Nguyên nhân sâu xa khiến dân TQ chăm đeo khẩu trang dù đã kiểm soát được dịch Covid-19
Ngày 20.1, khi cố vấn y tế hàng đầu Trung Quốc – ông Chung Nam Sơn, lần đầu tiên xác nhận về sự lây lan của Covid-19 từ người sang người, không ai bảo ai, người Trung Quốc từ các thành phố lớn cho tới những ngôi làng nhỏ đã đổ xô đi mua khẩu trang để tự bảo vệ mình.
Ngày hôm sau, gần như tất cả mọi người xuất hiện trên đường phố đều đeo khẩu trang. Cho dù vào thời điểm trên, chưa có bất kỳ khuyến cáo nào từ chính phủ yêu cầu họ thực hiện điều đó.
2 ngày sau tuyên bố của ông Chung Nam Sơn, chính quyền thành phố Vũ Hán - tâm dịch Covid-19 của Trung Quốc, mới ra quy định bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng. Nhưng mọi người đều đã tự thực hiện điều này từ trước đó. Ngày 23.1, Vũ Hán chính thức bị phong tỏa.
Chính quyền Trung Quốc cũng đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền giữ vệ sinh trên toàn quốc và kêu gọi người dân hãy đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và tránh lui tới những nơi đông đúc.
Từ sau ngày 23.1, hầu hết các tỉnh và thành phố tại Trung Quốc đều có quy định bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi ra đường. Những người không đeo khẩu trang sẽ bị phạt và thậm chí còn có thể bị bêu xấu làm gương. Quy định này được thực hiện nghiêm ngay cả khi các nhân viên y tế tại tuyến đầu chống dịch của Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ thiếu khẩu trang nghiêm trọng.
Người dân Trung Quốc coi khẩu trang như vật bất ly thân (ảnh: Straitstimes)
Ngay cả sau khi tuyên bố đã kiểm soát được dịch Covid-19 và bắt đầu nới lỏng một số biện pháp chống dịch, nhiều người dân Trung Quốc vẫn không chịu rời xa chiếc khẩu trang khi ra đường.
Một số hãng taxi tại Trung Quốc vẫn giữ nguyên quy định bắt buộc tài xế phải từ chối chở nếu khách lên xe mà không chịu đeo khẩu trang. Tại công viên Fragrant Hills ở Bắc Kinh, nhân viên ở đây vẫn thường xuyên nhắc nhở du khách mau đeo khẩu trang, ngay cả khi họ mới tháo khẩu trang được vài phút để tận hưởng không khí trong lành.
Không giống như tại Mỹ và một số nước châu Âu, ở Trung Quốc không có chuyện tranh cãi về vấn đề đeo khẩu trang thực sự có tác dụng chống Covid-19 hay không. Người dân Trung Quốc đeo khẩu trang như một hành động mặc định trong tiềm thức, đặc biệt là kể từ sau dịch SARS năm 2003.
“Có khá nhiều bằng chứng cho thấy việc đeo khẩu trang giúp phòng ngừa lây nhiễm Covid-19. Đeo khẩu trang không phải là biện pháp bảo vệ tuyệt đối, nhưng có thể hạn chế khả năng lây nhiễm virus từ người sang người”, Giáo sư Babak Javid, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, cho biết
Một phụ nữ Trung Quốc đang đeo khẩu trang (ảnh: BBC)
“Không chỉ trong dịch Covid-19, người Trung Quốc luôn sử dụng khẩu trang để ngăn ngừa khói bụi và bệnh tật. Nó đã ăn sâu và tiềm thức của chúng tôi, thậm chí có thể coi là văn hóa.
Việc đeo khẩu trang đã phổ biến từ rất lâu. Trong những ngày không khí không tốt, nhiều khói bụi và đặc biệt trong khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi đều rất cần khẩu trang. Việc đeo khẩu trang không hề bất tiện cũng không gây khó chịu”, ông Yu Han, 48 tuổi, một giảng viên đại học tại Quảng Châu, Trung Quốc, cho biết.
Hơn 10 năm trở lại đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất công nghiệp và điều này khiến nhiều thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao, người dân Trung Quốc ra ngoài và coi khẩu trang như vật bất ly thân. Thời gian gần đây, Trung Quốc đã từng bước cải thiện được chất lượng không khí, tuy nhiên, chiếc khẩu trang vẫn là vật không thể thiếu đối với người dân nước này.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, những người khỏe mạnh chỉ nên đeo khẩu trang khi đang chăm sóc người nghi nhiễm virus hoặc khi bản thân bị ho, hắt hơi. Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là phương Tây, vẫn đang không ngừng tranh luận về việc có nên đưa ra hướng dẫn cho người dân đeo khẩu trang hay không.
Nhiều người Trung Quốc vẫn đeo khẩu trang sau dịch Covid-19 (ảnh: SCMP)
“Đeo khẩu trang là để tự bảo vệ và nó giúp chúng tôi có cảm giác an toàn. Người nước ngoài không đeo khẩu trang vì có thể họ cảm thấy không thoải mái khi làm điều đó.
Thêm vào đó, chúng tôi đã rút ra kinh nghiệm trong dịch SARS. Chính phủ cũng liên tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và điều này khiến chúng tôi cảm thấy đeo khẩu trang đồng nghĩa với việc cứu cả một mạng sống”, Liu Yijun, 28 tuổi, một bác sĩ tại Trung Quốc, cho biết.
Hôm 18.3, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã công bố hướng dẫn mới về vấn đề đeo khẩu trang. Theo đó, người dân cần đeo khẩu trang ở những nơi đông người, nơi công cộng. Đi thang máy và lên các phương tiện công cộng cũng phải đeo khẩu trang. Khẩu trang loại dùng 1 lần không nên sử dụng quá 8 tiếng đồng hồ.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Ngày 4.4, Trung Quốc đã cử hành lễ quốc tang tưởng nhớ hàng ngàn người dân nước này đã tử vong trong dịch Covid-19. Cờ...
Nguồn: [Link nguồn]