Nhận diện 'những đám mây đen' của năm 2022
Khắp thế giới, người người đang mong chờ năm mới 2022 với sự lạc quan và hy vọng, nhưng đừng quên sẽ vẫn còn đó các thách thức và "những đám mây đen"...
Khắp thế giới, người người đang mong chờ năm mới 2022 với sự lạc quan và hy vọng, nhưng đừng quên sẽ vẫn còn đó các thách thức và "những đám mây đen"...
Có thể hình dung "những đám mây đen" này sẽ gắn với các vấn đề nóng trên toàn cầu trong năm 2021: y tế, kinh tế và chính trị, theo kênh Channel News Asia.
Đại dịch vẫn chưa kết thúc
Dù đã có vaccine và thuốc nhưng đường đi của đại dịch vẫn rất khó lường. Tầm phủ sóng vaccine trên toàn cầu chưa đủ rộng, thuốc điều trị COVID-19 đã được Mỹ phê duyệt nhưng chưa biết chính xác khi nào mới tới được các nước. Trong khi đó virus SARS-CoV-2 vẫn chưa ngừng biến đổi.
Biến thể mới nhất - Omicron - có thể không nguy hiểm như các biến thể trước đó, đặc biệt là ở các nước giàu có tỉ lệ tiêm chủng cao, nhưng nó dễ lây lan hơn, có nghĩa là số ca nhập viện và tử vong sẽ vẫn cao.
Năm 2022, COVID-19 có thể sẽ vẫn tiếp tục tạo ra sức ép lên hệ thống y tế toàn cầu. Ảnh: AP
Để nhanh chóng chấm dứt được đại dịch rất cần ý thức của mỗi người dân, sự đồng lòng giữa người dân với chính phủ, giữa các chính phủ với nhau.
Gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát sẽ còn kéo dài Sự bất định và tâm lý ngại rủi ro sẽ khiến người dân giảm chi tiêu, dẫn đến các nút thắt của chuỗi cung ứng đã rối lại càng khó gỡ hơn. Lượng tiết kiệm dư thừa cao, nhu cầu bị dồn nén, chính sách tiền tệ và tài khóa lỏng lẻo đã thúc đẩy lạm phát vào năm 2021. Trước đó, nhiều ngân hàng trung ương khẳng định tình trạng tăng lạm phát này chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, hiện các ngân hàng này đã thừa nhận rằng nó sẽ tiếp tục kéo dài.
Xung đột địa chính trị tiếp tục nóng
Năm 2022 mang lại những rủi ro địa chính trị. Trên mặt trận địa chính trị, có ba nguy cơ lớn cần theo dõi.
Thứ nhất, nguy cơ Nga tấn công Ukraine. Vẫn còn phải xem liệu các cuộc đàm phán về một cơ chế an ninh khu vực mới có thể ngăn chặn sự leo thang nguy cơ này hay không. Mặc dù Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hứa sẽ viện trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine và dọa sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn đối với Nga, nhưng ông cũng nói rõ rằng Mỹ sẽ không can thiệp trực tiếp để bảo vệ Ukraine trước nguy cơ bị tấn công. Ngoài ra, nền kinh tế Nga đã trở nên kiên cường hơn trước các lệnh trừng phạt so với trước đây, vì vậy những lời đe dọa của phương Tây có thể không thể làm lung lay Tổng thống Nga Vladimir Putin. Điển hình như trước đó, một số lệnh trừng phạt của phương Tây, chẳng hạn như động thái chặn đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 đã không răn đe được Nga. Ngược lại, nó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu năng lượng của chính châu Âu.
Xung đột Mỹ-Trung sẽ tiếp tục nóng hơn trong năm 2022. Ảnh: DEPOSIT PHOTOS
Thứ hai, chiến tranh lạnh Mỹ-Trung ngày càng "lạnh". Hiện Trung Quốc đang gia tăng áp lực quân sự đối với Đài Loan và ở Biển Đông, nơi đang diễn ra nhiều tranh chấp lãnh thổ. Ngoài ra, sự chia rẽ giữa nền kinh tế của hai nước vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến lạm phát làm đình trệ nền kinh tế hai bên.
Thứ ba, Iran đã nhanh chóng làm giàu uranium và hiện đang ở ngưỡng có thể chế tạo vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới hoặc khởi động lại thỏa thuận trước đó lại chẳng đi đến đâu.
Do đó, Israel đang công khai xem xét các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Nếu điều đó xảy ra, hậu quả có thể sẽ tồi tệ hơn những cú sốc địa chính trị liên quan dầu mỏ những năm 1973 và 1979.
Từ khí hậu đến khủng hoảng biên giới
Năm mới cũng mang đến các mối quan tâm mang tính hệ thống. Năm 2021, các đợt nắng nóng, hỏa hoạn, hạn hán, bão, lũ lụt, bão và các thảm họa khác đã cho thấy những tác động khủng khiếp của biến đổi khí hậu.
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow (Scotland) không thực sự giải quyết được các vấn đề về khí hậu và nhiệt độ trên toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục tăng. Hạn hán đang khiến giá lương thực tăng vọt nguy hiểm, và tác động của biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục trầm trọng hơn.
Ngoài ra, việc cắt giảm lượng khí thải cũng khiến các tổ chức giảm hoặc không đầu tư vào lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch. Điều này khá nguy hiểm trong bối cảnh thế giới chưa có đủ nguồn cung cấp năng lượng tái tạo, dẫn đến giá năng lượng tăng dần theo thời gian.
Hơn nữa, dòng người tị nạn với mục đích tìm kiếm điều kiện sống tốt hơn sẽ tiếp tục kéo đến Mỹ, các nước châu Âu và các nền kinh tế tiên tiến khác. Điều này chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột biên giới.
Nguồn: [Link nguồn]
Giới chuyên gia nhận định COVID-19 có thể sẽ không còn là “đại dịch” vào năm 2022 do tỉ lệ tiêm chủng tăng và việc...