Nguồn gốc ít người biết về các biểu tượng cơ, rô, bích, nhép của bộ bài Tây
Bộ bài Tây hay còn gọi là tú lơ khơ rất phổ biến và được sử dụng trên toàn thế giới. Nhiều người có thể thuộc lòng cách chơi bài nhưng họ không biết rằng, quá trình bộ bài ra đời được xem như một "kỳ quan" của kỹ thuật, thiết kế và lịch sử.
Các bộ bài không chỉ đơn thuần là đồ chơi hay công cụ mà chúng còn là dấu ấn văn hóa. Ảnh minh họa
Theo The Atlantic, những bộ bài này có thể được sử dụng làm trò tiêu khiển gây cười, cá cược, công cụ truyền bá sự huyền bí, ảo thuật, mô hình xác suất toán học hay thậm chí là tiền tệ hoặc phương tiện truyền tải thông điệp bí mật (có bộ bài là một bản đồ được sử dụng trong Thế chiến II).
Tên bài, màu sắc, biểu tượng và thiết kế của bộ bài thay đổi tùy theo xuất xứ của chúng và ý muốn của người chơi bài. Các bộ bài không chỉ đơn thuần là đồ chơi hay công cụ mà chúng còn là dấu ấn văn hóa.
Nguồn gốc của việc chơi bài vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi, nhưng nhiều sử gia và học giả cho rằng nó có nguồn gốc từ phương Đông.
Gejus Van Diggele, chủ tịch Hiệp hội Chơi bài Quốc tế (IPCS) có trụ sở tại London, Anh, nói: "Các học giả và sử gia đang có ý kiến trái chiều về nguồn gốc của việc chơi bài. Nhưng họ thống nhất quan điểm rằng, các bộ bài phổ biến từ phương Đông sang phương Tây".
Các cuộn giấy cổ từ thời nhà Đường của Trung Quốc đã đề cập đến trò chơi đánh bài giấy và nhiều chuyên gia coi đây là tài liệu đầu tiên viết về việc chơi bài.
Một số ít tài liệu tham khảo văn học châu Âu vào cuối thế kỷ 14 chỉ ra rằng, các lá bài không phải xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc mà là từ Ả rập. Một giả thuyết khác lại cho rằng, những người du mục đã mang theo những lá bài bói toán từ Ấn Độ.
Dù có nguồn gốc từ đâu chăng nữa thì việc giao thương đã giúp việc chơi bài được lan truyền từ phương Đông sang phương Tây, trong khi công nghệ in ấn đẩy nhanh quá trình sản xuất xuyên biên giới.
Bộ bài Tây 52 lá (trừ 2 lá Joker) ngày nay được kế thừa 4 chất của bộ bài ở Pháp nhiều thế kỷ trước, gồm cơ (♥), rô (♦), bích (♠), nhép (♣). Các biểu tượng đại diện cho 4 chất này được gọi là pip.
Tùy theo văn hóa và vị trí địa lý, các biểu tượng này có sự thay đổi khác nhau. Nhưng hầu hết các biểu tượng xuất hiện trên lá bài đều liên quan tới những thứ từng thịnh hành và mê hoặc cả châu Âu ở thế kỷ 16 như: thiên văn học, giả kim thuật, thần bí và lịch sử.
Một số sử gia cho rằng, 4 chất trong một bộ bài đại diện cho 4 tầng lớp trong xã hội Trung cổ. Chất cơ, với biểu tượng là chiếc chén cổ có hình trái tim, đại diện cho giới tăng lữ. Chất bích, với biểu tượng là thanh kiếm hoặc hình chiếc xẻng, đại diện cho giới quý tộc hoặc quân đội. Chất rô, với biểu tượng là hình kim cương hoặc tiền xu, đại diện cho giới thương gia. Chất nhép, biểu tượng hình cây gậy, đại diện cho nông dân.
Nhưng không phải các biểu tượng này đều phù hợp với mọi nền văn hóa. Ví dụ, với người Đức, biểu tượng chiếc chuông sẽ phù hợp hơn thanh kiếm khi đại diện cho giới quý tộc. Vì những chiếc chuông thường được gắn vào mũi của loài diều hâu trong thú chơi tốn kém của những nhà giàu ở Tây Đức. Với người Pháp, kim cương lại là biểu tượng đại diện cho tầng lớp quý tộc và thượng lưu. Các viên đá lát của nhà thờ, có hình kim cương, thường được đặt để đánh dấu phần mộ của những người thuộc tầng lớp quý tộc.
