Nhân loại chỉ còn 18 tháng cứu Trái đất khỏi thảm họa?
Nhân loại chỉ còn 18 tháng để có những động thái cụ thể nhằm đảo ngược những thảm họa tàn khốc của biến đổi khí hậu, bài viết đăng tải trên báo Anh hôm 24.7 viết.
Thảm họa biến đổi khí hậu sẽ nhấn chìm nhiều thành phố ven biển.
Bài viết mở đầu bằng đoạn “bạn có nhớ lúc chúng ta nhắc đến thời điểm 12 năm để cứu Trái đất?’, cây viết về môi trường của BBC, Matt McGrath, viết.
“Giờ đây, ngày càng có cơ sở để khẳng định rằng 18 tháng tới sẽ trở nên đặc biệt quan trọng trong việc kiểm soát khủng hoảng môi trường toàn cầu”.
McGrath dẫn tuyên bố của Thái tử Anh Charles và nhà sáng lập Viện Khí hậu Potsdam, Hans Joachim Schellnhuber, rằng nhân loại cần có hành động cụ thể như giảm khí thải nhà kính cho đến trước năm 2020.
“Tôi chắc chắn rằng 18 tháng tới sẽ là thời điểm quyết định xem chúng ta có khả năng đưa khí hậu trở về mức sống sót được hay không và khôi phục thiên nhiên vốn có để con người tồn tại”, Thái tử Charles nói.
Năm ngoái, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) nói, để kiểm soát mức tăng 1,5 độ C trên toàn cầu trong thế kỷ này, lượng khí thải CO2 cần phải được cắt giảm 45% vào năm 2030.
“Nhưng ngày nay, các nhà quan sát nhận thấy, nhân loại cần có hành động cụ thể và rõ ràng trước thời điểm kết thúc năm 2020”, McGrath viết.
“Bài toán biến đổi khí hậu đang ngày càng rõ ràng, rằng mặc dù Trái đất không thể sớm hồi phục trong vài năm tới, nhưng nó sẽ không bao giờ có cơ hội hồi phục nếu không có các bước đi cụ thể đến năm 2020”, Hans Joachim Schellnhuber nói.
Ở thời điểm hiện tại, nhân loại chưa có dấu hiệu sẽ kiểm soát được mức tăng nhiệt độ 1,5 độ C trong thế kỷ này. Thay vào đó, mức tăng được các nhà khoa học tính toán lên tới 3 độ C vào năm 2100.
Theo tính toán khoa học, sự chênh lệch trong ngưỡng tăng nhiệt độ 1,5-3 độ C là rất lớn.
Các đợt hạn hán sẽ xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Những siêu bão với mức tàn phá như Harvey hay Florence tại Mỹ sẽ trở nên quen thuộc. 70 đến 90% rạn san hô toàn cầu sẽ chết, Bắc Băng Dương sẽ trải qua những ngày hè không có băng. Kết quả là mực nước biển toàn cầu dâng cao tới 10 mét, nhấn chìm nhiều thành phố ven biển.
Hàng trăm triệu người khác còn phải đối mặt với cảnh thiếu nước sạch. Nạn đói ở vùng Sahara, vùng châu Phi cận Sahara, Địa Trung Hải, Trung Âu và vùng Amazon tại Nam Mỹ sẽ trở nên trầm trọng hơn.
Những bệnh lây lan nhờ nhiệt độ cao sẽ bùng phát. Năng suất ngô, gạo và lúa mì sẽ giảm một nửa và giảm giá trị dinh dưỡng.
Do khí hậu nóng hơn và mưa thất thường, nhiều nơi ở quốc gia này đã dần không còn thích hợp cho nông nghiệp và làng mạc.