Nhận định mới về nguồn gốc virus Corona lây nhiễm sang người
Các nghiên cứu gần đây khẳng định chưa thể kết luận dơi hoặc tê tê là vật trung gian lây truyền SARS-CoV-2 sang người mà cần một vật trung gian khác để kết hợp hai chủng virus với nhau.
Trong một bài phân tích đăng tải trên tờ The Conversation, nhà khoa học Alexandre Hassanin tại Đại học Sorbonne, Paris, Pháp, lý giải khả năng SARS-CoV-2 là kết quả hình thành từ hai chủng virus Corona khác nhau.
Hassanin viện dẫn việc các nhà khoa học trên thế giới giải mã thành công chuỗi di truyền (ARN) của SARS-CoV-2, bao gồm khoảng 30.000 cặp gốc chứa 15 gen, bao gồm gen S mã hóa cho một protein nằm trên bề mặt của vỏ virus, đóng vai trò quan trọng cho khả năng virus Corona lây nhiễm sang người.
Các phân tích gene chỉ ra rằng SARS-CoV-2 thuộc nhóm Betacoronaviruses, cùng họ với chủng virus Corona gây dịch SARS năm 2002.
Truy tìm nguồn gốc của SARS-CoV-2, các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện virus RaTG13 tồn tại trong cơ thể dơi thuộc loài Rhinolophus affinis, sống ở Vân Nam. So sánh về kiểu gene, virus RaTG13 giống 96% với SARS-CoV-2.
Dơi là nguồn lây nhiễm tiềm năng của chủng virus Corona.
Như vậy, loài dơi ở tỉnh Vân Nam hoàn toàn có thể trở thành vật chủ chứa virus SARS-CoV và SARS-CoV-2, theo Hassanin.
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của chuyên gia Zhang Zhigang ở Đại học Vân Nam, nhận định trên tờ Science Daily hôm 25.3, rằng có bằng chứng cho thấy tê tê không phải sinh vật trung gian lây truyền virus Corona cho người.
Nhóm của ông Zhang viện dẫn nghiên cứu đăng tải hồi tuần trước, cho thấy tê tê Malayan chứa chủng virus Corona mang tên Pangolin-CoV, họ hàng gần thứ hai của SARS-CoV-2, chỉ giống nhau 91,02% về kiểu gene.
Hồi tháng 2, một nghiên cứu của Đại học Nông nghiệp Nam Trung Quốc, cho thấy kiểu gene của Pangolin-CoV “giống tới 99%” SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu sau đó đã phải đính chính, nói rằng chỉ có 90,3% sự tương đồng.
Kết quả trên dẫn đến chưa thể kết luận rằng virus Corona lây nhiễm từ tê tê sang người, theo ông Zhang. Trên tờ The Conversasion, Hassanin chỉ ra rằng gene S cho phép SARS-CoV-2 lây nhiễm sang người, lại giống 99% với gene S ở Pangolin-CoV.
Chưa thể khẳng định tê tê là vật trung gian lây truyền SARS-CoV-2 sang người.
Nói cách khác, để trở thành vật trung gian, một sinh vật cần đáp ứng điều kiện là chứa virus giống SARS-CoV-2 tới 99% về kiểu gene, trong đó có gene S.
Hassanin cho rằng, SARS-Cov-2 là sự kết hợp một cách tự nhiên của hai loại virus khác nhau, trong đó một virus gần với RaTG13 và một virus gần với Pangolin-CoV, từ đó tạo ra chủng virus mới lây nhiễm nhanh trên người như SARS-CoV-2.
Để có sự kết hợp này, cả 2 chủng virus phải lây nhiễm trên cùng một vật chủ. Hassain nói vấn đề nằm ở chỗ các nhà khoa học chưa thể xác định được vật chủ lây truyền SARS-CoV-2 và môi trường nào có thể thúc đẩy sự kết hợp tự nhiên trên.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Một người đàn ông tử vong trên xe bus ở Trung Quốc đã được xét nghiệm dương tính với một loại virus có trên chuột,...