Người Trung Quốc trong “cơn khát” gỗ, xóa sổ những cánh rừng ở Nga
Người Trung Quốc đang tạo ra làn sóng đến khu vực Siberia, Nga, để khai thác gỗ tràn lan, tạo ra những tác động tiêu cực và gây bất mãn đối với người bản địa.
Hoạt động khai thác, chế biến gỗ ở thị trấn Kansk, Nga.
Trong suốt những ngày hè tại Siberia, các xe tải chở gỗ ầm ầm di chuyển ra khỏi khu rừng bạt ngàn cây thông, cây bạch dương, bao quanh là những nhà máy gỗ do người Trung Quốc vận hành.
“Mọi thứ ở đây đều của người Trung Quốc”, Wang Yiren, một quản lý kho gỗ nói, chỉ vào một vài trong số hàng trăm nhà máy gỗ mọc lên dọc tuyến đường sắt xuyên Siberia trong những năm qua.
“Cơn khát” gỗ của người Trung Quốc đã mang lại việc làm và tiền bạc cho người dân sống ở khu vực này, những cũng khiến Nga trở thành nước dẫn đầu thế giới về tình trạng phá rừng, dấy lên lo ngại rằng những khu vực khai thác gỗ Siberia rốt cuộc sẽ bị bỏ hoang.
Không chỉ dừng lại ở đó, tất cả dây chuyền tạo ra sản phẩm gỗ tiêu dùng đều được thực hiện ở Trung Quốc. Điều này tạo ra lỗ hổng trong vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ở Nga, trong khi Trung Quốc đã siết chặt việc khai thác gỗ.
Rừng cây tự nhiên ở Siberia đang trở thành mục tiêu khai thác của người Trung Quốc.
Xuất khẩu gỗ từ Nga sang Trung Quốc tăng lên 3,5 tỷ USD vào năm 2018, so với mức 2,2 tỷ USD hồi năm 2013. Sau quá trình chế tác, Trung Quốc xuất khẩu các các sản phẩm làm từ gỗ của Nga đi khắp nơi trên khắp thế giới.
“Cơn khát” gỗ của người Trung Quốc còn gây ra sự phẫn nộ của người dân địa phương. Nhiều người lo ngại về nguy cơ hủy hoại môi trường do hoạt động khai thác gỗ không kiểm soát ở Siberia. Tác động về khí hậu thậm chí còn khó đo lường hơn. Năm ngoái, Nga mất 6,5 triệu hecta rừng, so với 3,6 triệu hecta rừng bị mất tại Amazon.
Irina Avdoshkevich, một thành viên hội đồng thành phố Kansk ở vùng Siberia, nói nơi này chỉ có 100.000 người sinh sống nhưng lại mọc lên tới 100 nhà máy gỗ thuộc sở hữu của người Trung Quốc. Irina là người đi đầu phản đối hoạt động khai thác gỗ của Trung Quốc ở khu vực.
Dường như mọi con đường tại thành phố này đều dẫn tới những xưởng gỗ, những đống mùn cưa và gỗ khổng lồ, theo New York Times.
Irina Avdoshkevich, thành viên hội đồng địa phương, bày tỏ sự lo ngại với những gì đang diễn ra.
Trung Quốc đầu tư vào các nhà máy gỗ để cưa các cây gỗ thô thành các tấm gỗ xẻ. Đó chỉ là bề nổi của ngành công nghiệp gỗ. Để tối ưu hóa lợi nhuận, các nhà máy Trung Quốc còn xử lý gỗ vụn và mùn cưa thành các ván ép, vật liệu cách nhiệt và các sản phẩm khác.
Wang, một người Trung Quốc nói tiếng Nga trôi chảy, dự đoán hoạt động khai thác vẫn còn thuận lợi trong 5 năm tới. “Sau đó, chính quyền Nga có thể sẽ bắt đầu cấm khai thác gỗ”.
Irina nói: “Chúng tôi biết là khu vực này sẵn sàng đón chào sự đầu tư. Nhưng nếu quyết định đầu tư vào đây thì nên ngang bằng nhau. Họ nhận được thứ gì đó và chúng tôi cũng vậy”.
Theo Irina, người Trung Quốc chỉ tập trung đưa càng nhiều gỗ về nước nhất có thể, còn lại không đầu tư vào hoạt động sản xuất cũng như quan tâm tới thiệt hại về môi trường.
Hoạt động khai thác gỗ tiềm ẩn nguy cơ gây cháy.
Cư dân ở Kansk tỏ ra thất vọng vì nhà đầu tư Trung Quốc không hồi sinh nhà máy xử lý sinh hóa có từ thời Liên Xô. Nhà máy này tạo ra ethanol từ vụn gỗ, có thể dùng để uống. “Nó hoàn toàn là cồn, không có vị gì cả. Chỉ cần cho một ít chanh vào, thế là vui”, người dân Nga tên Sergey Solovyov nói. “Cả thị trấn uống loại rượu này, cho đến khi nhà máy đóng cửa. Thật là nuối tiếc”.
Dưới sự quản lý của người Trung Quốc, vụn gỗ không được xử lý mà cứ chất đống. Năm 2017, lửa cháy lan ra khắp khu vực dân cư, thiêu rụi 50 ngôi nhà và càng tạo nên làn sóng phản đối đầu tư từ Trung Quốc.
Eduard Maltsev, cư dân địa phương, chủ nhà máy gỗ Trung Quốc từng trả anh ta 230 USD/tháng, một khoản thu nhập tương đối ổn ở đây. Nhưng sau vụ cháy năm 2017 khiến nhà của Maltsev bị thiêu rụi, ông chủ Trung Quốc đã bỏ trốn và Maltsev không được bồi thường. Người đàn ông này hiện làm tài xế xe buýt.
“Điều tích cực là họ đem đến việc làm”, Matlsev nói với New York Times. Nhưng đó chỉ là những lợi ích tạm thời, trong khi thống trị của Trung Quốc trong ngành công nghiệp khai thác gỗ tại Siberia tạo ra nhiều mối lo ngại.
Nhu cầu khai thác gỗ khổng lồ của Trung Quốc có thể khiến cả một quốc gia ở phía nam Thái Bình Dương không còn rừng.