Nhà giàu Trung Quốc và cơn sốt “cocaine biển cả”
Loài cá từng sinh sôi rất mạnh ở Mexico đã bị đánh bắt không thương tiếc vì có giá trị y học lớn tại Trung Quốc.
Cá heo totoaba bị đánh bắt quá mức.
Trung Quốc đang ngày càng có nhiều người giàu, thậm chí số tỉ phú đô la còn vượt cả Mỹ. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ động vật quý hiếm là rất lớn vì đây là cách để họ thể hiện đẳng cấp vượt trội của mình. Loạt bài sau đây điểm tên những thú chơi xa xỉ kiểu này của giới nhà giàu Trung Quốc xưa nay. |
Bên cạnh thú chơi tinh thần, giới nhà giàu Trung Quốc cũng rất biết chú trọng sức khỏe bản thân. Một thứ được xem là “cocaine biển cả” đang được giới nhà giàu Trung Quốc săn lùng tới mức kiệt quệ, đó là bong bóng cá heo chuột totoaba.
Tại các quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, bong bóng cá chỉ dành cho giới nhà giàu. Có loại “chỉ” 9 triệu đồng/kg nhưng có loại lên tới tiền tỉ. Bong bóng cá totoaba là một loại như vậy.
Bong bóng cá heo totoaba bán ở chợ đen.
Theo Đông y, bong bóng cá có tác dụng tốt cho sức khỏe, giúp bổ thận ích tinh, tu dưỡng cân mạch. Bong bóng cá chứa nhiều chất béo, canxi, sắt và vitamin A.
Do nhu cầu với bong bóng cá totoaba quá lớn nên số lượng loài cá này đang suy giảm nghiêm trọng. Ngay tại vịnh California của Mexico, ngư dân không khác gì tham gia cuộc chiến săn lùng cá heo totoaba.
3 năm trước, chính quyền Mexico đã ban bố lệnh cấm bắt cá totoaba trong khu vực 500 hải lý tính từ vịnh Mexico. Nhóm vận động “Du mục Biển” cũng thường xuyên tuần tra ngoài khơi khu vực San Felipe để đảm bảo không có tàu cá trái phép. Đơn vị này sử dụng cả hệ thống định vị thủy âm và radar để phát hiện tàu trái phép.
Tại Trung Quốc, bong bóng cá totoaba phơi khô được bán bí mật tại thành phố Quảng Châu với giá từ 2 vạn tệ (70 triệu đồng) tới 13 vạn tệ (400 triệu đồng). Người Trung Quốc tin rằng bong bóng cá totoaba có tác dụng làm trẻ hóa làn da, chữa được viêm khớp và các chứng khó chịu trong thời kì mang thai.
Giá trị của chúng ngày càng tăng.
Loài cá totoaba sử dụng bong bóng để nổi lên mặt nước. Hàng thế kỉ nay, người Trung Quốc đã ăn bong bóng cá và họ gọi đây là “dạ dày cá”. Món này được chế thành súp và dành cho giới nhà giàu, đặc biệt là phụ nữ có thai hoặc người bị đau khớp.
Trong tất cả các loại cá trên thế giới, bong bóng cá totoaba giữ vị trí quán quân về mức độ đắt đỏ và hiếm có. Hồi tháng 7.2015, khi kiểm tra hành lý, nhân viên sân bay ở thành phố Tijuana (Mexico) bắt giữ 3 công dân Trung Quốc vì lén lút mang lên máy bay 247 bong bóng cá totoaba. Chúng được bọc trong túi nhựa và ép chặt vào vali.
Trước đó vài ngày, chủ một cửa hàng đồ gỗ nội thất ở Los Angeles (Mỹ) đã bị bắt vì tuồn lậu hàng triệu USD bong bóng cá totoaba vào Mỹ từ Mexico. Chính quyền Puerto Rico cũng bắt giữ 9 kiện hàng chứa 600 kg bong bóng cá totoaba trên đường tới Hong Kong.
Số bong bóng cá có được sau nhiều chuyến săn bắt ngoài khơi.
Cá totoaba thường sống ở thượng nguồn vịnh California, nối giữa Baja California và đất liền Mexico. Chúng có thể dài tới 2,1 mét và chỉ sống tại khu vực biển Mexico. Cư dân Trung Quốc phát hiện ra giá trị của loài cá này từ thập niên 1920.
Mỗi khi cá totoaba bị bắt , chúng liền bị xẻ thịt và lấy phần bong bóng giá trị nhất. Thịt sẽ được cắt nhỏ và bán cho người dân địa phương. Bong bóng cá được phơi khô rồi gửi về Trung Quốc bán kiếm lời.
Số lượng loài cá này trong tự nhiên sụt giảm mạnh từ thập niên 1960 sau khi ngư dân Mexico sử dụng lưới đánh cá loại mới. Năm 1945, họ bắt được 2.220 tấn cá totoaba thì tới năm 1975 chỉ còn 58 tấn.
Bong bóng cá được phơi khô và bán ở Trung Quốc.
Trước đây, dân Trung Quốc cũng ăn một loại cá heo sông Dương Tử có bong bóng tương tự cá totoaba nhưng loài cá này chỉ nặng chừng 100 kg. Chúng từng sinh sôi rất nhiều ở sông Dương Tử nhưng sau đó đứng bên bờ vực tuyệt chủng vì bị đánh bắt cạn kiệt.
Năm 1930, dân Trung Quốc bắt được 50.000 tấn cá heo sông Dương Tử mỗi năm nhưng sau đó 30 năm, con số này chỉ là 10 tấn. Ở thời điểm loại cá heo này khan hiếm, nhiều gia đình còn đầu cơ bong bóng cá để bán kiếm lời.
Sau khi nguồn lợi từ cá heo sông Dương Tử giảm dần, dân Trung Quốc chuyển hướng qua loại cá heo chuột totoaba. Andrew Johnson, nhà nghiên cứu ở Viện Hải dương học đại học California, Mỹ nói rằng chính quyền Mexico không thực sự mạnh tay với những người đánh bắt cá totoaba. Lí do đơn giản vì đây là nguồn sống của người dân.
“Mỗi ngư dân có thể kiếm 3.000-4.000 USD mỗi bong bóng cá totoaba bắt được. Đó là thu nhập lớn với họ”. Một con cá lớn có thể tương đương 3,4 tháng lênh đênh trên biển.
Dân Trung Quốc tin rằng ăn bong bóng cá totoaba rất tốt cho phụ nữ có bầu.
Với lực lượng hành pháp, việc xử lý những kẻ săn trộm cá totoaba cũng gặp nhiều khó khăn. Chúng được trang bị súng máy và sẵn sàng tấn công cảnh sát biển.
“Chúng có vũ khí và sẵn sàng nã đạn khi cần. Nhóm ngư dân đánh bắt cá totoaba rất manh động và liều lĩnh”, một quan chức Mexico giấu tên nói. Người này ví các nhóm ngư dân với mafia vì tính chất liều lĩnh.
Joel Gonzalez, một quan chức phụ trách tội phạm môi trường Mexico, nói rằng bong bóng cá totoaba được cắt nhỏ rồi bán ra thị trường chợ đen. “Đây là cách các băng đảng ma túy thường xuyên sử dụng để tuồn ma túy. Có thể các băng đảng này tài trợ cho các ngư dân săn bắt cá totoaba”, Joel nói.
_____
Hết
Tinh hoàn và đầu lâu của báo gấm cũng được săn lùng vì mục đích nâng cao sức khỏe của giới nhà giàu Trung Quốc.