Vậy những biểu tượng khác có nguồn gốc từ đâu? "Chúng là một phần của văn hóa dân gian. Tôi không tin những lá bài này lại được thiết kế hợp lý đến vậy. Một lời giải thích khả dĩ liên quan tới biểu tượng của 4 chất cơ, rô, bích, nhép là ban đầu, chúng được thiết kế cho các gia đình giàu có. Vì vậy, sự lựa chọn các biểu tượng phản ánh sở thích và sự ưa chuộng của giới quý tộc", Paul Bostock, một thành viên hội đồng của IPCS, nhận định.
Dù các biểu tượng có sự thay đổi nhưng những nhân vật xuất hiện trên các là bài J, Q, K của 4 chất gần như không thay đổi trong nhiều thế kỷ. Ví dụ, bộ bài của Anh và Pháp luôn có 4 vị vua: Charles, David, Caesar, và Alexander Đại đế.
Tuy nhiên, theo ông Bostock, các nữ hoàng trong bộ bài lại không nhận được sự duy trì tương tự. Bốn nữ hoàng trong bộ bài thường thấy là Pallas, Judith, Rachel, và Argine. Ở Tây Ban Nha, các nữ hoàng được thay thế bằng các hiệp sĩ. Với người Đức, họ loại bỏ toàn bộ các nữ hoàng trong bộ bài, chỉ có nhà vua, người trên và người dưới (quân J ngày nay). Với người Pháp và người Anh, họ giữ nguyên các nữ hoàng trong bộ bài.
Những lá bài thú vị
Át bích (hay con át chủ bài) trở nên nổi tiếng vào năm 1765, theo IPCS. Đó là năm nước Anh bắt đầu đánh thuế các bộ bài. Thời đó, một bộ bài được xác định đã nộp thuế căn cứ vào con dấu đóng trên lá bài át bích - lá bài đầu tiên của bộ bài. Giả mạo con dấu trên con át chủ bài thời điểm đó sẽ bị xử tử.
Nhân vật được in trên lá bài K cơ cũng gây ra sự tò mò lớn khi là người duy nhất không có ria mép trong 4 vị vua. Ông chính là vua Charlemagne. Và nhiều người còn nhận ra điểm đặc biệt ở hình ảnh của vị vua này trên lá bài K cơ, đó chính là việc ông tự đâm thanh kiếm vào đầu, giống như đang "tự sát". Nhưng sự thật không phải như vậy.
Theo Bostock, quá trình in ấn giúp rút ngắn thời gian sản xuất một bộ bài, nhưng nó cũng khiến tính toàn vẹn của nguyên bản bị giảm sút. Khi các khối in bị mòn, các nhà sản xuất bộ bài sẽ tạo ra các bộ bài mới bằng cách sao chép các khối in hoặc sao chép các lá bài. Quá trình này khiến một số chi tiết trong bức ảnh gốc dần biến mất. Cuối cùng, phần đầu nhọn của thanh kiếm mà vua Charlemagne cầm phía sau đầu biến mất ở các lá bài ngày nay. Chi tiết này khiến nhiều người tưởng rằng vị vua đang "tự sát" bằng cách dùng kiếm đâm vào đầu.
Việc được sản xuất thủ công và mức thuế cao khiến mỗi bộ bài trở thành một khoản đầu tư đáng kể. Nói không sai khi những bộ bài trở thành "một bữa đại tiệc" mãn nhãn khi giới nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo và thiết kế.
Tuy nhiên, không phải ai cũng ưa chuộng các bộ bài thiết kế và trang trí công phu, nhất là những tay chơi cờ bạc. Họ chỉ ưa thích các bộ bài tiêu chuẩn vì bất kỳ sự tô vẽ, thêm thắt nào cũng sẽ khiến mánh khóe họ sử dụng ít hiệu quả hơn.
Trong gần 500 năm, mặt sau của những lá bài là màu trơn. Nhưng vào đầu thế kỷ 19, De La Rue, một nhà in ở Anh, đã giới thiệu các thiết kế in như dấu chấm, ngôi sao hay các hình đơn giản khác ở mặt sau của lá bài. Sáng kiến này khiến những tay chơi cờ bạc "mất thiêng".
Các bộ bài tiêu chuẩn thường có thêm 2 lá bài Joker, mỗi lá là hình ảnh một gã hề. Joker lần đầu tiên xuất hiện trên bộ bài in ở Mỹ năm 1867 và tới năm 1880, bộ bài Anh cũng có lá bài này. Joker là hiện thân của kẻ gian ác, lừa lọc, độc ác với những nụ cười xảo trá. Đây được cho là lý do khiến rất ít quốc gia sử dụng 2 lá bài này khi chơi bài. Vì lẽ đó, Joker có lẽ là lá bài duy nhất không có thiết kế tiêu chuẩn.
Nguồn: [Link nguồn]
Át bích không chỉ là lá bài mạnh nhất trong bộ bài Tây mà còn là lá bài được trang trí cầu kỳ nhất. Ẩn sau đó là những...