Nguồn cơn khiến Chính phủ Hà Lan sụp đổ
Chính phủ Hà Lan sụp đổ hôm 7/7 vì những khác biệt không thể hòa giải trong liên minh về cách kiểm soát di cư, một vấn đề cũng đang gây chia rẽ ở các quốc gia trên khắp châu Âu.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Ảnh: Reuters
Việc Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, thủ tướng tại vị lâu nhất ở nước này, nộp đơn từ chức sẽ khiến Hà Lan phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm nay. Thủ tướng Rutte và chính phủ của ông sẽ tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ cho đến khi một liên minh cầm quyền mới được lựa chọn.
“Không có gì bí mật về việc các đối tác liên minh có quan điểm khác nhau về chính sách di cư”, ông Rutte nói với các phóng viên ở The Hague. “Thật không may, chúng ta phải rút ra kết luận là những khác biệt đó không thể hòa giải”.
Quyết định cho thấy sự chia rẽ về ý thức hệ đã tồn tại kể từ ngày liên minh cầm quyền tuyên thệ nhậm chức cách đây 18 tháng. Liên minh gồm các đảng không ủng hộ đàn áp nghiêm ngặt đối với người di cư - đảng Dân chủ 66 (D66) và đảng Liên minh Cơ đốc giáo (CU) cùng hai đảng ủng hộ các biện pháp cứng rắn hơn - đảng Nhân dân vì Tự do và Dân chủ (VVD) và đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDA).
Các cuộc thảo luận tương tự đang diễn ra ở những quốc gia khác của châu Âu khi dòng người di cư đang bất chấp nguy hiểm để thực hiện những chuyến vượt biển từ Bắc Phi. Hàng trăm nghìn người cũng đã chạy trốn khỏi cuộc xung đột khốc liệt ở Ukraine.
Di cư được dự đoán sẽ là một chủ đề quan trọng của cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào năm tới, nhưng vấn đề này đã sớm xảy ra ở Hà Lan, một quốc gia từ lâu đã bị giằng xé giữa việc tiếp cận cộng đồng quốc tế và tăng cường chống lại các ảnh hưởng nước ngoài.
Liên minh của ông Rutte đã cố gắng trong nhiều tháng để đạt được một thỏa thuận nhằm giảm dòng người di cư mới đến đất nước gần 18 triệu dân này. Các đề xuất được cho là bao gồm việc phân loại hai nhóm tị nạn, một nhóm tị nạn tạm thời dành cho những người chạy trốn xung đột và một nhóm tị nạn vĩnh viễn dành cho những người muốn thoát khỏi cuộc sống cũ, đồng thời giảm số lượng thành viên gia đình được phép đi kèm những người xin tị nạn ở Hà Lan.
Năm ngoái, hàng trăm người xin tị nạn đã buộc phải ngủ ngoài trời gần một trung tâm tiếp nhận đang bị quá tải do số lượng người đến Hà Lan vượt quá số giường có sẵn.
Trong năm 2022, đã có hơn 21.500 người từ bên ngoài châu Âu xin tị nạn ở Hà Lan, theo văn phòng thống kê của nước này. Hàng chục nghìn người khác đã chuyển đến Hà Lan để làm việc và học tập. Con số trên gây căng thẳng cho quỹ nhà ở vốn đã thiếu hụt ở quốc gia đông dân cư.
Thủ tướng Rutte cũng thúc đẩy các nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm làm chậm quá trình di cư sang liên minh 27 quốc gia. Ông Rutte đã đến thăm Tunisia (Bắc Phi) vào tháng trước cùng với người đồng cấp Ý và Chủ tịch ủy ban điều hành của EU để cung cấp hơn 1 tỷ euro viện trợ tài chính, từ đó góp phần ngăn chặn dòng người di cư từ các bờ biển của nước này sang châu Âu.
Chính phủ liên minh của Thủ tướng Rutte, chính phủ thứ tư do ông lãnh đạo, nhậm chức vào tháng 1/2022 sau các cuộc đàm phán liên minh dài nhất trong lịch sử chính trị Hà Lan.
Cuộc bầu cử hạ viện Hà Lan vào cuối năm nay sẽ diễn ra trong bối cảnh chính trị phân cực và chia rẽ khi có tới 20 đảng trong hạ viện 150 ghế.
Thủ tướng Rutte sẽ không tranh cử nhiệm kỳ thứ năm và sẽ rời khỏi chính trường sau cuộc bầu cử vào tháng 11, ông cho biết hôm 10/7.
"Trong những ngày gần đây có rất nhiều đồn đoán về động cơ thúc đẩy tôi. Câu trả lời duy nhất là Hà Lan", ông Rutte nói trong bài phát biểu trước quốc hội. "Sáng hôm qua, tôi đã quyết định rằng tôi sẽ không còn là lãnh đạo của VVD nữa. Một khi nội các mới được thành lập sau cuộc bầu cử, tôi sẽ rời khỏi chính trường."
Nguồn: [Link nguồn]
Theo Thủ tướng Hà Lan, sự sụp đổ của nội các chính phủ xuất phát từ những "khác biệt không thể hòa giải" của liên minh cầm quyền về một vấn đề.