Nguyên nhân các nước Đông Âu không bị Covid-19 gây "ác mộng" như Tây Âu và Mỹ
Trên hầu khắp Tây Âu, các bệnh viện và nhà xác đang bị quá tải vì số người nhiễm và tử vong do Covid-19. Tuy nhiên, ở những quốc gia Đông Âu, dịch bệnh gần như đã được kiểm soát và chính phủ các nước đã bắt đầu nới lỏng những quy định hạn chế tiếp xúc xã hội để người dân trở lại cuộc sống thường nhật.
Sự khác biệt là rất rõ ràng. Ngày 12.4, Tây Ban Nha có 350 người tử vong vì Covid-19/1 triệu dân, con số này tại Italia là 322, Bỉ là 314, Pháp là 202 và Anh là 145. Mỹ hiện đang là quốc gia chịu ảnh hưởng của Covid-19 nặng nhất thế giới với hơn 20.000 người tử vong.
Trong khi đó, những quốc gia ở khu vực Đông Âu như Romania chỉ có 15 người tử vong do Covid-19/1 triệu dân, ở Séc là 12, Ba Lan là 5 và Slovakia là 0,4.
Lý do quan trọng nhất cho sự khác biệt này đó là những quốc gia ở khu vực Đông Âu có nền kinh tế và hệ thống y tế kém phát triển hơn Tây Âu. Những nước này ý thức được rằng mình có thể chịu thiệt hại nặng bởi dịch bệnh vì vậy họ đã ban hành những quy định hạn chế tiếp xúc xã hội và đi lại nghiêm ngặt để ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19.
Nghệ sĩ đường phố biểu diễn trên mái nhà ở Prague, Cộng hòa Czech (ảnh: WSJ)
Giới chuyên gia y tế cho rằng, việc ban hành sớm và thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống Covid-19 là những yếu tố quan trọng giúp các nước Đông Âu – nơi có dân số già và số bác sĩ ít hơn Tây Âu, không phải chịu tác động lớn bởi virus.
Thêm vào đó, Covid-19 cũng xuất hiện muộn hơn tại những nước ở khu vực Đông Âu do đón ít khách du lịch và ít tổ chức các lễ hội hơn so với phần còn lại.
Khi Covid-19 bắt đầu lây lan rộng, người Đức đã tổ chức những lễ hội Carnival, người Italia đổ xô đến các trận bóng đá còn người Anh tụ tập xem hòa nhạc. Tại Mỹ, nhiều người đổ về các bãi biển ở Vịnh Mexico trong kỳ nghỉ xuân. Những hoạt động này sau đó được chứng minh là “sự kiện siêu lây nhiễm”.
Nước Anh đã không ra lệnh phong tỏa cho tới ngày 24.3, sau khi có hơn 8.000 ca nhiễm Covid-19 và 422 người tử vong. Ngược lại, Séc đã đóng cửa biên giới, trường học vào ngày 12.3, khi cả nước mới có khoảng 100 ca nhiễm virus.
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng tại Warsaw, Ba Lan (ảnh: WSJ)
Slovakia ban bố tình trạng khẩn cấp cùng ngày 12.3, chỉ 6 ngày sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Ngày 13.3, Ba Lan có lệnh đóng cửa biên giới, nhà hàng, quán bar, trung tâm thương mại cũng bị đình chỉ hoạt động sau khi phát hiện 17 ca dương tính với virus.
“Tôi chắc chắn rằng hệ thống y tế của chúng tôi không thể chống đỡ trước sự lây lan của dịch bệnh. Vì vậy chúng tôi phải phản ứng nhanh”, Bộ Y tế Cộng hòa Séc – ông Adam Vojtech, nhận định.
Vào ngày thủ đô Prague của Séc có lệnh phong tỏa, Thủ tướng Anh – ông Boris Johnson , nói với người dân rằng họ có thể tiếp tục tổ chức những sự kiện thể thao lớn. Hai ngày trước đó, Tổng thống Mỹ Trump phát biểu: “chúng tôi đã có chuẩn bị và chúng tôi đang xử lý rất tốt. Virus rồi sẽ biến mất. Cứ bình tĩnh”.
Tại New York, Thống đốc Andrew Cuomo hôm 2.3 khoe rằng, thành phố của ông có hệ thống y tế tốt nhất thế giới.
“Chúng tôi không cho rằng tình hình dịch Covid-19 tại New York có thể tồi tệ như những nước khác”, ông Cuomo phát biểu.
New York đã không khuyến cáo người dân ở nhà mãi cho đến ngày 20.3, 3 tuần sau khi có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên và 15.000 người trong thành phố đã dương tính.
Tử thi nạn nhân nhiễm Covid-19 được đưa ra khỏi bệnh viện tại Mỹ (ảnh: Reuters)
“Ở các quốc gia Tây Âu và Mỹ, người ta tin rằng việc sở hữu công nghệ cao và hệ thống chăm sóc sức khỏe tiên tiến có thể đối phó với bất cứ tình huống nào. Điều này tạo ra ảo tưởng rằng họ sẽ có đủ thời gian vào phương tiện để chống lại đại dịch kể cả khi nó tấn công một cách bất ngờ. Ở Đông Âu, người ta không giải quyết tình huống với cái đầu của một tiểu thuyết gia”, Sławomir Debski, giám đốc Viện Nghiên cứu về các vấn đề Quốc tế Ba Lan, nhận xét.
Chính phủ các nước phương Tây thường ngần ngại áp đặt những lệnh hạn chế tiếp xúc xã hội vì lo ngại ảnh hưởng đến kinh tế và người dân sẽ không hài lòng. Những nghiên cứu về hành vi của chính phủ Anh công bố tháng trước cho thấy, người dân khó có thể tuân thủ việc không ra khỏi nhà trong thời gian dài.
Thứ Ba tuần trước, Séc bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa, cho phép những cửa hàng và sân tennis mở cửa trở lại. Tuy nhiên, chính phủ Séc vẫn để ngỏ khả năng đóng cửa một phần biên giới trong vòng 2 năm để tránh làn sóng lây nhiễm lần 2.
Cảnh sát Mỹ phát hiện 2 người ra biển tắm nắng trong dịch Covid-19 (ảnh: Fox News)
Ba Lan thông báo, nước này sẽ dỡ lệnh phong tỏa trong tuần này. Slovakia – quốc gia đang dư 1.000 máy thở sản xuất “thần tốc” trong dịch Covid-19 có thể sớm tiếp bước. Những hãng sản xuất ô tô tại Slovakia đã được mở cửa trở lại vào tuần trước.
Không quốc gia nào tại Đông Âu có sự chuẩn bị đầy đủ trước khi đại dịch ập tới. Một số nhân viên y tế tại những nước này thậm chí còn lên mạng xã hội phàn nàn vì thiếu thiết bị y tế. Tuy nhiên, các nước Đông Âu đã thoát khỏi tình trạng khủng hoảng vì dịch bệnh như đang diễn ra tại Mỹ, Tây Ban Nha, Pháp hay Italia.
Ông Sławomir Debski miêu tả tình trạng tại những nước Tây Âu và Mỹ như diễn biến trong cuốn tiểu thuyết “Dịch hạch” của nhà văn Albert Camus. Trong đó, các nhân vật chính của tác phẩm lúc đầu đã mất cảnh giác với dịch bệnh do tự tin vào sự phát triển của khoa học thời đó.
“Cuối cùng thì niềm tin vào sự tiến bộ của bản thân sẽ không bảo vệ bạn trước một dịch bệnh mới”, ông Debski nói.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Mặc dù có ca nhiễm Covid-19 và tử vong đã được ghi nhận, nhưng quốc gia này lại kêu gọi người dân hãy ra ngoài vui chơi,...