Lần duy nhất thủ đô và Nhà Trắng của Mỹ bị đốt phá tơi bời, Tổng thống phải tháo chạy
Ít ai ngờ rằng Nhà Trắng – một trong những công trình được xem là biểu tượng quyền lực của thế giới, “pháo đài bất khả xâm phạm” của phương Tây, đã từng bị đốt phá tơi bời, trong thất bại ê chề của nước Mỹ.
Nhà Trắng – biểu tượng quyền lực của nước Mỹ
Nhà Trắng (The White House) là nơi sinh sống và làm việc của Tổng Thống Hoa Kỳ, được khởi công xây dựng 13.10.1792 và hoàn thành vào ngày 1.11.1800, theo yêu cầu của Tổng Tống đầu tiên của nước Mỹ - George Washington.
Với tổng diện tích mặt sàn 5.100 mét vuông, được xây dựng bằng sa thạch, bên ngoài sơn trắng thể hiện sự minh bạch của chính quyền, Nhà Trắng từ lâu đã được xem là biểu tượng, là niềm tự hào của nước Mỹ.
Tuy nhiên, trong lần đầu tiên Mỹ tuyên chiến trực tiếp với một quốc gia khác - nước Anh, Mỹ đã chuốc lấy thất bại nặng nề. Thủ đô Washington bị chiếm đóng và Nhà Trắng cũng không tránh khỏi số phận bị hủy hoại.
Nằm trong cuộc chiến tranh Mỹ - Anh, diễn ra từ năm 1812 đến 1815, sự kiện Nhà Trắng bị đốt phá đến nay vẫn còn là một vết nhơ mà người Mỹ tránh nhắc tới.
Trước hết, phải kể đến nguồn cơn của sự kiện đặc biệt này. Trong cuộc chiến giữa hoàng đế Napoleon của nước Pháp với Anh, nước Mỹ đã giữ thái độ trung lập và buôn bán với cả hai phe.
Người Anh không thích điều này, hải quân Anh đã phong tỏa vùng biển Đại Tây Dương, bắt giữ tàu bè và ngăn cản giao thương giữa Mỹ với châu Âu, khiến cho Mỹ vô cùng tức giận.
Mặt khác, trong cuộc chiến Anh – Pháp, đã có đến khoảng 11.000 thủy quân Anh đào ngũ, bỏ trốn lên các tàu buôn của Hoa Kỳ với hi vọng trở thành công dân Mỹ. Nước Anh không công nhận việc Mỹ tiếp nhận những đào binh này. Hải quân Anh đã tổ chức những cuộc lục soát, truy lùng và bắt giữ lại những người này ngay trên các tàu buôn của Mỹ.
Đỉnh điểm là sự kiện Chesapeake, diễn ra vào ngày 22 tháng 6 năm 1807, hải quân Anh đã tấn công tàu chiến lớn Chesapeake của Mỹ để bắt lại 4 thủy thủ đào ngũ trốn trong tàu này. Tàu Chesapeake thất bại và người Mỹ bấy giờ coi đó là nỗi ô nhục.
Nhà Trắng đã bị đốt cháy trong sự kiện chiến tranh Mỹ - Anh (ảnh minh họa)
Anh sau đó thậm chí còn đưa ra yêu sách cưỡng bức những người Mỹ da trắng gốc Anh, dù đang là công dân Mỹ, phải lên đường nhập ngũ vào hải quân Anh để chiến đấu với Pháp.
Mỹ đã vô cùng tức tối khi việc cưỡng bức nhập ngũ ngày càng mở rộng. Các tàu quân sự của Anh neo ngay ngoài cảng của Hoa Kỳ, trên lãnh hải Hoa Kỳ và ngang nhiên khám xét tàu thuyền để tìm đào binh, hàng lậu và bắt lính.
Chưa dừng lại ở đó, Anh còn hỗ trợ tiền bạc và vũ khí cho những bộ tộc người Da Đỏ nổi dậy quấy phá, cướp bóc dân Mỹ tại những vùng canh tác trù phú.
“Con giun xéo lắm cũng quằn”, ngày 18 tháng 6 năm 1812, Mỹ chính thức tuyên chiến với Anh, đây cũng là lần đầu tiên mà Mỹ tuyên chiến với một cuộc gia khác. Cuộc chiến diễn ra giữa một bên là Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ và một bên là Liên quân Anh, thuộc địa Canada và bộ lạc da đỏ Tecumseh.
Dù là bên tuyên chiến nhưng Mỹ đã không làm tốt công tác chuẩn bị. Vào năm 1812, lục quân chính quy Mỹ khi đó chỉ có không đến 12.000 người. Quốc hội Mỹ đã phải thông qua đạo luật cho phép mở rộng lục quân thường trực lên 35.000 người.
Tuy nhiên, do sử dụng biện pháp kêu gọi tự nguyện nhập ngũ nên quân số của Mỹ tăng lên không đáng kể. Chính quyền đã trả quá ít tiền cho binh lính, cùng với đó, có rất ít các sĩ quan được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm.
Tổng Thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ - ông Madison, trước hết cho mở cuộc tấn công vào Canada (thuộc địa lúc bấy giờ của Anh) và cho rằng lực lượng của mình sẽ dễ dàng chiếm lấy Canada. Từ đó, chiến thắng này sẽ trở thành bàn đạp, để Mỹ tiến hành đám phán với Anh, trên vị thế của kẻ chiến thắng.
