Người Trung Quốc ở Mỹ gặp khó vì đại dịch Covid-19
Chỉ còn một tháng nữa để Sun Ling, công dân Trung Quốc sống tại Mỹ, có thể tìm một công ty mới. Nếu không, Sun sẽ phải rời khỏi nước Mỹ, nơi mà cô vẫn muốn khám phá nhiều hơn, vì thị thực của cô sắp hết hạn.
Sun là một kỹ sư phần mềm cao cấp ở văn phòng Google tại thành phố New York (Mỹ) kể từ năm 2018 khi cô sở hữu visa F1 (thị thực sinh viên) và visa OPT (thị thực thực tập không bắt buộc).
Tuy nhiên, hồi đầu tháng 3, Sun phải lên máy bay về Trung Quốc để gặp mặt bố cô, người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối và tiên lượng nặng. Vì tình hình dịch Covid-19 thời điểm đó diễn biến phức tạp, Sun mất 42 tiếng mới có thể trở về quê nhà ở thành phố Lâu Để, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
Bố Sun qua đời 3 ngày sau khi cô về nhà. Hôm 9/4, công ty của Sun ở Mỹ gọi điện báo rằng cô chỉ còn khoảng 3 tuần để đưa ra quyết định trở lại Mỹ hay ở lại Trung Quốc, thay vì 84 ngày như dự tính ban đầu. Cô gái Trung Quốc rơi vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan".
Cuộc chiến cuối cùng
Ở lại Trung Quốc tìm một công việc mới có vẻ là một lựa chọn tốt cho Sun nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, cô gái Trung Quốc quyết định đi Mỹ vì không muốn bỏ phí mọi thứ cô đã xây dựng tại đây.
"Tôi cảm thấy cuộc sống và công việc của mình ở Mỹ lúc đó vẫn chưa phải là cái kết viên mãn nhất", Sun chia sẻ.
Dù đã cấm các máy bay chở khách Trung Quốc, Mỹ vẫn chấp nhận hành khách tới từ một số quốc gia nếu các hành khách này vượt qua quá trình cách ly 14 ngày trước khi lên máy bay. Vì vậy, Sun lên máy bay di chuyển tới Campuchia và tuân thủ 14 ngày cách ly và sau đó lên máy bay tới Mỹ.
Tuy nhiên, việc quay trở lại Mỹ mới chỉ là khởi đầu của những thách thức mà Sun phải đối mặt. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các chính sách ở Mỹ đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới công việc toàn cầu.
Ngày 22/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ tạm thời đình chỉ visa lao động mới. Điều này khiến hàng trăm nghìn người nước ngoài mất cơ hội tìm kiếm việc làm tại Mỹ.
"Năm 2020 quả thực là một năm khó khăn! Nhưng hãy quyết tâm", Sun viết trên Linkedln.
Với Sun, vấn đề lớn nhất không phải là tìm việc làm mà là tìm một công ty có thể giải quyết vấn đề visa của cô. Hiện tại, visa OPT của Sun là một bất lợi lớn với cô trong các buổi phỏng vấn xin việc vì thời gian hết hạn sắp tới (29/9).
"Dường như nhiều công ty ưu tiên cho người địa phương hoặc lao động nước ngoài có thẻ xanh. Họ không hỗ trợ những người nước ngoài có visa OPT. Đó là suy đoán của tôi vì một lần tôi tham gia phỏng vấn qua điện thoại nhưng khi công ty đó biết tôi dùng visa F1 và visa OPT họ không tiếp tục phỏng vấn nữa", cô gái Trung Quốc chia sẻ.
Năm thực sự khó khăn
Nhiều người Trung Quốc ở Mỹ gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa: Tân Hoa xã
So với Trung Quốc, tình hình việc làm cho lao động nước ngoài như Sun ở Mỹ ảm đạm hơn nhiều vì đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến nhiều ngành công nghiệp của Washington.
Theo dữ liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố, tổng số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 4/7 là 31,8 triệu người.
Zheng Fanqi, công dân Trung Quốc 27 tuổi làm việc tại Mỹ, đã bị công ty công nghệ thông tin sa thải vì nghỉ quá nhiều ngày. Zheng về Trung Quốc hồi tháng 1/2020 để đoàn tụ với gia đình trong dịp Tết cổ truyền. Thời điểm đó, thanh niên 27 tuổi không thể ngờ dịch Covid-19 và các chính sách cấm bay của Mỹ, lại khiến anh không thể trở lại công ty.
"Một số người mà tôi biết cũng bị sa thải vì các công ty phải chịu áp lực tài chính lớn do dịch Covid-19 gây ra. Điều này thể hiện rõ nhất ở các công ty vừa và nhỏ", Zheng chia sẻ. Hiện tại, thanh niên 27 tuổi quyết định tìm việc tại quê nhà.
Đại dịch Covid-19 không chỉ ngăn người Trung Quốc tới Mỹ làm việc mà còn khiến nhiều người Trung Quốc phải rời bỏ nơi đây vì lo sợ cho tính mạng của họ.
Ma Wenshu, nghiên cứu sinh của Đại học Missouri và là người tìm được việc ngay sau khi tốt nghiệp tại Mỹ, chia sẻ với Thời báo Hoàn cầu rằng cô phải bỏ việc và trở về Trung Quốc vì lo ngại cho sức khỏe trước diễn biến dịch bệnh phức tạp tại Mỹ.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte kêu gọi người dân Philippines "chấp nhận" các biện pháp hạn chế chống dịch Covid-19...
Nguồn: [Link nguồn]