Nguyên nhân Trung Quốc bị nhiều nước nghi ngờ, ghét bỏ
Chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo điều kiện cho Trung Quốc vươn lên dẫn dắt toàn cầu, nhưng Bắc Kinh đã không duy trì được lợi thế đó mà nhanh chóng bị nhiều nước trên thế giới nghi ngờ, thậm chí ghét bỏ vì nhiều lý do.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Tử cấm thành ở Bắc Kinh ngày 8/11/2017. Ảnh: Getty Images.
Bắc Kinh đánh giá, Tổng thống Trump dường như tập trung vào chính trị giao dịch và các thỏa thuận thương mại, hơn là vào nhân quyền và chính sách đối ngoại của Trung Quốc – hai chủ đề mà Bắc Kinh xưa nay đều muốn tránh, CNN nhận định ngày 31/10.
Trên phạm vi rộng lớn hơn, chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết” theo chủ nghĩa cô lập của Tổng thống Trump đã tạo điều kiện cho Trung Quốc thể hiện tầm lãnh đạo toàn cầu của họ trong một loạt lĩnh vực chính sách trọng yếu, từ khủng hoảng khí hậu tới thương mại tự do.
Nhưng thay vì xây dựng thiện chí, Trung Quốc chọn con đường dọa nạt các đối tác toàn cầu của mình và đắm chìm trong những lời đại ngôn “đao to búa lớn” của chủ nghĩa dân tộc. Và thay vì trở thành một siêu cường toàn cầu cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc đánh mất danh tiếng của mình trên khắp thế giới.
Cơ hội cho Trung Quốc
Chưa đầy một tuần trước khi ông Trump nhậm chức hồi tháng 1/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên sân khấu ở Davos, Thụy Sĩ, tại một sự kiện dường như là bình minh của kỷ nguyên vàng danh cho Trung Quốc và ảnh hưởng quốc tế của Bắc Kinh.
Trong bài phát biểu trước giới tinh hoa tự do toàn cầu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức ở dãy Alps, Thụy Sĩ, ông Tập kêu gọi các nước tránh xa chủ nghĩa bảo hộ trong bối cảnh ông Trump đã có những tuyên bố hùng hồn về chính sách “Nước Mỹ trên hết”.
Bài phát biểu của ông Tập được các nhà lãnh đạo kinh tế đón nhận nhiệt liệt. Trong lời giới thiệu ông Tập tại Davos, người sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab nói: “Thế giới đang nhìn về phía Trung Quốc”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ngày 17/1/2017 tại Davos. Ảnh: Getty Images.
Ông Daniel Russel, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Barack Obama, nói rằng, các lời đại ngôn chống toàn cầu hóa của ông Trump và phát biểu với nội dung ngược lại của ông Tập khiến cho Trung Quốc có vẻ là nhà lãnh đạo toàn cầu tiềm năng thay thế Mỹ.
“Trong khi ông Tập lên gân tuyên bố Trung Quốc là người bảo vệ vĩ đại của hệ thống toàn cầu, ông Trump tấn công nó một cách ghê gớm và đưa ra một thông điệp cực kỳ dân tộc chủ nghĩa. Điều đó đã phóng đại sự tương phản và mở rộng khoảng cách”, ông Russel, nay là viện phó Viện Chính sách xã hội châu Á, nói.
Trên nhiều lĩnh vực, các chính sách của Tổng thống Trump mở ra cơ hội cho Trung Quốc đóng vai trò dẫn dắt lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu. Việc Mỹ rời bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi tháng 1/2017 mở cửa cho Trung Quốc thúc đẩy thỏa thuận thương mại khu vực mà nước này dẫn dắt.
Năm tháng sau khi ông Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, ông Tập nói trước cuộc họp của các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng, Trung Quốc sẽ là “người cầm đuốc” trong vấn đề này.
Khi Tổng thống Trump bắt đầu tách Mỹ khỏi các đồng minh, kêu gọi các đối tác lâu đời trang trải chi phí quốc phòng cùng Mỹ, Trung Quốc nắm lấy cơ hội này để tới gần hơn các siêu cường khu vực.
Trung Quốc và Nhật Bản lên kế hoạch thăm viếng cấp nhà nước lần đầu tiên trong một thập kỷ, làm tan băng ngoại giao kể từ vụ tranh chấp lãnh thổ đối với nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông năm 2012.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố hồi tháng 6/2017 rằng, việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Hàn Quốc, động thái bị Trung Quốc phản đối kịch liệt, sẽ bị hoãn lại.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, lãnh đạo của một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á, nói rằng, ông “yêu” ông Tập Cận Bình.
“Tôi nghĩ rằng, lúc chính quyền Trump xuất hiện, Trung Quốc được phần còn lại của thế giới coi là một nước có tiềm năng đóng vai trò ổn định trong việc lèo lái thế giới vượt qua giai đoạn nhiễu động tiếp theo trong vài năm tới”, ông Steve Tsang, viện trưởng Viện Trung Quốc SOAS (một đơn vị tư vấn độc lập có trụ sở ở Anh), nói.
Đối với ông Tập, đó là 12 tháng đáng nhớ. Chính phủ Trung Quốc ghi điểm trên trường quốc tế, xây dựng mối quan hệ gần gũi với tân tổng thống Mỹ và giành được các thắng lợi chiến lược về thương mại, chính sách đối ngoại và biến đổi khí hậu. Tóm lại, “chính quyền Trump là món quà cho Đảng Cộng sản Trung Quốc”, ông Tsang nhận định.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt đội danh dự ở Bắc Kinh hôm 20/10/2016. Ảnh: Getty Images.
Lệch hướng và đổ vỡ
Tuy nhiên, vào tháng 10/2020, gần 4 năm sau khi ông Trump nhậm chức, uy tín toàn cầu của Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Kết quả thăm dò dư luận mà Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) công bố ngày 6/10 cho thấy, chính phủ Trung Quốc nhận được đánh giá tiêu cực ở tất cả 14 nước lớn mà Pew khảo sát, bao gồm Úc, Canada, Anh, Đức, Nhật Bản và Mỹ.
Năm 2002, có tới 65% công dân Mỹ được khảo sát có đánh giá tích cực về Trung Quốc. Năm 2020, con số này giảm xuống còn 22%. Có tới 74% có nhận định tiêu cực về Trung Quốc.
Đại dịch COVID-19, được ghi nhận đầu tiên ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc hồi tháng 12/2019, đã làm tổn hại nghiêm trọng uy tín của Bắc Kinh vì các nước trên thế giới phải vật lộn với số ca mắc ngày càng tăng. Nhiều lãnh đạo chính phủ và quan chức khắp thế giới, bao gồm Tổng thống Trump cáo buộc Bắc Kinh xử lý đại dịch một cách không đúng, cụ thể là nói giảm về độ nghiêm trọng của virus trong giai đoạn đầu dịch bùng phát và để dịch lây lan ra nước ngoài (cấm dân Trung Quốc đi từ địa phương này sang địa phương khác, nhưng vẫn cho phép họ ra nước ngoài).
Thậm chí trước khi đại dịch bùng phát, uy tín của Trung Quốc bắt đầu giảm dần, đặc biệt ở các quốc gia phương Tây.
Nhiều năm qua, Úc luôn gần gũi với Trung Quốc – điều khiến phương Tây khó chịu. Úc là đồng minh thân cận của Mỹ, nhưng đối tác thương mại lớn nhất của Úc là Trung Quốc. Khi Mỹ có nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa cô lập như ông Trump, Trung Quốc có cơ hội không thể tốt hơn để quyến rũ Úc.
Tuy nhiên, năm 2018, khi chính phủ Úc ra luật chống lại sự can thiệp của nước ngoài, Bắc Kinh nổi giận, coi luật mới nhằm vào họ. Các nhà lãnh đạo ở Canberra bị cắt đứt với Bắc Kinh, visa bị đóng băng, hàng xuất khẩu hàng giá trị cao sang Trung Quốc đột nhiên bị kiểm tra hải quan nhiều hơn, kỹ hơn, một nhà văn Úc bị cáo buộc làm gián điệp.
Năm 2017, hơn 60% người Úc có quan điểm tích cực về Trung Quốc, theo thăm dò dư luận của Pew. Năm 2020, tỷ lệ này chỉ là 15%.
Tình cảnh tương tự diễn ra trong quan hệ với Canada. Quan hệ giữa Canada và Mỹ căng thẳng dưới thời ông Trump vì ông xung đột với Thủ tướng Canada Justin Trudeau về vấn đề nhập cư và thương mại. Tuy nhiên, thay vì tiến gần ông Trudeau hơn, Bắc Kinh khiến quan hệ với Ottawa đóng băng sâu.
Sau khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei, con gái của nhà sáng lập Huawei, cuối năm 2018 theo đề nghị của Mỹ, Trung Quốc bắt giữ 2 người đàn ông Canada. Đó là doanh nhân Michael Spavor và cựu nhà ngoại giao Michael Kovrig. Hai người này sau đó bị cáo buộc làm gián điệp, giao dịch bí mật nhà nước.
Năm 2019, Canada chặn xuất khẩu thịt và hạt cải dầu của Canada, dẫn tới tâm lý hoang mang của các doanh nghiệp Canada đang hoạt động ở Trung Quốc.
Dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Canada-Trung Quốc hôm 14/10, Thủ tướng Trudeau nặng lời về chính sách ngoại giao và hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc. “Chúng tôi sẽ tiếp tục cam kết tuyệt đối làm việc với các đồng minh để đảm bảo rằng, cách tiếp cận ngoại giao cưỡng bức của Trung Quốc không được coi là chiến thuật thành công của họ”, ông nói.
Tại Ấn Độ, sự đi lên của Thủ tướng Narendra Modi theo chủ nghĩa dân túy năm 2014 cũng là cơ hội để Trung Quốc quyến rũ Ấn Độ - một siêu cường khu vực ngày càng mạnh mà Mỹ ve vãn từ lâu.
Năm 2018, Ấn Độ và Trung Quốc giải quyết được một vụ tranh chấp biên giới. Ông Tập và ông Modi gặp thượng đỉnh không chính thức 2 ngày tại Vũ Hán. Hai người uống trà, đi dạo trong vườn cảnh.
Nhưng 2 năm sau đó, quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc lao dốc tới mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Vụ tranh chấp biên giới hồi tháng 6 khiến hơn 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng đã đẩy New Delhi tới gần hơn các đối thủ quân sự, ngoại giao của Bắc Kinh. Đó là Mỹ và Nhật Bản.
Ấn Độ đã cấm một loạt các ứng dụng phổ biến của Trung Quốc, bao gồm TikTok, giáng một đòn nặng nề vào ngành công nghệ Trung Quốc.
Quân nhân Ấn Độ và Trung Quốc tại biên giới hai nước. Ảnh: Tribune India.
Phó giáo sư He Yinan, Khoa Quan hệ quốc tế - Đại học Lehigh (Mỹ), nói rằng, 3 năm qua, khi Bắc Kinh không khơi mào các trận chiến ngoại giao với các nước khác, họ thường giảm tông xích mích hoặc đe dọa họ. “Cách hành xử của Trung Quốc thực sự khiến nhiều nước nổi giận”, bà nhận định.
Bắc Kinh cũng đối mặt sự chỉ trích ngày càng tăng trong cộng đồng quốc tế về một số vấn đề trong nước gây tranh cãi, bao gồm xử lý nhân quyền và bất đồng chính kiến, quyền dân sự ở Hong Kong, đặc biệt là chủ nghĩa bành trướng quân sự ở biển Đông.
Phó giáo sư Jessica Chen Weiss, ĐH Cornell (Mỹ), nhận định: “Tâm lý chống Trung Quốc đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ… và Bắc Kinh biết điều đó”.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn tự tin vào sức mạnh kinh tế của mình, cho rằng, một thị trường 1,4 tỷ dân đủ sức hấp dẫn để Mỹ và các nước phụ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc không dám tách rời họ, trở lại thời kỳ chia cách cấp độ Chiến tranh Lạnh, ông Daniel Russel nhận định. “Nếu bạn nhìn nhận vấn đề từ góc nhìn của Trung Quốc, bạn sẽ đặt câu hỏi về con ngỗng tài chính đẻ trứng vàng?”, ông nói.
Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở biển Đông. Ảnh: Asia News.
Nguồn: [Link nguồn]
Giới chức quân đội Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý đẩy nhanh đàm phán ngăn ngừa xung đột không đáng có giữa hai quốc...