Nguy cơ xung đột Trung Đông: Không thể chần chừ thêm nữa

Nguy cơ xung đột Trung Đông ngày càng hiện hữu cấp thiết phải có những bước đi ngoại giao hiệu quả để ngăn chặn.

Hơn ba tháng xung đột Israel - Hamas và những diễn biến leo thang đang đẩy Trung Đông đến nguy cơ phải chứng kiến một cuộc xung đột sâu rộng, phức tạp và hậu quả không thể lường hết được. Trong bối cảnh này, ngày càng xuất hiện nhiều lời kêu gọi cộng đồng thế giới cấp thiết có động thái ngăn chặn.

Leo thang từng ngày

Tại Dải Gaza, xung đột Israel - Hamas chưa thấy hồi kết. Phía Israel vẫn dồn sức tấn công, quyết tâm theo đuổi mục tiêu xóa bỏ bằng được Hamas. Phần mình, Hamas vẫn liên tục nã rocket sang Israel.

“Xung đột Israel - Hamas đang lan ra ngoài Dải Gaza, vượt ra ngoài Israel, ảnh hưởng đến khu vực. Nó sẽ gây ra tác động toàn cầu” - ông Hugh Lovatt, thành viên chính sách cấp cao của tổ chức nghiên cứu Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (Đức).

Tại biên giới Israel - Lebanon, các đợt tấn công “ăn miếng trả miếng” giữa Israel và nhóm vũ trang Hezbollah vẫn leo thang. Lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah tuyên bố sẽ tiếp tục đối đầu với lực lượng Israel cho đến khi Israel kết thúc chiến dịch ở Dải Gaza. Trong khi đó, nội các Israel đã có ý kiến nên phát động cuộc chiến với Hezbollah. Theo Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia Israel Itamar Ben-Gvir, “cần phải có một cuộc tấn công phủ đầu chống lại Hezbollah, không có giải pháp chính trị nào có thể hữu ích”.

Tuy nhiên, Trung Đông giờ đây không chỉ chứng kiến những diễn biến đáng ngại xoay quanh Israel. Sau nhiều tuần Houthis (Yemen) tấn công tàu (nhóm này cho là có liên kết với Israel) ở Biển Đỏ thì tuần rồi, liên quân do Mỹ dẫn đầu phát động chiến dịch không kích các mục tiêu của Houthis ở Yemen nhằm triệt hạ sức mạnh của nhóm vũ trang này. Dù bị liên quân Mỹ không kích, Houthis vẫn tiếp tục tấn công tàu ở Biển Đỏ. Khả năng diễn biến này còn tiếp tục, khi nhiều quan chức Mỹ và cả Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận các cuộc không kích của liên quân chưa gây tổn hao đủ để buộc Houthis ngừng tấn công tàu.

Iran là một nhân tố khó lường với cục diện Trung Đông. Song song với chiến dịch của Israel - đồng minh của Mỹ ở Dải Gaza, nhiều tuần qua Mỹ phải chứng kiến nhiều cơ sở, căn cứ của mình ở Iraq bị tấn công mà thủ phạm theo Mỹ là các nhóm dân quân thân Iran. Và tuần rồi thì Iran đã chính thức “ra mặt”. Hôm 16-1, Iran nã tên lửa vào mục tiêu mà nước này cho là “trung tâm gián điệp” của Israel tại TP Erbil (Iraq), gần Lãnh sự quán Mỹ khiến phía Mỹ lên án cuộc tấn công là liều lĩnh.

Cùng ngày, Iran nã tên lửa vào lãnh thổ Pakistan, nhắm vào hai căn cứ nhóm vũ trang Hồi giáo Jaish al-Adl ở tỉnh Balochistan mà Iran cho là khủng bố, đe dọa an ninh nước mình. Pakistan phản ứng mạnh, triệu hồi đại sứ tại Iran, triệu tập đại sứ Iran tại nước mình để lên án hành động vi phạm chủ quyền Pakistan. Sang ngày 18-1, Pakistan nã tên lửa vào bảy địa điểm bên trong Iran với lý do tiêu diệt khủng bố. Nếu tình hình leo thang thì không khỏi tác động đến cục diện Trung Đông.

Giới quan sát đồng tình quan điểm rằng chưa thể ngăn được nguy cơ xung đột lan rộng Trung Đông khi Dải Gaza chưa thôi khói lửa. Ảnh: AFP

Giới quan sát đồng tình quan điểm rằng chưa thể ngăn được nguy cơ xung đột lan rộng Trung Đông khi Dải Gaza chưa thôi khói lửa. Ảnh: AFP

Không thể để xung đột lan rộng

Hầu hết giới quan sát đều cùng quan điểm xung đột lan rộng Trung Đông là điều rất nguy hiểm. Các nước và các nhóm vũ trang trong khu vực đều có tiềm lực quân sự mạnh. Xung đột lan rộng chắc chắn gây hậu quả khó lường, trong đó dân thường là bên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đài CNN dẫn lo ngại từ giới quan sát.

