Nguyên nhân Hàn Quốc mất niềm tin vào chiếc ô hạt nhân Mỹ

Cả hai tổng thống Mỹ đều tỏ ra không mặn mà với việc bảo vệ Hàn Quốc trong trường hợp nước này bị tấn công hạt nhân, nhưng Seoul cũng chưa dám tự phát triển vũ khí hạt nhân vì sợ bị cắt nguồn cung điện hạt nhân, bị Trung Quốc "xử lý"...

“Họ có chúng nên chúng ta cần có chúng” là lập luận cơ bản của những người Hàn Quốc muốn nước mình tự phát triển vũ khí hạt nhân. Đó là về sự cần thiết phải tự bảo vệ mình trước quốc gia láng giềng phương bắc vốn được coi là cường quốc hạt nhân dù không chính thức và nhà lãnh đạo nước này, ông Kim Jong Un, mới đây cam kết “tăng theo cấp số nhân” kho vũ khí của mình.

Lập luận phản bác là nếu Hàn Quốc theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân, quan hệ với Mỹ sẽ bị đảo lộn, Seoul có thể bị trừng phạt, không thể tiếp cận nguồn năng lượng hạt nhân. Ngoài ra, chắc chắn sẽ kích động một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Vậy số đông người Hàn Quốc đứng về phía nào trong cuộc tranh luận dường như đang thay đổi. Mười năm trước, kêu gọi Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân là một ý tưởng bên lề ít được đưa tin nghiêm túc.

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy đa số người dân Hàn Quốc ủng hộ việc nước họ có chương trình vũ khí hạt nhân. Nhiều học giả nổi tiếng từng xa lánh ý tưởng này đã đổi phe. Ngay cả Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng đã đưa ra ý tưởng tương tự. Vậy điều gì đã thay đổi?

Tên lửa được phóng trong cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn ngày 25/5/2022. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.

Tên lửa được phóng trong cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn ngày 25/5/2022. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.

Câu hỏi cũ, câu trả lời mới

Đối với những người ủng hộ, việc Seoul tự phát triển vũ khí hạt nhân cuối cùng sẽ trả lời câu hỏi muôn thuở: “Liệu Washington có mạo hiểm đánh đổi San Francisco để bảo vệ Seoul trong trường hợp chiến tranh hạt nhân xảy ra hay không?”.

Hiện tại, Hàn Quốc được hưởng lợi từ Chiến lược răn đe mở rộng của Mỹ, bao gồm chiếc ô hạt nhân, nghĩa là Washington có nghĩa vụ hỗ trợ Seoul trong trường hợp Hàn Quốc bị tấn công.

Đối với một số người, thế là đủ yên tâm. Nhưng các chi tiết về hình thức chính xác mà “việc hỗ trợ” có thể được thực hiện lại không hoàn toàn rõ ràng. Như câu hỏi muôn thuở đã chỉ ra, đối mặt khả năng xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân trả đũa trên đất Mỹ, Washington sẽ có lý do thuyết phục để hạn chế sự tham gia của mình.

Nhà nghiên cứu cấp cao Cheong Seong-chang của Viện Sejong (Hàn Quốc) nói: “Nếu Hàn Quốc có vũ khí hạt nhân, chúng ta có thể tự đáp trả cuộc tấn công của Triều Tiên, vì vậy không có lý do gì để Mỹ can dự vào”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đứng gần một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mới của nước này. Ảnh: KCNA.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đứng gần một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mới của nước này. Ảnh: KCNA.

Có những lý do khác để người Hàn Quốc đặt câu hỏi về niềm tin lâu đời của họ vào sự bảo vệ của Mỹ. Nổi bật trong số đó là cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Với lý do gánh nặng chi phí, ông Trump từng thể hiện mong muốn rút 28.500 lính Mỹ khỏi Hàn Quốc và đặt câu hỏi tại sao Mỹ phải bảo vệ nước này. Việc ông Trump tuyên bố sẽ tranh cử tổng thống năm 2024 là một vấn đề đè nặng tâm trí nhiều người.

“Đơn giản là Mỹ không còn được coi là đáng tin cậy như trước nữa”, ông Ankit Panda công tác tại Tổ chức Carnegie vì Hòa bình quốc tế (trụ sở ở Mỹ), nhận định. “Ngay cả khi chính quyền Biden hành xử giống như một chính quyền truyền thống của Mỹ và đưa ra tất cả tín hiệu trấn an đúng đắn cho Hàn Quốc… thì các nhà hoạch định chính sách sẽ phải ghi nhớ khả năng Mỹ một lần nữa bầu chọn một chính quyền sẽ có cách tiếp cận đối với Hàn Quốc”, ông Panda nói.

Nhưng sự mất niềm tin vượt ra ngoài cá nhân ông Trump.

Gần đây hơn, Tổng thống Yoon Suk Yeol đưa ra ý tưởng về việc triển khai lại vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ tới bán đảo Triều Tiên hoặc Hàn Quốc sở hữu “năng lực hạt nhân của riêng mình” nếu mối đe dọa từ Bình Nhưỡng gia tăng. Việc Washington bác bỏ cả hai ý tưởng này là điều dễ thấy.

Khi ông Yoon nói trong tháng này rằng Seoul và Washington đang thảo luận về các cuộc tập trận hạt nhân chung, Tổng thống Joe Biden cùng ngày khi được hỏi liệu các cuộc thảo luận như vậy có thực sự đang diễn ra hay không, ông Biden trả lời đơn giản: “Không”.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại Seoul ngày 17/8/2022. Ảnh: AP.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại Seoul ngày 17/8/2022. Ảnh: AP.

Sau tuyên bố của ông Yoon, Thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ, tướng Pat Ryder nhắc lại cam kết của Mỹ đối với Chiến lược Răn đe mở rộng, rằng “đến nay, chiến lược đã phát huy hiệu quả rất tốt”.

Trong một cuộc phỏng vấn trên báo Hàn Quốc Chosun Ilbo đăng ngày 2/1, Tổng thống Yoon nói về sự đảm bảo này: “Chỉ với điều đó thì thật khó để thuyết phục người dân chúng tôi”.

Nhưng trong một cuộc phỏng vấn khác, với báo Mỹ The Wall Street Journal bên lề Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2023 tại Davos, Thụy Sĩ tuần trước, Tổng thống Hàn Quốc lại nói: “Tôi hoàn toàn tin tưởng vào khả năng răn đe mở rộng của Mỹ”.

Một thông điệp không nhất quán hiếm khi xoa dịu mối lo ngại của cả hai bên trong cuộc tranh luận.

Đề xuất kế hoạch hạt nhân chung

Hôm 19/1, một cơ quan tư vấn độc lập của Mỹ, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS), đề xuất một giải pháp có vẻ là trung dung – việc tạo ra “một khuôn khổ cho kế hoạch hạt nhân chung” có thể “giúp phát triển mối quan hệ tin cậy mạnh mẽ hơn giữa các đồng minh trong môi trường hiện tại”.

CSIS cho rằng, khuôn khổ này có thể “tương tự một nhóm lập kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), với kế hoạch được tiến hành song phương và ba bên (với Nhật Bản) và quyền kiểm soát vẫn nằm trong tay Mỹ”.

Nhưng CSIS nói rõ rằng, họ không ủng hộ “việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ tới bán đảo Triều Tiên hoặc cho phép Hàn Quốc mua vũ khí hạt nhân cho riêng mình”.

Máy bay phản lực của Hàn Quốc và Mỹ tham gia cuộc tập trận không quân chung ngày 18/11/2022. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.

Máy bay phản lực của Hàn Quốc và Mỹ tham gia cuộc tập trận không quân chung ngày 18/11/2022. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.

Giáo sư Jeffrey Lewis, chuyên gia về không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Middlebury ở bang California (Mỹ), cũng coi việc lập kế hoạch và tập trận chung là “những lựa chọn thực tế hơn so với vũ khí hạt nhân hoặc chia sẻ hạt nhân”.

Đối với một số người trong đảng bảo thủ của Tổng thống Yoon, điều đó đơn giản là không đủ. Họ nhìn thấy một Hàn Quốc không có vũ khí hạt nhân đang bị đe dọa bởi một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân. Và họ không muốn gì khác là vũ khí hạt nhân của Mỹ được tái triển khai tới bán đảo Triều Tiên.

Washington đã chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật ra khỏi Hàn Quốc vào năm 1991 sau nhiều thập kỷ triển khai và không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ xem xét đảo ngược quyết định đó.

Ông Bruce Klingner công tác tại tổ chức tư vấn độc lập Heritage Foundation (Mỹ) nhận định: “Việc đưa vũ khí hạt nhân của Mỹ trở lại bán đảo không có ý nghĩa quân sự”. Theo ông Klingner, việc tìm kiếm, bố trí lại hệ thống vũ khí hạt nhân vào một hầm ngầm ở Hàn Quốc là rất khó, biến nó thành mục tiêu hấp dẫn của Triều Tiên.

Lo yếu tố Trung Quốc

Nhà nghiên cứu Cheong cho rằng, Chiến lược răn đe mở rộng của Mỹ đã đạt đến giới hạn trong việc đối phó Triều Tiên và chỉ khi Hàn Quốc được trang bị vũ khí hạt nhân mới có thể ngăn chặn chiến tranh.

“Tất nhiên, Triều Tiên không muốn Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân. Bây giờ họ có thể phớt lờ quân đội Hàn Quốc”, ông Cheong nói. “Nhưng họ phải lo lắng, vì nếu Hàn Quốc quyết định theo đuổi bom hạt nhân thì nước này sẽ có nguyên liệu hạt nhân để chế tạo hơn 4.000 vũ khí hạt nhân”.

Tuy nhiên, không chỉ nỗi sợ làm đảo lộn mối quan hệ với Mỹ đã ngăn cản Seoul đi theo con đường như vậy. Nếu Hàn Quốc rời khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), tác động đối với hệ thống điện hạt nhân của nước này có thể sẽ diễn ra nhanh chóng và nghiêm trọng.

“Trước hết, nhóm các nhà cung cấp hạt nhân sẽ cắt đứt nguồn nguyên liệu phân hạch cho Hàn Quốc, quốc gia phụ thuộc vào các nhà cung cấp bên ngoài về tất cả nguyên liệu phân hạch của mình. Nó có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt quốc tế”, ông Klingner nhận định.

Triều Tiên thử tên lửa. Ảnh: KCNA.

Triều Tiên thử tên lửa. Ảnh: KCNA.

Sau đó, có thể xảy ra cuộc chạy đua vũ trang khu vực, trong khi nước láng giềng Trung Quốc đã nói rõ rằng họ sẽ không dung thứ cho sự gia tăng quân sự như vậy.

Giáo sư Andrei Lankov, chuyên gia lâu năm về Triều Tiên công tác tại Đại học Kookmin (Hàn Quốc), nhận định: “Có lẽ Trung Quốc sẽ không hài lòng và về cơ bản, họ sẽ làm bất kỳ điều gì để ngăn Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân”.

Cuối cùng, ngay cả khi Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân, các vấn đề của nước này cũng khó có thể biến mất.

Ông Lewis công tác tại Viện Middlebury nói: “Vì vậy, điều buồn cười về vũ khí hạt nhân là vũ khí của bạn không bù đắp được vũ khí của họ. Hãy nhìn Israel. Israel được trang bị vũ khí hạt nhân và rất sợ Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Vì vậy, vũ khí hạt nhân của Israel về cơ bản không bù đắp được mối đe dọa mà họ cảm thấy từ vũ khí hạt nhân của Iran”.

Nguồn: [Link nguồn]

Hàn Quốc tuyên bố sẽ tự trang bị vũ khí hạt nhân nếu căng thẳng với Bình Nhưỡng gia tăng

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết Seoul sẽ tự xây dựng kho vũ khí hạt nhân nếu căng thẳng với Bình Nhưỡng tiếp tục gia tăng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái An - CNN ([Tên nguồn])
Tin tức Hàn Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN