Nhận diện các yếu tố giúp năm 2024 khởi sắc
Năm 2024 thậm chí có thể nóng hơn theo nhiều nghĩa, nhưng tồn tại các yếu tố thay đổi tình hình.
Theo một nghiên cứu về trải nghiệm toàn cầu thường niên của IPSOS - công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới, hơn 70% số người tham gia khảo sát từ hơn 30 quốc gia ở các châu lục đánh giá rằng năm 2023 là một năm tồi tệ. Nối tiếp các tâm điểm trong năm cũ, năm 2024 dự báo sẽ có sự phức tạp ở đa dạng lĩnh vực, nhưng màu sắc chủ đạo chưa rõ ràng vì còn nhiều yếu tố thay đổi.
An ninh vẫn là điểm nhấn
Thế giới năm 2024 có lẽ sẽ tiếp tục theo dõi xung đột Nga - Ukraine khi cả hai quốc gia đều không đưa ra tín hiệu về khả năng hòa hoãn trong thời gian gần. Trong khi Nga dự kiến đẩy chi tiêu quốc phòng lên con số cao kỷ lục, gần 39% tổng ngân sách quốc gia, phía Ukraine nói đã lên kế hoạch quân sự cho năm 2024, theo hãng tin Reuters.
Xung đột Nga - Ukraine được dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2024. Ảnh: AA
Tại Dải Gaza, bất chấp những nỗ lực kêu gọi chấm dứt giao tranh, tình hình thực tế cho thấy căng thẳng ở đây vẫn tiếp tục leo thang. Nhiều quan chức cấp cao của Mỹ tin rằng Israel sẽ kéo dài chiến dịch của mình ở phía Nam Gaza sang năm 2024.
Nhiều chuyên gia cho rằng nghị quyết kêu gọi ngừng bắn hôm 12-12 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có thể giúp gia tăng sức ép về mặt chính trị đối với tình hình Gaza. Tuy nhiên, nghị quyết này sẽ không tác động mạnh nếu Hội đồng Bảo an vẫn trì hoãn việc đưa ra phản ứng.
Theo hãng tin AFP, hai cuộc xung đột đã làm trầm trọng thêm những mối lo ngại về an ninh quốc gia ở châu Âu. Tình hình Nga-Ukraine khiến các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) xao nhãng mối quan tâm về làn sóng di cư ồ ạt, vốn đang gây áp lực lên hệ thống an sinh xã hội.
Xung đột Israel-Hamas cũng tác động tiêu cực đến an ninh châu Âu. Sĩ quan Jochen Kopelke - người đứng đầu liên đoàn cảnh sát lớn nhất nước Đức, nói rằng kể từ khi Gaza bắt đầu căng thẳng, số lượng các vụ tấn công có yếu tố Hồi giáo đã tăng lên. Các lực lượng an ninh trên toàn châu Âu phải tăng cường giám sát tình hình trật tự tại các thành phố.
Châu Âu tăng cường an ninh sau nhiều vụ tấn công có yếu tố Hồi giáo. Ảnh: REUTERS
Ngoài những tâm điểm an ninh sẽ tiếp tục trong năm 2024, tờ Defense News cũng chỉ ra những diễn biến có thể “nóng lên” trong năm mới, đó là căng thẳng ở Biển Đông, tập trung chính vào quan hệ Trung Quốc - Philippines, hay vấn đề khủng bố ở châu Phi.
Chính trị xuất hiện các diễn biến gay cấn
Không chỉ về an ninh, chính trị thế giới năm 2024 cũng hứa hẹn bùng nổ khi nhiều sự kiện diễn ra sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp định hình thế giới.
Nổi bật nhất, sẽ có hơn 30 cuộc bầu cử nguyên thủ quốc gia diễn ra trong năm tới, trong đó có những quốc gia có ảnh hưởng lớn như Mỹ, Nga hay Ấn Độ. Quyết sách của lãnh đạo các nước sẽ tác động đến tình hình chung toàn cầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tái tranh cử trong năm 2024. Ảnh: AFP
Các chuyên gia cũng dự đoán cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ tiếp tục là sự kiện chính trị quan trọng hàng đầu trong năm 2024. Thương mại và công nghệ sẽ là hai mục tiêu nổi bật nhất của cuộc đua này.
Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung trong năm mới, Reuters nhận xét.
Thương mại và công nghệ là hai mục tiêu nổi bật nhất trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung trong năm 2024. Ảnh: REUTERS
Theo ông Ian Bremmer - học giả chuyên nghiên cứu về những rủi ro chính trị toàn cầu, cuộc cạnh tranh này còn làm phức tạp hơn tình hình quốc tế vì sự đan xen lợi ích quốc gia và những quan tâm địa - chính trị.
Trong bài tổng hợp của trang Project Syndicate, nhiều nhà bình luận dự báo về một xu hướng “không liên kết” đang nổi lên trong quan hệ quốc tế năm 2024. Các quốc gia sẽ xoay sở để giữ vững mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, nhưng cũng cố gắng củng cố an ninh quốc gia hay khu vực.
Kinh tế nhìn chung chậm khởi sắc
Trong bối cảnh thế giới biến động, kinh tế lại là yếu tố dự kiến chưa có nhiều thay đổi rõ ràng.
Reuters cho biết khó khăn lớn nhất mà kinh tế toàn cầu phải đối mặt trong năm 2024 vẫn là lạm phát. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra con số dự báo lạm phát toàn cầu 2024 là 5,8%, thấp hơn mức trung bình 2023 là 6,6%, nhưng cơ bản sẽ không quay lại mức 2% cho đến năm 2025.