Về kinh tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lo ngại một cuộc xung đột quy mô lớn sẽ tạo nên thách thức lớn cho kinh tế Trung Đông. Xung đột Trung Đông sẽ tác động đến các ngành xuất khẩu, dịch vụ, du lịch, tài chính, khiến tăng trưởng kinh tế tại các nước ảnh hưởng giảm xuống và buộc các nước này ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Không chỉ khu vực Trung Đông, xung đột lan rộng cũng có thể ảnh hưởng triển vọng của nền kinh tế toàn cầu, đe dọa làm giảm tốc độ tăng trưởng, làm tăng giá năng lượng, đẩy chi phí sản xuất lương thực lên cao, làm tăng thêm tình trạng mất an ninh lương thực, theo tờ The New York Times.

Đa số giới quan sát cùng quan điểm hầu hết các bên như Mỹ, châu Âu, Iran, các quốc gia vùng Vịnh khác đều ý thức được rằng xung đột lan rộng không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào. Tuy nhiên, ông Jason Bordoff, Giám đốc Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu tại ĐH Columbia (Mỹ), lưu ý những bước đi sai lầm, ngoại giao kém và hiểu lầm có thể đẩy tình hình leo thang, ngay cả khi các nước không muốn.

Đã có nhiều ý kiến kêu gọi các bên liên quan và cộng đồng quốc tế chung tay ngăn chặn xung đột lan rộng Trung Đông.

Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), để giảm căng thẳng trong khu vực, Israel nên cho phép nhiều viện trợ nhân đạo hơn vào Dải Gaza và giảm cường độ các hoạt động quân sự tại dải đất này nhằm giảm thương vong cho dân thường. Những hành động này có thể làm giảm làn sóng phẫn nộ chống Israel tại Trung Đông.

Đồng tình, bà Anna Jacobs, nhà phân tích cấp cao vùng Vịnh của tổ chức nghiên cứu Nhóm khủng hoảng quốc tế (Bỉ), đề nghị rằng Dải Gaza nên là trung tâm của mọi nỗ lực nhằm kiềm chế xung đột.

“Bước đầu tiên trong việc giảm leo thang là đạt được lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza và điều này đòi hỏi Mỹ phải gây áp lực lớn hơn cho Israel. Điều này cũng đòi hỏi nỗ lực của các quốc gia vùng Vịnh có quan hệ với Israel, đặc biệt là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất” - theo bà Jacobs.

Bên cạnh đó, bà Mona Yacoubian, Phó Chủ tịch Trung tâm Trung Đông và Bắc Phi thuộc Viện Hòa bình Mỹ, cho rằng cộng đồng quốc tế cần cấp thiết có các biện pháp ngoại giao hiệu quả để giảm căng thẳng ở Trung Đông vốn đang ở mức cao chưa từng có.•

Các bên liên quan không muốn xung đột Israel - Hamas lan rộng

Thời điểm này, việc xung đột lan rộng Trung Đông là điều không bên nào muốn, kể cả Iran - nước bảo trợ cho các nhóm vũ trang Hamas, Houthis, Hezbollah, The New York Times nhận định.

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Iran tuần rồi cho biết dù ủng hộ Houthis “nhưng Tehran không muốn một cuộc chiến toàn diện trong khu vực”.

Ngày 12-1, sau khi lực lượng Mỹ và Anh không kích Houthis, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby nhanh chóng lên tiếng: “Chúng tôi không muốn chiến tranh với Yemen. Chúng tôi không muốn xảy ra bất kỳ hình thức xung đột nào. Thực tế, mọi thứ mà Tổng thống Biden đang làm đều nhằm mục đích ngăn chặn xung đột leo thang”.

Theo thông tin từ Reuters, Mỹ đang thảo luận với Hezbollah về khả năng giải quyết xung đột tại biên giới Israel - Lebanon. Phía Hezbollah không đồng ý ngừng tấn công nhưng vẫn để ngỏ khả năng giải quyết vấn đề bằng biện pháp ngoại giao và cho biết “sẵn sàng lắng nghe”.

Các nhà hoạt động đối lập Syria cho biết một cuộc không kích có thể do lực lượng không quân Jordan thực hiện ở miền Nam Syria đã giết chết ít nhất 9 người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HỒNG SƠN ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN