Nguyên nhân nào khiến châu Á hứng chịu lũ lụt kỷ lục năm nay?

Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và nhiều quốc gia châu Á khác năm nay chứng kiến tình trạng mưa lũ kỷ lục trong lịch sử. Theo các chuyên gia, sự bất thường thời tiết ở châu Á sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm tới, theo Nikkei Asian Review.

Trung Quốc ghi nhận lũ lụt kỷ lục trong năm nay (ảnh: NAR)

Trung Quốc ghi nhận lũ lụt kỷ lục trong năm nay (ảnh: NAR)

“Có một sự nhất quán trong các mô hình dự báo cho thấy rằng, biến đổi khí hậu ở châu Á sẽ dẫn đến những trận mưa, lũ lụt dữ dội hơn”, Homero Paltan Lopez – chuyên gia thủy lợi tại Đại học Oxford – nhận xét.

Theo ông Lopez, mưa lũ ở châu Á sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, đặc biệt là về kinh tế, nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Sau những trận lũ kinh hoàng hồi tháng 6 và 7, Nobiron – góa phụ 54 tuổi sống gần sông Brahmaputra ở phía bắc Bangladesh – đã không còn lại gì.

“Đời tôi chưa bao giờ chứng kiến lũ lụt khủng khiếp như thế. Ngôi nhà từ thời ông cha để lại bị cuốn xuống sông mang theo tất cả những gì tôi tích cóp được suốt nửa đời người”, bà Nobiron nói trong nước mắt.

Bangladesh năm nay chứng kiến cảnh tượng 1/3 diện tích đất nước chìm trong nước lũ.

Kể từ tháng 6 năm nay, những trận mưa kỷ lục đã khiến nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam và phía Nam châu Á ngập lụt nghiêm trọng. Ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nepal, Pakistan, Mông Cổ, Ấn Độ, Indonesia, hàng trăm người đã thiệt mạng và hàng chục triệu người bị ảnh hưởng do lũ lụt.

Lũ lụt ở Nhật Bản tàn phá nhà cửa (ảnh: NAR)

Lũ lụt ở Nhật Bản tàn phá nhà cửa (ảnh: NAR)

Trung Quốc có lẽ là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi mưa lũ do hệ thống 2 sông lớn khó kiểm soát lưu lượng nước. Năm nay, có khoảng 2,7 triệu người phải sơ tán và 63 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở Trung Quốc. Thiệt hại kinh tế do mưa lũ đối với nước này lên tới hơn 25 tỷ USD.

Hồi tháng 7, Nhật Bản ghi nhận ít nhất 65 người thiệt mạng vì mưa lớn kỷ lục gây ra lũ lụt ở tỉnh Kumamoto, hơn 70.000 ngôi nhà cũng bị phá hủy.

Ở Nam Á, 17 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt năm nay và con số dự báo sẽ còn tăng lên.

“Vào năm 2050, 75% nguồn tài chính toàn cầu sẽ bị đe dọa bởi lũ lụt ở châu Á”, Ruslan Fakhrutdinov – chuyên gia tại Viện nghiên cứu Toàn cầu McKinsey – lo ngại.

Những siêu đập khổng lồ như đập Tam Hiệp giờ đã không còn nhiều hiệu quả, theo chuyên gia (ảnh: NAR)

Những siêu đập khổng lồ như đập Tam Hiệp giờ đã không còn nhiều hiệu quả, theo chuyên gia (ảnh: NAR)

“Có một điều chúng tôi biết chắc rằng, biến đổi khí hậu sẽ khiến nơi ẩm ướt ngày càng mưa nhiều, nơi khô hạn ngày càng hạn hán nghiêm trọng”, Abhas K Jha – chuyên gia quản lý rủi ro và thiên tại thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) – cảnh báo.

Không chỉ do biến đổi khí hậu, tình trạng di cư thiếu kiểm soát ở châu Á cũng khiến thiệt hại do lũ lụt gây ra ngày càng tăng lên.

Ước tính, cứ sau 10 năm, các thành phố ở châu Á lại tăng thêm 200 triệu dân, chủ yếu là người nhập cư từ nông thôn tới. Tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ nhất là ở Trung Quốc. Ấn Độ, Indonesia và một số nước khác cũng chứng kiến tình trạng tương tự.

Mật độ dân số đông khiến việc xây dựng các công trình hạ tầng ở ven sông – nơi có khả năng chịu lũ lớn – gia tăng. Ngoài ra, tình trạng phá rừng cũng khiến lũ lụt trở nên khó lường và gây thiệt hại lớn hơn.

Theo ông Lopez, trong bối cảnh xu hướng lũ lớn gia tăng ở châu Á, việc xây dựng các công trình thủy lợi “xám”, ví dụ như đập nước khổng lồ Tam Hiệp ở Trung Quốc là không mấy hiệu quả.

Chuyên gia Lopez cho rằng, các nước châu Á nên sớm chuyển từ công trình thủy lợi “xám” sang “xanh”, tức là tập trung vào khả năng tích nước trong các thành phố lớn, khôi phục rừng đầu nguồn, đầm lầy, rừng ngập mặn.

TQ: Nhiều tỉnh thành thiệt hại nặng do lũ lụt, ông Tập có kế hoạch mới

Chủ tịch Trung Quốc – ông Tập Cận Bình – cho biết, đã đến lúc thực hiện kế hoạch mới để phát triển kinh tế khu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam - Nikkei Asian Review ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN