Nhà Trắng than cạn tiền ứng phó COVID-19 vì Quốc hội không duyệt chi thêm

Nhà Trắng cho biết Quốc hội đã không duyệt chi kinh phí cần thiết để Mỹ tiếp tục ứng phó COVID-19 và giảm thiểu tác động của đại dịch đến nền kinh tế nước này.

Nhà Trắng hôm 16-3 đã thông báo sẽ phải "cắt giảm" các khoản chi cho chương trình ứng phó dịch COVID-19, chẳng hạn chi đầu tư công cụ phát hiện các biến thể mới, chi cho hoạt động xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng cho người không có bảo hiểm y tế, theo trang web Nhà Trắng whitehouse.gov.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Quốc hội Mỹ từ chối duyệt 22,5 tỉ USD cho chương trình này trong dự thảo luật ngân sách bổ sung trị giá hơn 1.500 tỉ USD (chi từ giờ cho đến tháng 9 năm nay) vừa được thông qua tuần trước. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký phê chuẩn thành luật vào ngày 15-3.

Trong thư gửi các nghị sĩ lưỡng đảng hôm 15-3, Nhà Trắng "than thở" rằng “khi cả thế giới bước vào thời điểm mới của đại dịch, Quốc hội đã không cung cấp nguồn kinh phí cần thiết để tiếp tục đối phó với dịch COVID-19 và tìm cách giảm thiểu tác động của đại dịch đến đất nước và nền kinh tế Mỹ”. “Với số ca nhiễm vẫn đang gia tăng ở nước ngoài, các chuyên gia khoa học và y tế đã cảnh báo rõ ràng rằng trong vài tháng tới, số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ cũng có thể gia tăng” - Nhà Trắng nhận định. Theo Nhà Trắng “việc không tài trợ cho những nỗ lực chống dịch ngay bây giờ sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng vì Mỹ sẽ không được trang bị để đối phó với số ca nhiễm tăng cao trong tương lai. Mọi thứ sẽ trở nên quá muộn nếu ta cứ chờ đợi nguồn hỗ trợ tài chính trong khi số ca nhiễm tăng vọt”.

Bên ngoài khuôn viên Nhà Trắng. Ảnh: SPUTNIK

Bên ngoài khuôn viên Nhà Trắng. Ảnh: SPUTNIK

Nhà Trắng nhấn mạnh rằng trừ khi Quốc hội đồng ý chi tiêu cho hoạt động phòng chống dịch, Mỹ "sẽ không có đủ nguồn lực cho chương trình tiêm vaccine mũi tăng cường hoặc phát triển các loại vaccine mới để đối phó với các biến thể mới nếu cần, cho tất cả người Mỹ”.

Theo Nhà Trắng, chính phủ cũng sẽ không có tiền đầu tư cho các phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng. Trong bối cảnh thiếu chi phí như hiện tại, Nhà Trắng sẽ phải hủy 30% hợp đồng đặt mua các thuốc kháng thể đơn dòng trị COVID-19, đẩy Mỹ vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung liên quan đến điều trị COVID-19 sớm nhất là vào tháng 5.

Và trên hết, “chính phủ liên bang sẽ không thể duy trì năng lực xét nghiệm mà cả nước đã xây dựng trong 14 tháng qua”.

“Điều mà chúng tôi đang đề nghị là một khoản đầu tư khiêm tốn, để không lãng phí những thành quả đạt được trong nỗ lực chống dịch năm ngoái” - theo bà Natalie Quillian, Phó điều phối viên của tổ ứng phó dịch COVID-19 của Nhà Trắng.

“Chúng ta không được phép quên những ngày đen tối và cần ý thức rằng một biến thể mới có thể xuất hiện nhanh đến mức nào” - bà Quillian cảnh báo thêm.

Kể từ khi đại dịch bùng phát tại Mỹ, Quốc hội nước này đã thông qua hàng nghìn tỉ USD tiền hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng kinh tế vì dịch bệnh.

Lý do Quốc hội Mỹ phản đối kế hoạch chi tiêu cho chương trình ứng phó dịch COVID-19 vì còn đến 30 tiểu bang vẫn chưa sử dụng nguồn chi từ ngân sách đã được thông qua trước đó.

Mỹ duyệt chi 13,6 tỉ USD cho các hoạt động ủng hộ Ukraine

Đạo luật có điều khoản cung cấp 13,6 tỉ USD viện trợ cho Ukraine, trong đó bao gồm 6,5 tỉ USD cho việc điều động quân đội và vũ khí tới Đông Âu để hỗ trợ Kiev và đồng minh NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) đối phó với chiến dịch quân sự của Nga, và 6,8 tỉ USD cho việc hỗ trợ kinh tế và người tị nạn ở Ukraine.

Nguồn: [Link nguồn]

Covid-19: Cảnh đối lập lạ lùng tại Hàn Quốc và Trung Quốc

Hàn Quốc tìm cách nới lỏng hạn chế Covid-19 dù số ca mắc cao kỷ lục 400.741 ca/ngày, ngược lại Trung Quốc chỉ ghi nhận 1.860 ca/ngày nhưng vẫn thực hiện các biện pháp khẩn cấp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo KHÔI CHƯƠNG ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN