Nhà báo giàu nhất hành tinh từng học tiếng Việt cả năm trời ở Hà Nội

Anderson Cooper là người đứng đầu trong danh sách 10 nhà báo truyền hình giàu nhất hành tinh với tổng số tài sản hơn 200 triệu USD.

Nhà báo Anderson Cooper

Nhà báo Anderson Cooper

Anderson Cooper liên tục trong nhiều năm lọt top những nhà báo nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất thế giới. Anderson cũng là người đứng đầu trong danh sách 10 nhà báo truyền hình giàu nhất hành tinh với tổng số tài sản hơn 200 triệu USD. Ít ai biết, khi chưa nổi danh, nhà báo Mỹ này từng sống và học tiếng Việt trong 1 năm ở Hà Nội.

Nghiện tin tức từ trong bụng mẹ

Người ta biết đến Anderson nhiều nhất là hình ảnh người dẫn chương trình trực tiếp, chuyên gia phân tích tin tức của kênh truyền hình CNN và những kênh sóng danh tiếng khác ở Hoa Kỳ.

Sinh năm 1967 tại New York (Mỹ), Anderson là con trai thứ hai của nhà văn Wyatt Emory Cooper và nữ họa sĩ, nhà thiết kế thời trang, nhà văn Gloria Vanderbilt. Anderson được biết đến là một nhà báo, nhân vật truyền hình và tác giả người Mỹ. Ông là người dẫn chương trình chính (Anchor) trong chương trình tin tức “Anderson Cooper 360°” của hãng tin CNN và tự nhận mình là một “kẻ nghiện tin tức từ trong bụng mẹ”.

Kinh nghiệm về truyền thông của Anderson bắt đầu rất sớm. Khi còn là một em bé, ông được chính tay nhiếp ảnh gia Diane Arbus chụp ảnh cho Tạp chí Harper’s Bazaar. Năm 3 tuổi, Anderson đã là khách mời của chương trình The Tonight Show.

Năm 9 tuổi, Anderson xuất hiện trên game show “To Tell the Truth”. Từ năm 10 tới 13 tuổi, Anderson đã làm người mẫu Ford Models cho các hãng Ralph Lauren, Calvin Klein và Macy’s.

Cha của Anderson đã qua đời năm 1978 ở tuổi 50. Khi chết, người cha của ông đã để lại một cuốn sách có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của ông. Anderson Cooper cho rằng, cuốn sách “Families” của cha mình “giống như một cuốn sách định hướng cuộc đời” bởi cha ông đã muốn ông sống như thế nào.

Anderson Cooper trải qua mất mát lớn tiếp theo trong đời khi người anh trai tự sát vào năm 1988 khi mới 23 tuổi, bằng cách nhảy từ tầng 14 khu căn hộ của nhà Vanderbilt tại New York.

Mẹ của ông, bà Gloria sau đó đã viết về cái chết của con trai mình trong cuốn sách “A Mother’s Story”. Trong khi đó, Anderson nói về vụ tự tử của anh trai như là một sự kiện khiến ông bắt đầu hứng thú nghề báo.

Hết thời niên thiếu, Anderson bắt đầu theo học tại Trường Dalton (New York). Ở tuổi 17, sau khi tốt nghiệp sớm một học kỳ, Cooper du lịch vòng quanh châu Phi vài tháng trong một chuyến đi trải nghiệm đòi hỏi nhiều kỹ năng sinh tồn.

Khi đó, ông từng bị sốt rét nặng và phải nhập viện tại Kenya. Sau đó, chàng thanh niên Anderson tiếp tục học tại Đại học Yale, nơi ông tham gia các khóa học tại Trường khoa Trumbull và được gia nhập vào hội Manuscript, học chuyên ngành khoa học chính trị và lấy bằng cử nhân năm 1989.

Khi học đại học, Cooper dành hai kỳ nghỉ hè làm thực tập tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Dù khi ấy không có bằng cấp về báo chí, ông vẫn quyết tâm theo đuổi ngành này sau khi ra trường.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Yale, Anderson xin vào làm công việc trả lời điện thoại tại hãng tin ABC, nhưng đã bị từ chối. Cảm nhận được khó khăn trong con đường tiến tới công việc đưa tin trên truyền hình, Anderson quyết định nhờ bạn bè giúp làm một tấm thẻ nhà báo.

Khi đó, Cooper làm công việc xác minh thông tin cho hãng tin tức nhỏ Channel One, hãng sản xuất một chương trình tin tức hướng tới giới trẻ được phát sóng tới nhiều trường trung học tại Mỹ.

Anderson sau đó khởi hành đến Myanmar và gặp gỡ các sinh viên đang đấu tranh phản đối chính quyền quân quản Myanmar. Kể từ đây, Anderson mới có thể bán các bản tin tự làm của mình cho hãng Channel One.

Sau khi đưa tin tại Myanmar, Anderson Cooper đến sống tại Việt Nam trong một năm và trong thời gian này ông đã cố gắng học tiếng Việt tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Công việc tại Channel One cho phép ông được đem theo một chiếc máy quay và ông sớm bắt đầu đưa tin về đời sống và văn hóa Việt Nam, được phát sóng trên kênh Channel One. Sau đó, Anderson quay lại đưa tin từ các vùng chiến sự trên toàn cầu, bao gồm Somalia, Bosnia và Rwanda.

Trưởng thành từ gian khổ, nỗ lực

Làm công việc cộng tác vào đầu thập niên 90, Anderson Cooper dần dần quen với những cảnh bạo lực mà ông phải chứng kiến; nỗi kinh hoàng của nạn diệt chủng ở Rwandan đã khiến ông trở nên bớt sợ hãi hơn.

Tuy nhiên, theo tự sự của Anderson, có một sự kiện đã đưa sự sợ hãi ấy quay lại trong tâm trí của chàng thanh niên mới vào nghề. Dọc đường đi ở Myanmar, ông gặp phải 5 xác chết đang phân hủy ở ngoài nắng được vài ngày. Với vẻ mặt kinh hoàng, Anderson lấy vội chiếc máy ảnh dùng một lần và chụp cận cảnh xác chết một phụ nữ đang bị phân hủy. Khi đang chụp thì có một người khác chụp ảnh lại cảnh ông đang làm việc này.

Người này sau đó cho Anderson xem tấm ảnh và nói: “Anh cần phải xem lại việc mình đang làm”. Và đó là lúc Anderson nhận ra mình phải dừng lại. Sau khi về Mỹ, Anderson chủ động làm một số việc để quên đi cảnh tượng kinh khủng đã qua.

Năm 1995, Cooper trở thành cộng tác viên cho ABC News và sau đó được lên vị trí đồng dẫn cho chương trình buổi đêm “World News Now” vào năm 1999. Một năm sau đó, ông thay đổi con đường tin tức và trở thành MC cho chương trình truyền hình thực tế “The Mole” của ABC.

Cooper rời bỏ “The Mole” sau mùa hai của chương trình để quay trở lại làm tin tức. Năm 2001, ông gia nhập CNN với vị trí đầu tiên là đồng dẫn chương trình cùng với Paula Zahn trên “American Morning”.

Năm 2002, Anderson trở thành MC giờ vàng cuối tuần của CNN và từng dẫn chương trình đặc biệt đêm Giao thừa của CNN từ Quảng trường Thời đại.

Tháng 9/2003, Anderson Cooper trở thành MC của chương trình truyền hình mang tên của chính mình “Anderson Cooper 360°”.

