Nguy cơ Mỹ-Trung chiến tranh giành tầm ảnh hưởng ở Thái Bình Dương
Trung Quốc đang ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng đến khu vực Nam Thái Bình Dương, dấy lên nguy cơ về khả năng đụng độ với Mỹ.
Trung Quốc đang gấp rút đóng hàng loạt tàu sân bay mới.
Theo Express, Trung Quốc muốn thách thức sự thống trị của Mỹ ở đại dương và những năm qua đã ngày càng mở rộng lợi ích kinh tế đến các hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương.
Tonga, Papua New Guinea và Fiji là những quốc gia trong khu vực rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc. Bắc Kinh thường xuyên yêu cầu chính phủ các nước này công nhận Trung Quốc và không giao thiệp với Đài Loan.
Trung Quốc cũng để mắt đến quyền được phóng vệ tinh của các nước này. Mạng lưới vệ tinh được mở rộng có ý nghĩa lớn với hệ thống tên lửa dẫn đường Trung Quốc.
Chuyên gia Euan Graham đến từ Đại học La Trobe ở Melbourne, Úc, nói với tờ Financial Times: “Vùng biển nam Thái Bình Dương một lần nữa lại trở thành khu vực chiến lược kể từ thời Thế chiến 2”.
“Chúng ta đang thấy Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh trong khu vực, từ các khoản đầu tư nhỏ đến quy mô lớn”, ông Graham nói. “Với Trung Quốc, khu vực này không có tiềm năng kinh tế. Đó chỉ là cách Bắc Kinh mở rộng quyền kiểm soát và là dấu hiệu của nguy cơ chiến tranh”.
Ryan Martinson, chuyên gia Trung Quốc tại Học viện Hải Chiến Mỹ, cảnh báo các tàu khảo sát đại dương Trung Quốc hoạt động ở Thái Bình Dương.
“Mục đích chính là khám phá các tiềm năng dưới biển sâu, nhưng cũng có cả mục đích quân sự”, Martinson nói. “Hoạt động của các tàu này tập trung ở khu vực chiến lược, có thể là nơi các tàu ngầm Mỹ và Trung Quốc đụng độ nhau”.
Mỹ và Trung Quốc hiện đang tích cực đàm phán dàn xếp chiến tranh thương mại, vốn kéo dài trong một năm qua.
Mỹ cũng cảnh báo Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất cho nền dân chủ và các vấn đề trên toàn cầu”. Câu nói này ám chỉ việc Bắc Kinh tăng cường hiện diện ở Venezuela.
Kể từ khi lên nắm quyền, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn chủ trương độc lập khỏi Trung Quốc, khiến Bắc Kinh tức giận...