Nguyên nhân khó tin khiến máy bay chở 379 người bốc cháy?
Bản ghi âm cuộc trao đổi giữa 2 máy bay với trung tâm kiểm soát không lưu sân bay Haneda (Tokyo) hé lộ một phần nguyên nhân vụ tai nạn hy hữu khiến chiếc Airbus A350 chở 379 người cháy rụi.
Xác máy bay Airbus A350 sau vụ cháy (ảnh: Reuters)
Giới chức Nhật Bản hôm 3/1 công bố bản ghi âm từ trung tâm kiểm soát không lưu cho thấy, chiếc máy bay chở khách Airbus A350 của hãng Japan Airlines (JAL) đã được cho phép hạ cánh xuống đường băng, nhưng máy bay tuần tra Bombardier DHC-8-315 của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản chưa được phép cất cánh.
Tất cả 379 người trên chiếc Airbus A350 đều thoát nạn khi máy bay chở khách bốc cháy dữ dội trên đường băng. Trong khi đó, 5 người trên máy bay của Lực lượng Bảo vệ bờ biển thiệt mạng, chỉ một người sống sót.
Giới chức Nhật Bản chỉ mới bắt đầu điều tra nguyên nhân vụ tai nạn, bao gồm cả nguyên nhân vì sao 2 máy bay lại va chạm ngay trên đường băng, theo Reuters.
Bản ghi âm được công bố hôm 3/1 cho thấy, máy bay của Lực lượng Bảo vệ bờ biển chưa được trạm kiểm soát không lưu cho phép cất cánh. Chiếc máy bay mới chỉ được hướng dẫn di chuyển tới điểm chờ cất cánh gần đường băng.
Một quan chức thuộc Cục hàng không dân dụng Nhật Bản cho biết, không có chi tiết nào trong bản ghi âm cho thấy chiếc Bombardier DHC-8-315 được cho phép cất cánh.
Một quan chức thuộc Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản nói với Reuters rằng, cơ trưởng của chiếc Bombardier DHC-8-315 đã điều khiển máy bay đi vào đường băng, nhưng không có chi tiết nào trong bản ghi âm cho thấy cơ trưởng được phép làm như vậy.
Cả 2 máy bay xuất hiện trên cùng một đường băng khiến vụ va chạm xảy ra.
379 người trên chiếc Airbus A350 mất khoảng 20 phút để sơ tán, còn máy bay chở khách chìm trong biển lửa trong hơn 6 giờ.
Giới chức Nhật Bản cho biết, hộp đen trên chiếc Bombardier DHC-8-315 đã được thu thập.
“Bộ Giao thông và Vận tải đang cung cấp các tài liệu khách quan và sẽ hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra. Chúng tôi hợp tác cùng nhau để thực hiện mọi biện pháp an toàn, ngăn sự cố tương tự tái diễn”, ông Tetsuo Saito – Bộ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải Nhật Bản – nói với các phóng viên.
Theo ông Saito, các chuyến bay và chuyến tàu ở nhiều khu vực tại Nhật Bản đã được điều chỉnh để giảm bớt tình trạng quá tải.
Sau trận động đất mạnh 7,6 độ richter hôm 1/1 khiến 64 người thiệt mạng, các máy bay thuộc Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản phải hoạt động liên tục để cung cấp hàng tiếp tế cho người dân.
Hãng hàng không Japan Airlines từng hứng chịu một trong những thảm kịch rơi máy bay bi thảm nhất trong lịch sử hàng không thế giới. Nhưng cũng nhờ đó, họ có các quy tắc “viết...
Nguồn: [Link nguồn]