Nguy cơ Nga mất thị trường khí đốt châu Âu vì xung đột Ukraine: Trung Quốc có bù đắp đủ?
Trung Quốc đang nổi lên là quốc gia nhập khẩu một lượng lớn dầu mỏ và khí đốt, giúp Nga vượt qua khó khăn trong bối cảnh bị phương Tây cấm vận mạnh mẽ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh minh họa.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã thông báo tiến tới chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ của Nga.
Nga được cho là có thể tăng cường xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc để bù đắp lợi nhuận suy giảm. Tuy nhiên, trong kịch bản lạc quan nhất, lượng khí đốt Trung Quốc mua thêm của Nga chỉ có thể bằng 2/3 so với lượng khí đốt mà châu Âu nhập khẩu từ Nga.
Lợi nhuận mà Nga thu về từ việc bán khí đốt cho Trung Quốc cũng không thể bằng các hợp đồng ký với châu Âu, do phải tăng mức chiết khấu, Tatiana Mitrova, nhà nghiên cứu tại Trung Tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu ở Đại học Columbia, Mỹ, nói.
“Nga chắc chắn sẽ không thể tìm được đối tác tiêu thụ hết lượng khí đốt lẽ ra có thể xuất sang châu Âu”, bà Mitrova nói ngày 26.3, bên lề diễn đàn Doha ở Qatar.
Nga xuất khẩu 16,5 tỉ m3 khí đốt sang Trung Quốc năm 2021 thông qua đường ống và dưới dạng khí hóa lỏng (LNG). Hai nước cũng ký thỏa thuận tăng sản lượng mua bán khí đốt lên mức 100 tỉ m3 và thúc đẩy các hợp đồng LNG.
Nhưng Nga hiện đang xuất khẩu 170 tỉ m3 khí đốt sang châu Âu mỗi năm. Giá khí đốt bán cho châu Âu cũng rất khác so với giá bán cho Trung Quốc, bà Mitrova nói.
“Nhưng vấn đề không chỉ là lợi nhuận. Trong bối cảnh Nga đang bị phương Tây trừng phạt, Trung Quốc còn là kênh phân phối sản phẩm cho Nga để đổi lấy khí đốt”, bà Mitrova giải thích.
Trong khi đó, châu Âu đang thúc đẩy việc tìm kiếm đối tác khác thay thế Nga cung cấp khí đốt, trong đó Qatar là quốc gia khả dĩ nhất.
Hôm 26.3, Tổng thống Ukraine Volodymr Zelensky đã có bài phát biểu qua video tại diễn đàn Doha, kêu gọi Qatar tăng mức xuất khẩu khí đốt để châu Âu không còn phụ thuộc vào Nga.
“Tôi đề nghị Qatar tăng sản lượng khai thác khí đốt để Nga hiểu rằng không ai có thể sử dụng vũ khí năng lượng làm quân bài gây sức ép”, ông Zelensky nói.
Nhưng Saad Sherida Al-Kaabi, Bộ trưởng Năng lượng Qatar, nói nước này chỉ có thể đáp ứng 30-40% nhu cầu khí đốt của châu Âu.
“Ngay bây giờ, chúng tôi chưa thể giúp được, không ai có thể thay thế Nga hoàn toàn”, ông Al-Kaabi phát biểu tại diễn đàn.
85% lượng khí hóa lỏng hiện đang được Qatar bán cho châu Á, trong đó Trung Quốc là đối tác hàng đầu, xếp sau là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nguồn: [Link nguồn]
Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu phương Tây mua khí đốt phải trả bằng đồng rúp là động thái nhằm vô hiệu lệnh trừng phạt do chính phương Tây áp đặt, báo Đức...