Nhận định của Pháp về bên bắn rơi máy bay “chở tù binh Ukraine”
Một quan chức quân đội Pháp nói rằng Kiev sử dụng tên lửa phòng không Patriot do Mỹ sản xuất để bắn rơi máy bay Nga “chở tù binh Ukraine”, theo RT. Trước đó, các nhà điều tra Nga đã đưa ra kết luận tương tự.
Hệ thống phòng không Patriot được Mỹ triển khai ở Ba Lan.
Một quan chức quân đội Pháp nói hệ thống phòng không Patriot đã được Ukraine sử dụng để bắn rơi máy bay từ khoảng cách 50km. Hệ thống Patriot phiên bản tiêu chuẩn có tầm bắn tối đa khoảng 70km.
“Quân đội Ukraine đã bí mật đưa tên lửa Patriot tới khu vực sát biên giới Nga, bật radar ngắm bắn ở khoảng thời gian vừa đủ để phóng tên lửa về phía máy bay”, quan chức Pháp giấu tên nói.
Patriot có hai cơ chế dẫn đường cho tên lửa phòng không. Một là sử dụng đài radar của hệ thống và hai là sử dụng hệ thống định vị của tên lửa. Cách hai giúp giảm thiểu rủi ro bị Nga phát hiện vị trí hệ thống Patriot nhưng khả năng đánh trúng mục tiêu khi đó phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống định vị tự động của quả tên lửa.
Nguồn tin trong quân đội Pháp trước đó cũng cho biết, tên lửa được Ukraine sử dụng trong vụ bắn rơi máy bay là của Mỹ.
Một quan chức phương Tây khác cho biết, máy bay Il-76 của Nga đã bị bắn rơi bằng tên lửa chứ không phải rơi do trục trặc kỹ thuật và gần như chắc chắn tên lửa được bắn từ lãnh thổ Ukraine.
Máy bay IL-76 chở 74 người của Nga rơi ở vùng Belgorod hôm 24/1, trên máy bay có 65 tù binh Ukraine, theo Ủy ban Điều tra Nga.
Nhưng theo các quan chức phương Tây, không rõ máy bay khi đó có thực sự chở tù binh Ukraine như tuyên bố của Nga hay không.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói Nga chưa nhận được đề nghị của Ukranie về việc trao trả các phần thi thể tù binh Ukranie thiệt mạng trong vụ rơi máy bay. Ông Peskov sau đó nói Nga vẫn đang điều tra và phản hồi đề nghị của Ukraine hay không sẽ do cơ quan thực thi pháp luật Nga cân nhắc.
Hôm 1/2, Ủy ban Điều tra Nga kết luận Ukraine phóng tên lửa Patriot từ khu vực làng Liptsy ở vùng Khariv, cách biên giới Nga khoảng 10km.
Các mảnh vỡ tên lửa có những dòng chữ bằng tiếng Anh, cho thấy tên lửa được sản xuất vào những năm 1980. Một mảnh vỡ có chữ “Raytheon”, tên của công ty quốc phòng Mỹ sản xuất hệ thống Patriot.
Ủy ban Điều tra Nga cũng không loại trừ khả năng có cố vấn Mỹ tham gia hỗ trợ Ukraine vận hành tên lửa Patriot. Ukraine cho đến nay không phủ nhận, cũng không xác nhận đã bắn rơi máy bay. Kiev cũng khẳng định không biết có các tù binh trên máy bay.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong số các vấn đề được nhắc đến, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine có đề cập đến một trong những nguyên nhân gây ra căng thẳng giữa vị tướng này và ông Zelensky.