Nhà báo Nga ngỡ ngàng thấy dân Triều Tiên sung túc
Nhà báo Nga Andrei Ivanov có mặt ở thủ đô Bình Nhưỡng mới đây đã cung cấp một cái nhìn rất khác về nền kinh tế Triều Tiên trong bối cảnh đại hội đảng Lao động vừa kết thúc.
Ivanov nhận ra một điểm rất kì lạ ở Triều Tiên: Quốc gia này ngày càng mang nhiều nét giống Hàn Quốc.
Ông viết: “Từ trên máy bay nhìn xuống, tôi thấy những ruộng lúa xanh mướt. Những căn hộ nhiều tầng đầy sức sống cũng xuất hiện ở đây. 16 năm trước khi tôi tới Triều Tiên lần đầu cùng Bộ Ngoại giao Nga, tôi thấy những mái nhà nhấp nhô màu xám tro và thực sự không biết liệu có con người sinh sống trong những ngôi nhà này hay không”.
Tác giả bài báo cho biết trên đường tới Bình Nhưỡng, ông gặp rất nhiều xe hơi hiện đại trên đường phố. Những ngôi làng tươi đẹp có dòng người đi lại bằng xe đạp hoặc tản bộ trong những bộ quần áo rất bắt mắt. Ivanov kể rằng ở thủ đô Bình Nhưỡng, chung cư 40-50 tầng xuất hiện là điều hết sức bình thường.
Trước đây, Triều Tiên không có xe bus và taxi. Sau hơn một thập kỷ quay lại, Ivanov ngạc nhiên khi thấy từng đoàn xe taxi nhiều màu của Trung Quốc, Nhật Bản xuất hiện trên phố.
Một điểm nữa khiến Ivanov rất kinh ngạc là cư dân ở Bình Nhưỡng không hề thiếu ăn. Thông tin thu thập được khi hỏi người dân địa phương cho biết mấy năm trở lại đây, Triều Tiên đã tăng mạnh số nông trường và cung ứng lượng lương thực dồi dào cho toàn quốc. Các sản phẩm công nghiệp cũng được mở rộng. Tác giả đã tới thăm 2 hai nhà máy sản xuất dây điện và lụa ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Thời điểm trước, Triều Tiên nhận viện trợ chủ yếu từ Nga và Trung Quốc, trong đó Xô Viết chiếm tới 80%. Sau khi Liên Xô ngừng viện trợ, Triều Tiên gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Chính điều này đã nảy sinh cơ chế hợp tác xã ở Triều Tiên để đáp ứng nhu cầu lương thực khan hiếm.
Theo các chuyên gia Nga, hiện nay Bình Nhưỡng đang học hỏi các kinh nghiệm cải cách của Trung Quốc, Việt Nam và Nga. Tuy nhiên, hệ tư tưởng chủ đạo của đất nước này vẫn là Songun (Tiên Quân), ưu tiên phát triển quân sự và quốc phòng để đảm bảo an ninh chủ quyền.
Công nhân ở một nhà máy vải.