Lạm phát năm 2024 sẽ ảnh hưởng đến tỉ giá hối đoái, lãi suất, giá tài sản, phân bổ thu nhập và tính bền vững nợ của nhiều quốc gia và khu vực. Các quốc gia cần nhanh chóng đưa ra biện pháp giảm thiểu rủi ro trước khi tình hình lạm phát xấu đi.
Trái cây và rau quả tăng giá ở chợ Paloquemao (Colombia) trong bối cảnh lạm phát quốc gia ở mức cao nhất trong nhiều năm. Ảnh: REUTERS
“Bóng ma” COVID-19 đi cùng những diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực vẫn gây sức ép lên nền kinh tế trong năm mới. Dù có một số chênh lệch trong dự đoán, các tổ chức kinh tế uy tín tin rằng thời điểm tăng trưởng GDP toàn cầu trở lại thời kỳ trước đại dịch vẫn chưa đến gần.
Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng kinh tế nặng nề nhất. Trong năm 2024, chính sách thắt chặt tiền tệ và chi phí năng lượng tăng cao sẽ là hai yếu tố chủ chốt thay đổi tình hình kinh tế khu vực.
Chính sách thắt chặt tiền tệ và chi phí năng lượng tăng cao thay đổi tình hình kinh tế châu Âu. Ảnh: FSR
Bà Clare Lombardelli - nhà kinh tế trưởng của OECD, bày tỏ sự lo lắng về thương mại toàn cầu năm 2024 khi các hạn chế thương mại ngày càng gia tăng. Bà kêu gọi các quốc gia đẩy mạnh hợp tác đa phương khi dự kiến thương mại toàn cầu nửa đầu năm mới chỉ tăng 0,1% so với năm 2023.
Trong khi sự chú ý dồn về các nền kinh tế lớn như Mỹ hay Trung Quốc, IMF cho biết thị trường của các quốc gia này có thể sẽ khởi sắc nhưng “vẫn còn rất nhiều rủi ro”.
Môi trường tăng thêm nhiệt độ
Năm 2023 đánh dấu kỷ lục nhiệt độ của trái đất, nhưng năm 2024 sẽ còn nóng hơn nữa theo nghĩa đen.
Văn phòng Khí tượng Anh (Met) hôm 8-12 đã dự báo sự nóng lên toàn cầu thậm chí có thể tệ hơn trong trong năm mới. Nhiệt độ trung bình của trái đất năm 2024 sẽ tăng trong khoảng từ 1,34 đến 1,38 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (từ những năm 1850 đến 1900). Trước đó, vào tháng 10, cơ quan theo dõi khí hậu thuộc EU thông báo nhiệt độ trung bình cao nhất năm 2023 tăng 1,4 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Năm 2024, hiện tượng El-Nino tiếp tục tác động xấu đến khí hậu toàn cầu với các hệ quả thiên tai, cháy rừng, dịch bệnh ....
El-Nino dẫn đến nhiều tác hại lên môi trường sống của con người. Ảnh: CNBC
Nhân loại cần giảm một nửa lượng nhiên liệu hóa thạch hiện sử dụng để đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 là giữ mức tăng nhiệt độ trái đất không vượt quá 1,5 độ C. Tuy nhiên, tổ chức Economist Intelligence Unit dự báo mức tiêu thụ năng lượng và nhiên liệu hóa thạch toàn cầu vẫn sẽ chạm đỉnh vào năm 2024.
Trang Terapass lưu ý rằng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, sự lãng phí, và cạn kiệt tài nguyên cũng là vấn đề cấp bách của môi trường trong năm sau.
Ô nhiễm không khí ở thủ đô New Dehli của Ấn Độ. Ảnh: REUTERS
Không thể phủ nhận nỗ lực của con người trong việc giảm thiểu tác động xấu từ môi trường. Dẫu vậy, vẫn còn tồn tại quá nhiều mối quan tâm khác có thể gây xao nhãng mối bận tâm đến môi trường. Vấn đề môi trường đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa từ cộng đồng quốc tế.
Hy vọng luôn ở đó
Sự tiếp diễn của tình hình phức tạp trong năm 2023 có thể báo hiệu viễn cảnh không mấy lạc quan. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những yếu tố có thể giúp năm 2024 khởi sắc.
Một số chuyên gia tin rằng sự tiêu hao của cả Nga lẫn Ukraine sau một năm xung đột có thể là tín hiệu cho thấy khả năng đàm phán hiệu quả đang đến gần. Còn với Gaza, thế giới sẽ không từ bỏ việc tìm kiếm khả năng ngừng bắn.
Kinh tế toàn cầu vẫn có nhiều tín hiệu khả quan khi thị trường châu Á và các quốc gia đang phát triển khác đang dần hồi phục. Thỏa thuận “lịch sử” mở đường cho quá trình cắt giảm nhiên liệu hóa thạch và những cam kết sau Hội nghị LHQ về Biến đổi khí hậu (COP28) cũng báo hiệu cho một cuộc đua “kinh tế xanh” mới. Từ đó mở ra triển vọng không chỉ cho môi trường mà còn về tình hình thế giới.
Một tờ rơi, nhiều thông điệp về hòa bình và khí hậu tại Hội nghị COP28. Ảnh: THE GUARDIAN
Trong xu hướng phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ, thế giới sẽ xích lại gần nhau hơn, bất chấp cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực. Sự phức tạp của tình hình an ninh chung hay các vấn đề môi trường cũng là động lực giúp giữ niềm tin rằng năm 2024 sẽ tiếp tục là năm mà thế giới hướng đến hòa bình, ổn định và cùng phát triển.
Nguồn: [Link nguồn]
Khoảng 70 nước và vùng lãnh thổ, nơi sinh sống của gần phân nửa dân số toàn cầu, dự định tổ chức bầu cử trong năm 2024, một con số cao kỷ lục.