Lương cao, tài sản khủng và cuộc sống riêng

Nhà báo Anderson Cooper và người bạn đời đồng tính đầu tiên được ông công khai

Nhà báo Anderson Cooper và người bạn đời đồng tính đầu tiên được ông công khai

Năm 2005, Cooper đã đưa tin về nhiều sự kiện quan trọng, bao gồm hậu quả sóng thần tại Sri Lanka; biến động chính trị tại Beirut, Lebanon; cái chết của Giáo hoàng Gioan Phaolo II; đám cưới hoàng gia của Thái tử Charles và Camilla Parker Bowles. Tháng 8/2005, ông đưa tin về nạn đói tại Niger từ Maradi.

Trong bản tin về hậu quả bão Katrina trên CNN, Anderson Cooper đã phỏng vấn nhiều nhân vật quan trọng, thể hiện cảm xúc của mình trong các bản tin. Hậu quả cơn bão Katrina đã mở ra một luồng báo chí thiên về cảm xúc mới, nhanh chóng đưa Anderson Cooper lên thành ngôi sao và trở thành “người đàn ông vàng” của CNN và nhân vật yêu thích của giới truyền thông.

"Thừa nhận mình là người đồng tính Anderson đã tránh bàn luận về đời sống riêng tư của mình trong các cuộc phỏng vấn trong nhiều năm. Dù vậy, tháng 7/2012, ông cho phép công bố một bức thư điện tử, trong đó thừa nhận mình đồng tính. Cooper cùng bạn đời của mình, chủ quán bar Benjamin Maisani công khai chuyện tình cảm khi hôn nhân đồng giới được hợp pháp hóa tại New York tháng 7/2011".

Tháng 9/2005, thời lượng chương trình “NewsNight” của CNN tăng từ 60 lên 120 phút để đưa tin về mùa bão hoạt động mạnh bất thường. Nhằm giúp phân bổ khối lượng làm việc lớn, Anderson Cooper tạm thời được đưa làm người dẫn cùng với Aaron Brown. Sự sắp xếp này sau đó được cho là đã được giám đốc bộ phận trong nước của CNN, Jonathan Klein chỉ định trở thành lâu dài và ông đã gọi Anderson là “người dẫn tin tức của tương lai”.

Sau khi Anderson được bổ sung, lượng người xem của “NewsNight” tăng lên đáng kể. Klein nói rằng “cái tên Cooper đã nằm trên đầu lưỡi của mọi người”. Để tiếp tục đà thành công, Klein quyết định thay đổi lớn với các chương trình của CNN vào tháng 11/2005.

Chương trình 360° của Cooper sẽ được tăng thời lượng lên 2 tiếng và chuyển vào khung giờ 22h00 ET trước đó của “NewsNight” và chương trình “The Situation Room” của Wolf Blitzer chuyển sang khung giờ 19h00 ET cũ của Cooper. “Không còn lựa chọn” nào khác, Aaron Brown buộc phải rời khỏi CNN.

Đầu năm 2007, Cooper ký một thỏa thuận nhiều năm với CNN cho phép ông tiếp tục cộng tác cho “60 Minutes” của đài CBS, đồng thời được tăng gấp đôi mức lương năm trước đó là 2 triệu USD lên 4 triệu USD (chỉ riêng thu nhập tại CNN).

Cần lưu ý rằng, lương năm trung bình của một biên tập viên truyền hình cấp độ bình thường ở CNN là hơn 50.000 USD. Biên tập viên ở hạng khá là 150.000 USD và chỉ có một số ít những nhà báo được hưởng mức lương năm cao hơn 150.000 USD.

Cuối năm 2019, Anderson Cooper đứng top đầu trong danh sách các nhà báo giàu nhất hành tinh với tổng tài sản lên đến hơn 200 triệu USD (tương đương hơn 4.600 tỷ VNĐ).

Tử hình 5 người vụ sát hại, phân xác nhà báo chấn động thế giới

Các công tố viên Ả rập Saudi hôm 23/12 cho biết, 5 người phải nhận án tử và 3 người khác phải ngồi tù vì liên quan tới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hòa Bình (Báo Giao thông)
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN