát hiện của ông, giới chức Brazil đã thiết lập một khu vực bảo vệ trong rừng Amazon rộng hơn 18.000 km vuông. Nhờ đó, những người bản địa được đảm bảo an toàn và các công ty khai thác gỗ không thể đốn hạ cây trong khu vực.

Hy sinh

Gia đình ông Candor chuyển đến khu vực rừng Amazon vào những năm 1960, tìm cách khai phá rừng để sinh sống. Khi ấy, ông Candor mới 6 tuổi.

Ba năm sau khi gia đình ông chuyển đến Amazon, mẹ ông qua đời. Gia đình ông từ đó phân tán đi khắp nơi. Ông Candor sau đó được một nhóm thợ cạo mũ cao su nhận nuôi. Do điều kiện kinh tế khó khăn, ông Candor phải bỏ dở việc học và quay về rừng học cách sinh tồn nơi hoang dã.

Năm 1988, Brazil bắt đầu đề ra chính sách công nhận quyền của người bản địa đối với đất đai của họ. Để thực hiện điều này, chính phủ cần những chuyên gia về rừng rậm. Với kinh nghiệm nhiều năm sống trong rừng, ông Candor, khi ấy 28 tuổi, được chính phủ thuê.

Ông Candor làm việc rất tốt. Ông học cách nhận diện dấu hiệu của người bản địa. Đó là những vỏ hạt bị tách vỡ nằm rải rác trên đường đi, là những chùm cây có độc bỏ dưới suối dùng để đánh bắt cá. Ông cũng học cách nhận diện dấu vết chỉ đường của người bản địa.

Trong chuyến thám hiểm đầu tiên do ông Candor dẫn đầu vào năm 1989, ông đã tìm thấy 2 thành viên của bộ lạc Piripkura. Ông Candor kể những người bản địa này có thể sống chỉ với lửa, vài chiếc võng và một con dao cùn.

“Chúng ta cần một ngôi nhà, một ô tô, chúng ta cần một đống thứ linh tinh. Rồi tôi gặp hai người đàn ông này. Họ sống hạnh phúc mà không cần có gì, không quần áo, không siêu thị, không tiền điện nước” - ông Candor nói.

Năm 1992, một chuyến thám hiểm kéo dài hơn dự kiến đã khiến ông Candor bỏ lỡ ngày cưới của chính mình. Vụ việc khiến vị hôn thê của ông không muốn cưới ông nữa.

Sau đó, ông kết hôn với một người phụ nữ khác và có 2 con trai. Nhưng đến tận bây giờ, ông Candor vẫn rất ít khi về nhà.

Ông Candor (giữa) cùng cộng sự đi theo một trong những thành viên cuối của bộ lạc Piripkura. Ảnh: The New York Times

Ông Candor (giữa) cùng cộng sự đi theo một trong những thành viên cuối của bộ lạc Piripkura. Ảnh: The New York Times

Công việc này cũng khiến ông có nhiều kẻ thù. Ông Candor cho biết nhiều chính trị gia đã gây áp lực, yêu cầu ông phải thôi việc. Những nông dân trong vùng đưa hối lộ để ông ngừng làm việc, còn những người khai thác gỗ thuê nhóm côn đồ ám sát ông.

Giờ đây, để bảo vệ an toàn cho mình, ông mặc áo chống đạn và mang theo một khẩu súng lục 9 mm.

“Tôi không sợ. Điều khiến tôi lo lắng là rắn” - ông Candor cười và nói.

Tuy nhiên, nhiều đồng nghiệp của ông đã không gặp may mắn trong quá trình tìm kiếm người bản địa.

Năm 2020, một đồng nghiệp của ông Candor bị một người bản địa dùng tên bắn chết. Năm 2022, ông Bruno Pereira - một chuyên gia về các bộ lạc - và nhà báo người Anh Dom Phillips đã bị giết khi đang đi đến khu vực người bản địa sinh sống.

Ông Condors cho biết còn khoảng 4 đến 5 năm nữa là ông sẽ nghỉ hưu, nhưng từ đây đến lúc đó, ông sẽ tiếp tục mạo hiểm tính mạng để giúp đỡ các bộ lạc người bản địa.

“Chúng tôi là những người đấu tranh vì người bản địa. Chúng tôi chính là tiếng nói của họ” - theo ông Candor.

Nguồn: [Link nguồn]

Những người sống sót cuối cùng của bộ tộc bản địa Amazon

Công tác bảo vệ bộ tộc Piripkura trong rừng Amazon gặp nhiều khó khăn khi dân số của bộ tộc chỉ còn 3 người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo KHOA ĐIỀM ([Tên nguồn])
Chuyện lạ Thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN