Nguyên nhân khiến châu Âu chưa thể huấn luyện phi công Ukraine lái chiến đấu cơ F-16

Một nhóm gồm 11 quốc gia, dẫn đầu là Đan Mạch và Hà Lan, đồng ý huấn luyện phi công Ukraine lái chiến đấu cơ F-16 và có thể là cả các máy bay khác của NATO. Nhưng quá trình huấn luyện đến nay vẫn chưa diễn ra vì trở ngại.

Mỹ vẫn chưa phê duyệt chương trình huấn luyện để châu Âu đào tạo phi công Ukraine.

Mỹ vẫn chưa phê duyệt chương trình huấn luyện để châu Âu đào tạo phi công Ukraine.

Nhóm 11 quốc gia châu Âu hiện vẫn đang chờ Mỹ phê duyệt chương trình huấn luyện để có thể chính thức đào tạo phi công Ukraine, theo tiết lộ trên tờ Politico hôm 14/7.

Giới chức châu Âu kì vọng quá trình huấn luyện có thể bắt đầu trong tháng 8, và trung tâm huấn luyện sẽ được đặt ở Romania.

Nhưng quá trình huấn luyện chưa thể sẵn sàng cho đến khi Mỹ ký vào yêu cầu cung cấp hướng dẫn đào tạo, thiết bị bay mô phỏng và các tài liệu khác liên quan đến chiến đấu cơ F-16.

Trung Tá Garron Garn, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, xác nhận rằng vấn đề này “vẫn đang được xem xét”. Ông Garn đề nghị các phóng viên Mỹ đặt câu hỏi cho Bộ Ngoại giao để làm rõ hơn. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ hiện từ chối đưa ra câu trả lời.

Theo tờ Politico, Mỹ đã “bật đèn xanh” để châu Âu cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine và không có lý do gì để Washington không phê duyệt quy trình huấn luyện phi công Ukraine. Nhưng thực tế là châu Âu đã chờ tín hiệu từ Mỹ trong vài tuần qua.

Trước đó, Lầu Năm Góc thông báo cơ quan này cần thời gian để nghiên cứu, đảm bảo rằng Mỹ không để lộ các bí mật công nghệ một khi chiến đấu cơ F-16 xuất hiện ở Ukraine.

“Với bất kỳ gói vũ khí hay kế hoạch huấn luyện nào, Lầu Năm Góc phải đảm bảo rằng các hướng dẫn kỹ thuật đã được phiên dịch đầy đủ, cũng như cân nhắc chuyển giao các công nghệ đi kèm. Giới chức Mỹ sẽ cần thời gian để xem xét, đánh giá trước khi ký duyệt”, quan chức Lầu Năm Góc William LaPlante nói trên tờ Politico.

Nói về gói huấn luyện chiến đấu cơ F-16, ông LaPlante nói đây là một hệ thống phức tạp, “chúng tôi cũng cần chuẩn bị các chuyên gia để sẵn sàng đưa ra tư vấn, hướng dẫn bảo trì từ xa, do các cố vấn NATO và Mỹ không thể trực tiếp tới Ukraine”.

Trong khi Mỹ tỏ ra thận trọng, Ukraine đang không ngừng hối thúc đồng minh đẩy nhanh việc chuyển giao vì Kiev rất cần chiến đấu cơ F-16 do hiện chưa thể tìm ra cách xuyên thủng phòng tuyến Nga.

Nếu quá trình huấn luyện có thể diễn ra trong tháng 8, quân đội Ukraine sớm nhất có thể nhận chiến đấu cơ F-16 vào cuối quý 1/2024. Khóa huấn luyện đầu tiên có thể bao gồm 6 – 9 phi công Ukraine

Nhìn chung, giới chức phương Tây tỏ ra sốt sắng trong kế hoạch đối với chiến đấu cơ F-16 còn Mỹ không coi đây là vấn đề cấp thiết.

Hôm 13/7, tướng Douglas Sims, quan chức hàng đầu Lầu Năm Góc, nói tình hình ở tiền tuyến hiện nay “không lý tưởng” để Ukraine sử dụng chiến đấu cơ F-16.

“Nga đã tăng cường đáng kể năng lực phòng không. Họ cũng có năng lực chiến đấu trên không. Các máy bay F-16 chưa phù hợp để tham gia chiến đấu. Dĩ nhiên là những đánh giá này còn thay đổi trong tương lai”, tướng Sims cho biết.

Nga cảnh báo tình huống nguy hiểm khi phương Tây cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine

Nga sẽ coi việc phương Tây cung cấp chiến đấu cơ F-16 có khả năng mang vũ khí hạt nhân cho Ukraine là mối đe dọa hạt nhân, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - Politico ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN