Người Việt tài hoa đứng sau thiết kế Tử Cấm Thành
Tử Cấm Thành là niềm tự hào của người Trung Quốc hơn 600 năm qua nhưng ít ai biết rằng, người thiết kế, chỉ huy thi công và giám sát công trình kì vĩ này lại là một người Việt Nam, từng được một số sách ở Trung Quốc đánh giá là xuất chúng.
Tử Cấm Thành nhìn từ phía bắc đồi Cảnh Sơn.
Ngày 20.7, Trung Quốc hứng chịu đợt mưa lũ lịch sử khiến nhiều tỉnh miền bắc nước này thiệt hại nặng nề. Tỉnh Hà Bắc ghi nhận số thương vong lớn nhất khi 115 người chết và hơn 110 người mất tích.
Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc, nơi được đầu tư cơ sở hạ tầng rất tốt cũng không thể làm gì hơn trước trận "hồng thủy". Lũ lụt dâng lên ở khắp nơi và duy nhất có một địa điểm là Tử Cấm Thành, mọi thứ vẫn khô ráo và an toàn. Hệ thống thoát nước ở đây đã hơn 600 năm tuổi nhưng hoạt động hiệu quả một cách kì diệu.
Hệ thống đầu rồng phun nước khi ngập lụt hôm 20.7 vừa qua.
Tử Cấm Thành có hệ thống các bể chứa ngầm, khi nước ngập sâu thì bể chứa này phát huy tác dụng trữ nước. Khi lượng nước vượt mức, hàng trăm đầu rồng tạc bằng đá sẽ điều tiết nước và “phun châu nhả ngọc”. Ngoài ra, lối xây dựng “bắc cao nam thấp” cũng hạn chế lũ lụt rất nhiều. Trận mưa lũ vừa qua đã chứng minh tính hiệu quả của công trình này.
Tuy nhiên, có một điều khiến không ít người ngạc nhiên rằng tổng công trình sư xây dựng Tử Cấm Thành lại là một người Việt Nam với cái tên đậm chất Việt: Nguyễn An. Ông được xem là người đứng sau thiết kế Tử Cấm Thành (hiện nay gọi là Cố Cung) vĩ đại của Trung Quốc.
Bể chứa giúp điều tiết khi mưa xuống.
Nguyễn An (sinh năm 1381- mất năm 1453) thường được gọi là A Lưu khi sống ở Trung Quốc. Ông sinh ra và lớn lên ở Hà Đông, ngoại thành Hà Nội. Thời vua Trần Thuận Tông (khoảng năm 1397), ở tuổi 16, Nguyễn An đã tham gia xây dựng cung điện ở kinh thành Thăng Long.
Sau khi tướng nhà Minh tràn sang Việt Nam và bắt bớ người tài, Nguyễn An mới 16 tuổi đã bị đày sang Trung Quốc. Tại đây, ông buộc phải tịnh thân để phục vụ trong triều vua nhà Minh.
Cung Càn Thanh.
Chu Đệ là con trai thứ tư của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, người khai quốc triều Minh. Dù tài năng, đa mưu xuất chúng nhưng ông không được phong vua mà chỉ làm Yên vương đóng ở Bắc Bình. Sau khi khởi nghĩa, cướp ngôi của người cháu là Huệ Đế, ông dời đô từ Nam Kinh về Bắc Bình rồi đổi tên thành Bắc Kinh ngày nay. Tại đây, Tử Cấm Thành đã được Chu Đệ cho xây dựng.
Điện Thái Hòa.
Nhằm xây dựng công trình kì vĩ này, Chu Đệ không tin tưởng bất kì ai mà chỉ trọng thái giám. Nguyễn An được tin tưởng giao vị trí của một “tổng đốc công”, tương đương tổng công trình sư hiện nay. Cùng với Sái Tín, Trần Khuê, Ngô Trung, Khoái Tường, Lục Tường, Nguyễn An đã thiết kế và cho thi công Tử Cấm Thành - kiệt tác của nhân loại.
Tử Cấm Thành được xây dựng trong 14 năm từ 1406. Nguyễn An trực tiếp vẽ bản thiết kế, tuyển nhân lực, chỉ đạo thi công và kiêm luôn giám sát hiện trường. Vai trò đa năng của ông cho thấy khả năng vượt trội của một người Việt có vóc dáng nhỏ bé.
Trần nhà trong Tử Cấm Thành.
Sách “Kinh thành ký thắng” của Dương Sĩ Kỳ viết: “Nguyễn An tự tay vạch kiểu, thành hình là lập được thế, mắt ngắm là nghĩ ra cách làm, tất cả đều đúng với quy chế. Bộ công và các thợ thuyền đành chịu khoanh tay, bái phục, nghe ông chỉ bảo, sai khiến, thật là người đại tài, xuất chúng”.
Trải qua 5 đời vua triều Minh, Nguyễn An vẫn được trọng dụng trong việc tu bổ Tử Cấm Thành. Công lao của Nguyễn An được ghi nhận trực tiếp trong sử sách Trung Quốc như “Anh Tông chính thống thực lục”, “Hoàng Minh thông kỷ”, “Kinh kỳ ký thắng” và “Thủy Động nhật ký”,
Một góc Tử Cấm Thành.
Theo Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Tử Cấm Thành có hai điểm khác biệt hoàn toàn so với cố đô Nam Kinh và các kinh thành xưa của Trung Quốc. Đầu tiên, Tử Cấm Thành là hình chữ nhật trong khi các cố đô là hình vuông. Thứ hai, Tử Cấm Thành có 3 lớp bảo vệ chắc chắn (tam trùng thành quách) trong khi những nơi khác chỉ một hoặc hai lớp. Giáo sư Thêm đánh giá đây là sự thay đổi do chịu ảnh hưởng tư duy kiến trúc Việt, điển hình là thành Cổ Loa.
Ngoài Tử Cấm Thành, Nguyễn An còn đích thân trị thủy ở những khu vực xung yếu nhất của dòng Hoàng Hà. Ông chỉ đạo bồi đắp con sông Tắc Dương ở thôn Dịch, nạo vét sông Trạch Chư ở thôn Dương. Nguyễn An cũng chỉ đạo đào đắp các công trình thủy lợi rất lớn.
Tượng trang trí bằng đồng trong Tử Cấm Thành.
Năm 1453, ông được vua Cảnh Đế sai tới sông Trương Thu ở tỉnh Sơn Đông hộ đê. Trên đường tới đó ông mất dọc đường do lâm bệnh nặng. Trước lúc mất, ông trăn trối không xây lăng mộ mà dùng toàn bộ của cải sung công và phát chẩn cho người dân bị lụt ở Sơn Đông. Đây là nơi cuối cùng Nguyễn An tới nhưng không hoàn thành được ý nguyện trị thủy.
Bên trong chính điện.
Tử Cấm Thành ngày nay là một di sản thế giới do UNESCO công nhận năm 1987. Công trình này rộng hơn 250.000 m2 với 9.999 phòng. Ước tính số người tham gia xây dựng Tử Cấm Thành trong 14 năm lên tới con số một triệu.