Người Việt tại Ukraine: Chúng tôi vẫn bình an
“Do đã từng trải qua chiến tranh nên đa số người Việt Nam tại Ukraine không quá hoảng loạn. Tại đây, chúng tôi vẫn có đầy đủ lương thực, thực phẩm, điện nước và ở yên trong nhà”, ông Nguyễn Hoàng, người Việt đang sinh sống tại thủ đô Kiev của Ukraine, chia sẻ.
Trẻ em thủ đô Kiev chơi tại hầm trú ẩn là nhà xe. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Ông Nguyễn Hoàng ở Ukraine đã hơn 30 năm. Trò chuyện với phóng viênTiền Phong qua ứng dụng Viber, ông cho biết, hôm 24/2, khi cuộc chiến Nga-Ukraine mới nổ ra, người dân xếp hàng mua thực phẩm tại các siêu thị khá đông. Tuy nhiên, đến hôm sau đã không còn cảnh chen chúc xếp hàng như vậy; các siêu thị có đầy đủ thực phẩm, cũng không có hiện tượng tăng giá hàng hóa. “Về thực phẩm, chúng tôi không quá lo lắng vì gia đình luôn dự trữ và có thể sử dụng từ một đến ba tháng. Điện nước, xăng dầu cũng được cung cấp đầy đủ. Chúng tôi được khuyến cáo không nên ngồi gần cửa sổ, nơi có nhiều cửa kính; và nên ở trong nhà tắm nếu có các đợt oanh tạc…”, ông Hoàng nói.
Kiev có khoảng 700-800 người Việt Nam sinh sống. Mùa dịch COVID-19, kiều bào đã lập nhóm “Tương trợ người Việt Ukraine” để cùng chia sẻ, thăm hỏi, động viên nhau trong suốt mùa dịch. Nay, nhóm tương trợ này tiếp tục sứ mệnh của mình. “Người Việt luôn nêu cao tinh thần tương thân tương ái dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi không chỉ hỗ trợ cho nhau, mà còn hỗ trợ cho những người ở Ukraine cần đến chúng tôi”, ông Hoàng khẳng định.
Về tình hình chiến sự, ông Hoàng cho rằng có vẻ căng thẳng hơn vì xe tăng, xe vận tải quân sự đang tiến về Kiev. Tuy nhiên, theo ông, bây giờ chiến tranh theo kiểu hiện đại, các vụ ném bom chủ yếu ở khu vực quân sự, chứ không nhắm vào dân thường. “Trải qua cuộc bất ổn hồi năm 2014, hiện chúng tôi cũng khá bình tĩnh. Trưa nay (25/2), nhiều trẻ nhỏ vẫn có thể ra trước sân vui chơi. Hy vọng cuộc xung đột chỉ diễn ra ở khu vực Donbass, phạm vi của hai nước cộng hòa tự xưng. Còn những giao tranh, bắn phá của phía Nga tại các vùng đất khác của Ukraine sẽ sớm chấm dứt và hòa bình trở lại với người dân Ukraine cùng bà con chúng tôi”, ông Hoàng nói.
Người dân thủ đô Kiev mua thực phẩm ngày 25/2. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Buồn bã chứ không hoảng loạn
Ông Ngô Hải, người có gần 40 năm định cư tại Ukraine, cho biết, gia đình ông sống ở phía Tây Ukraine nên tình hình có đỡ hơn đôi chút. “Khi nghe tiếng nổ lớn lúc 5 giờ sáng hôm 24/2, tôi mở điện thoại để nắm thông tin. Sau đó, mọi người phân công nhau, tôi xếp hàng để đổ đầy bình xăng 70 lít, còn người nhà đến siêu thị mua thuốc, thực phẩm… Đến tầm 15 giờ, hầu như mọi thứ trong siêu thị đều không còn. Thực phẩm không tăng giá nhưng giá xăng nhanh chóng “leo thang”. Người nhà tôi chỉ mua được 2 ổ bánh mì và không thể mua được giấy vệ sinh”, ông Hải nói.
Trò chuyện với phóng viên lúc 9h30 ngày 25/2, ông Hải đang ở trong nhà và cho hay, gần như mọi người đều ở yên trong nhà. Ngoài đường không một bóng người, xe cộ, ngay cả chim trên cây cũng ngừng tiếng hót… Mọi người thường xuyên cập nhật thông tin thời sự qua báo đài, Internet. Nếu có báo động thì mọi người sẽ trú ẩn tại các hầm chung cư, nhà ga gần đó. “Ba mẹ tôi đều đã ngoài 80 tuổi, đều đang ở Việt Nam liên tục liên lạc để hỏi thăm tình hình. Các cháu nội đều ở Ukraine cả nên ông bà rất lo lắng. Biết tin cả gia đình tôi đều bình an nên mọi người cũng an tâm đôi chút”, ông Hải tâm sự.
Theo ông Hải, cộng đồng người Việt tại Ukraine hiểu bản chất người Ukraine, hiểu về mối quan hệ giữa Ukraine và Nga, nên họ không bất ngờ trước tình hình hiện nay. “Ukraine là đất nước xinh đẹp. Người dân Ukraine và Nga là anh em nên khi chiến tranh xảy ra, người dân mang tâm trạng buồn bã, nặng nề, chứ không hoảng loạn bởi chiến tranh. Đại sứ quán và cộng đồng người Việt rất đoàn kết, tin tưởng vào nhau, đường dây nóng cùng những tư vấn được cập nhật kịp thời”, ông Hải nói.
Ngày 25/2, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch tiếp tục thông tin về tình hình Ukraine.
Nguồn: [Link nguồn]