Nào ngờ, nước Mỹ đã sai, người Canada thà trung thành với hoàng gia Anh còn hơn là muốn độc lập rồi phụ thuộc và Mỹ. Quân đồn trú Anh ở Canada cùng với người bản địa đã đẩy lui quân Mỹ.
Trận Bladensburg, quân Mỹ đại bại (ảnh minh họa)
Sau đó không lâu, viện binh từ Anh cũng kéo tới, đổ bộ vào tiểu bang Virginia (Mỹ), quân Mỹ lập tức rơi vào thế gọng kìm của Anh. Đầu năm 1814, quân Pháp do hoàng đế Napoleon lãnh đạo bị đánh bại và Anh lập lức dồn toàn bộ lực lượng để áp đảo Hoa Kỳ.
Trải qua nhiều trận chiến lớn nhỏ, quân Anh lần lượt đẩy lui quân Mỹ và tiến tới áp sát, đe dọa thủ đô Washington. Ngày 24 tháng 08 năm 1814, trận Bladensburg tại bang Mary Land (Mỹ) diễn ra.
Lực lượng Anh với hơn 4.000 thủy quân lục chiến, 60 khẩu pháo, đã đánh bại 7.000 quân Mỹ (phần lớn là dân binh) với 18 khẩu đại bác. Tổng thống Hoa Kỳ Madison cùng toàn bộ nội các phải bỏ chạy khỏi thủ đô Washington.
Từ Bladensburg, Maryland, quân Anh tiến thẳng vào Washington. Lấy cớ trả đũa cho vụ người Mỹ thiêu hủy và cướp phá thành phố York (ngày nay là thành phố Toronto - Canada) trong trận York vào năm 1813, và vụ đốt rụi những tòa nhà nghị viện lập pháp ở đó. Người Anh đã đốt cháy Nhà Trắng, đây là lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử thủ đô của Hoa Kỳ bị tàn phá như vậy.
Tuy nhiên, vào thời đó, người ta cho rằng việc đốt phá nhà cửa của người dân là hành động vi phạm nguyên tắc chiến tranh, vì vậy chỉ có những công trình thuộc về chính phủ Mỹ trong thành phố bị thiêu rụi.
Mặt khác, nhiều cơ sở quân sự, các khu kho bãi, nhà xưởng cũng bị người Mỹ phá hủy để tránh việc chúng rơi vào tay quân Anh. Sự kiện này còn được lịch sử gọi là “Đại Hỏa hoạn Washington”.
Quân Anh đã phải rút chạy khỏi Washington vì cơn giông lốc bất thường, Nhà Trắng vì vậy được cứu thoát (ảnh minh họa)
Tuy vậy, người Anh cũng chỉ chiếm giữ được Washington trong vòng 26 tiếng đồng hồ. Một trận cuồng phong lớn, kèm theo mưa giông đã khiến cho quân Anh đóng tại Washington gặp nhiều khó khăn.
Cơn lốc thậm chí còn cuốn bay cả đại bác, làm nổ tung các thùng thuốc súng làm một số quân Anh thiệt mạng và bị thương. Cơn giông lốc kèm mưa cũng đã dập tắt hết các đám cháy.
Đại tá Robert Ross – chỉ huy lực lượng Anh tại Washington, đã phải ra lệnh rút quân. Sự kiện này được gọi là “Cơn bão cứu tinh của Washington”. Sau đó, người Anh không thể quay lại chiếm đóng thành phố này thêm một lần nào nữa.
Cuộc chiến tranh giữa Mỹ với Anh kéo dài tới năm 1815, khiến cho cả hai đều mệt mỏi. Sau đó, phía Mỹ hứa sẽ không can thiệp vào Canada, còn phía Anh cũng hứa không cản trở thương mại nữa, chiến tranh chấm dứt.
Cả hai bên kí Hiệp định hòa bình Ghent và cùng nhau rút quân. Cuộc chiến tranh này là lần đầu tiên và duy nhất từ trước tới nay một kẻ thù có thể tấn công và chiếm đóng thủ đô Washington của Hoa Kỳ và thiêu cháy Nhà Trắng – biểu tượng quyền lực của Hoa Kỳ.
Nhà Trắng sau đó được tái xây dựng vào đầu năm 1815 và hoàn thành đúng thời gian cho lễ nhậm chức của Tổng thống James Monroe vào năm 1817.
Đại sứ quán Anh từng phải đứng ra xin lỗi người dân Mỹ khi gợi nhắc lại sự kiện đốt Nhà Trắng (ảnh: BBC News)
Sự kiện Nhà Trắng bị đốt luôn khiến người Mỹ khó chịu mỗi khi nhắc lại. Ngày 26/8/2014, Đại sứ quán Anh ở Washington đã phải gửi lời xin lỗi công khai sau khi bị người dùng trên mạng xã hội Twitter chỉ trích vì đăng ảnh chiếc bánh kem được trang trí bằng pháo hoa, kỷ niệm 200 năm Nhà Trắng bị quân đội Anh đốt cháy.
Các phóng viên có mặt tại Nhà Trắng hôm 1-10 đã có một phen bất ngờ khi chứng kiến một con chuột rơi từ trần nhà xuống.