Nhận diện yếu tố ngăn Israel-Iran đối đầu trực tiếp
Dù có xung đột ngầm và các cuộc tấn công "ăn miếng trả miếng" nhưng cả Israel và Iran đều không muốn đối đầu trực tiếp, do hai bên đều nhận thức rõ rằng nó có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc.
Tuần qua, Thiếu tướng Mohammad Bagheri - Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Iran - tuyên bố Tehran sẽ trả đũa cuộc tấn công của Israel vào tháng trước, ngay cả khi Israel và Hezbollah đạt được thỏa thuận ngừng bắn hôm 27-11, theo tờ Iran International.
Ông Bagheri đưa ra phát ngôn trên trong bối cảnh Iran và Israel trong năm qua đã trải qua hai đợt "ăn miếng trả miếng". Dù vẫn chưa biết mức độ cuộc tấn công trả đũa sắp tới của Iran có khiến hai bên leo thang thành xung đột trực tiếp hay không, song qua hai đợt tấn công qua lại trước đã cho thấy sự kiềm chế của cả Iran và Israel.
Một mảnh tên lửa gần Biển Chết, Israel vào tháng 10. Ảnh: GETTY IMAGES
Không muốn xung đột vượt ngoài tầm kiểm soát
Trong nhiều thập niên, Iran và Israel đã bị mắc kẹt trong một cuộc xung đột ngầm. Israel thực hiện các cuộc tấn công bí mật nhằm vào Iran, trong khi Iran dựa vào lực lượng ủy nhiệm ở Iraq, Lebanon, Syria và Yemen để tấn công Israel.
Tuy nhiên, tất cả điều này đã thay đổi vào ngày 13-4 khi Iran trực tiếp tấn công Israel bằng hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái (UAV), nhằm trả đũa việc Israel được cho đã tấn công vào khu phức hợp ngoại giao của Iran tại Syria đầu tháng. Đây cũng là lần đầu tiên Iran tấn công trực tiếp Israel từ lãnh thổ của họ. Ngày 19-4, Israel phóng loạt UAV và tên lửa vào Iran để trả đũa.
Sự kiện "ăn miếng trả miếng" khiến nhiều nước lo ngại xung đột toàn diện giữa Iran và Israel có thể xảy ra. Vài giờ sau các cuộc không kích hồi tháng 4, Tướng Hossein Salami – Tổng tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran – cho biết Iran đã quyết định tạo ra "một phương trình mới" trong cuộc xung đột ngầm kéo dài nhiều năm với Israel.
Sáu tháng sau, hai bên lại tiếp tục rơi vào đợt "ăn miếng trả miếng" mới. Ngày 26-10, Israel điều hơn 100 máy bay chiến đấu và UAV tấn công các căn cứ quân sự của Iran. Cuộc phản công của Israel diễn ra hơn 3 tuần sau khi Iran phóng hơn 180 tên lửa đạn đạo vào ngày 1-10 để trả thù vụ Israel hạ 2 lãnh đạo hàng đầu của các nhóm vũ trang Hezbollah và Hamas, theo tờ The New York Times.
Điểm chung sau 2 vụ tấn công của Iran là Israel đã không phản ứng hay trả đũa ngay sau khi vụ việc xảy ra. Cho đến nay, hai bên chủ yếu chỉ được thực hiện bằng các cuộc tấn công "ăn miếng trả miếng" bằng tên lửa có độ chính xác cao, chủ yếu nhắm vào các căn cứ quân sự ở quốc gia kia. Và may mắn, các cuộc tấn công trả đũa đã không lan rộng thành xung đột khu vực.
Ông Farzan Sabet – nhà phân tích về chính trị Iran và Trung Đông tại Viện Sau đại học Geneva (Thụy Sĩ) – cho biết loạt tấn công tên lửa dường như là dấu hiệu của một loại xung đột mới. “Các cuộc tấn công chính xác sâu không phải là điều mới, nhưng việc sử dụng chúng ở quy mô thường xuyên của một cuộc xung đột thì là điều lạ” – ông nói.
Tuy nhiên, theo ông Sabet, "chúng ta có thể chưa thấy điều tồi tệ nhất". Ông cho rằng gần đây, phía Iran đã ra hiệu rằng nếu cơ sở hạ tầng dân sự của họ bị tấn công, họ sẽ tấn công các nguồn năng lượng chính của Israel, bao gồm các mỏ khí đốt, nhà máy điện và các cơ sở nhập khẩu dầu.
Về phía Israel, trong thông điệp video vào tháng 11, Thủ tướng Israel – ông Benjamin Netanyahu cảnh báo rằng Israel có thể gia tăng cường độ của cuộc xung đột nếu Iran tấn công một lần nữa.
Ông Sabet cho rằng cảnh báo công khai như trên, cùng với các cuộc không kích, là một phần của chiến dịch răn đe của cả hai quốc gia, nhằm cố gắng ngăn chặn xung đột vượt khỏi tầm kiểm soát.
"Thực tế là cả hai bên đều đang dành thời gian để tính toán, hợp tác [với các đồng minh], định hình các hoạt động của riêng họ" – ông Assaf Orion, chiến lược gia quốc phòng tại Viện Chính sách Cận Đông Washington, cho biết.
Cuộc chiến khác biệt
Cách đây không lâu, các nhà phân tích dự đoán rằng bất kỳ cuộc tấn công trực tiếp nào của Iran vào Israel hoặc ngược lại đều sẽ gây ra cuộc xung đột lan rộng. Thực tế cho thấy mọi chuyện đã không diễn ra theo hướng này.
Hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel đánh chặn tên lửa của Iran vào đầu tháng 10. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Dù vậy, các cuộc tấn công được tính toán như trên cũng phản ánh thực tế rằng khi cuộc đối đầu trực tiếp giữa Iran và Israel xảy ra thì nó có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc, không chỉ đối với khu vực Trung Đông mà còn đối với phần lớn thế giới.
“Bản chất của các cuộc tấn công dường như nói lên nguy cơ của một cuộc xung đột khu vực. Đây là điều có lẽ cả hai bên có lẽ vẫn muốn tránh” – ông Julien Barnes-Dacey, Giám đốc về vấn đề Trung Đông tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho biết.
Theo The New York Times, các cuộc tấn công trả đũa giữa Iran và Israel không giống với các cuộc chiến tranh áp đảo nhanh – mô hình chiến tranh từng được Mỹ áp dụng nhiều ở Trung Đông và là mô hình thể hiện quyết tâm đối đầu trực tiếp. Đối với các cuộc chiến tranh áp đảo nhanh, bên tấn công sử dụng hỏa lực áp đảo, công nghệ vượt trội và tốc độ để trấn áp khả năng vật lý và ý chí của bên bị tấn công.
Việc triển khai chiến lực chiến tranh áp đảo nhanh tại Trung Đông trong thời điểm hiện tại cũng khó có thể thực hiện được do việc triển khai bộ binh đòi hỏi bên tấn công phải sử dụng nhiều nguồn lực. Do đó, tấn công từ xa là giải pháp được các bên ưu tiên hơn.
Ngoài ra, các chuyên gia quân sự vẫn đang nghi ngại về tính khả thi của chiến lược chiến tranh áp đảo nhanh. Theo cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark A. Milley và cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt, vũ khí tự động và trí tuệ nhân tạo (AI) đang biến đổi các cuộc chiến tranh và khiến chiến lược chiến tranh áp đảo nhanh dường như không có nhiều tác dụng.
Lãnh sự quán Iran ở Syria bị phiến quân tấn công Ngày 30-11, Bộ Ngoại giao Iran cho biết Lãnh sự quán Iran tại TP Aleppo (Syria) đã bị "một số phần tử khủng bố" tấn công, theo hãng thông tấn Mehr. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran - ông Esmaeil Baghaei nói rằng phái bộ ngoại giao đã bị các chiến binh có vũ trang tấn công. Ngài tổng lãnh sự Iran và tất cả các nhân viên ngoại giao hiện đang ở Aleppo đều không bị thương. Ông Baghaei cho biết Tehran sẽ đưa ra phản ứng thích đáng đối với cuộc tấn công. “Bất kỳ hành vi vi phạm nào đối với các địa điểm ngoại giao của bất kỳ cá nhân, nhóm hoặc chính phủ nào đều không thể chấp nhận được theo Công ước Vienna năm 1963 về Quan hệ Lãnh sự" - ông Baghaei nhấn mạnh. Nhóm vũ trang Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (bắt nguồn từ một nhánh cũ của tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Syria) cùng với một nhóm dân quân đồng minh đã tấn công lãnh thổ miền bắc Syria do chính phủ kiểm soát từ hôm 27-11. Nhóm này đã chiếm được khoảng 400 km2 lãnh thổ và tiến đến TP Aleppo. Các lực lượng chính phủ Syria cho hay đã ngăn chặn được bước tiến của nhóm này, với việc Không quân Nga và Syria đều tiến hành các cuộc không kích đối phó các nhóm chiến binh trong những ngày qua. Quân đội Syria cho hay các cuộc không kích đã gây ra “tổn thất tàn khốc cho quân nổi dậy”. Moscow đã gọi những diễn biến này là "một cuộc tấn công vào chủ quyền của Syria trong khu vực" và thúc giục Damascus khôi phục "trật tự ở đó càng sớm càng tốt", theo đài RT. |
Nguồn: [Link nguồn]
Chuyên gia nhận định rằng một cuộc chiến Israel-Iran có thể “làm rạn nứt nền kinh tế toàn cầu, giết chết hàng chục nghìn binh lính và dân thường”.