Nguy cơ Nepal chìm sâu trong khủng hoảng Covid-19, tồi tệ hơn Ấn Độ
Trong khi thế giới tập trung vào đợt dịch Covid-19 lần hai ở Ấn Độ, đợt bùng phát dịch bệnh khiến hệ thống y tế ở quốc gia láng giềng Nepal đạt đến ngưỡng giới hạn, các khu điều trị tích cực quá tải và các bệnh viện cạn kiệt nguồn dự trữ oxy.
Các bệnh viện ở Nepal đang rơi vào tình trạng thiếu hụt oxy y tế.
Nhiều cơ sở y tế ở đất nước nghèo với 30 triệu dân đang từ chối tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 vì không còn giường trống và thuốc men cũng cạn kiệt. Các bác sĩ lo ngại đợt bùng phát dịch bệnh ở Nepal sẽ còn tồi tệ hơn Ấn Độ, theo SCMP.
“Chúng tôi đang gặp khủng hoảng về cơ sở hạ tầng y tế. Chênh lệch cung cầu oxy là rất lớn. Chúng tôi cũng không còn vaccine ”, Tiến sĩ Samir Kumar Adhikari, người phát ngôn của Bộ Y tế Nepal, trả lời phỏng vấn trên SCMP.
Biến chủng B.1.617.2 có nguồn gốc từ Ấn Độ đang chiếm gần 100% số ca nhiễm mới ở Nepal, theo số liệu chính thức. Vẫn còn khoảng 400.000 lao động Nepal sẽ quay trở về từ Ấn Độ trong vài tuần tới. Chỉ những người bộc lộ triệu chứng mới được xét nghiệm vì Nepal thiếu hụt các trang thiết bị.
Người Nepal cũng giống như hàng xóm Ấn Độ, đã mất cảnh giác sau khi đợt Covid-19 đầu tiên trôi qua vào năm ngoái. “Mọi người đã bất cẩn”, Tiến sĩ Retiesh Kanojia, bác sĩ làm việc gần biên giới Nepal - Ấn Độ, nói.
Hôm 19.5, Nepal ghi nhận 8.136 ca nhiễm mới trong 24 giờ, cao gấp 65 lần so với thời điểm cách đây 2 tháng, theo số liệu của chính phủ. Nepal cũng thông báo 196 ca tử vong trong 24 giờ, tăng vọt so với con số trung bình 5 ca tử vong vào tháng trước.
Thi thể bệnh nhân tử vong vì Covid-19 được đưa lên xe cứu thương.
Tổng cộng Nepal có hơn 472.000 ca nhiễm Covid-19 và khoảng 5.400 ca tử vong. “Đợt dịch lần này lây nhiễm rất nhanh so với đợt đầu tiên, tác động rất lớn đến nhóm người từ 30-50 tuổi”, Tiến sĩ Sher Bahadur Pun, trưởng nhóm nghiên cứu lâm sàng tại Bệnh viện Bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Sukraraj ở thủ đô Kathmandu, nói.
Trong khi đó, tỉ lệ dương tính với Covid-19 ở Nepal là gần 50%. “Tỉ lệ 15% số ca dương tính sau khi xét nghiệm đã là rất cao. Mức 50% là quá lớn”, Sara Beysolow Nyanti, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp quốc ở Nepal, nói.
Các chuyên gia cảnh báo số ca tử vong vì Covid-19 ở Nepal sẽ còn tăng đột biến trong thời gian tới. “Đối với những người mới nhập viện, tuần đầu tiên trôi qua khá suôn sẻ, các triệu chứng thường nhẹ. Nhưng chỉ sau một tuần, nhiều bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng nguy kịch, cần được duy trì sự sống bằng oxy y tế”, ông Adhikari nói.
Chính phủ Nepal đã giới hạn mức oxy dự trữ tiếp ứng cho các bệnh viện để đảm bảo công bằng. Điều đó có nghĩa là nhiều bệnh viện bắt đầu từ chối các bệnh nhân mới.
“Chúng tôi có đủ nhân lực để chăm sóc các bệnh nhân, nhưng không còn đủ oxy”, bệnh viện tư Om ở Kathmandu, thông báo.
Một nhân viên y tế rửa găng tay tẩy rửa găng tay trước khi làm xét nghiệm PCR.
Thông thường, Nepal trông cậy vào nguồn cung cấp oxy từ Ấn Độ. Nhưng do Ấn Độ cũng đang trong cuộc khủng hoảng Covid-19, guồn cung cấp từ đây đang hết sức hạn chế.
Trung Quốc đã gửi 400 bình oxy, 10 máy thở và 170 máy tạo oxy để hỗ trợ Nepal. Nhưng khoảng cách xa là điều ngăn cản Nepal đặt mua một lượng lớn bình oxy từ Trung Quốc, do các bình oxy tạo ra nguy cơ gây nổ.
“Chúng tôi không thể cứu tất cả mọi người chỉ bằng cách vận chuyển bình oxy từ Trung Quốc qua đường hàng không. Chúng tôi vẫn phải dựa vào các nguồn cung cấp thiết thực”, ông Adhikari nói.
Nyanti, một điều phối viên của Liên Hợp quốc, nói rằng bà đã đến thăm một số bệnh viện ở Nepal và chứng kiến cảnh đau lòng, khi các bệnh nhân được điều trị ở hành lang hay thậm chí là ở ngoài sân vì bệnh viện quá tải.
“Nepal đang rất cần cộng đồng quốc tế hỗ trợ bổ sung nguồn oxy y tế”, Nyanti nói. “Nepal đang rất cần thêm máy tạo oxy và bình chứa oxy”.
Nói về vấn đề lâu dài, cách duy nhất để chiến thắng dịch bệnh là thông qua sự kết hợp giữa các biện pháp phòng ngừa và tiêm vaccine cho toàn dân. “Các quốc gia giàu có hơn nên để tâm đến vấn đề vaccine ở Nepal. Đó là vì sự nhân văn”, Nyanti nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Gần như toàn bộ Nepal đang bị phong tỏa, các bệnh viện quá tải người bệnh. Bangladesh thiếu hụt vaccine trầm trọng, còn...