Người suýt lấy mạng Thành Cát Tư Hãn trở thành tướng Mông Cổ kiệt xuất nhất
Ít người biết rằng Triết Biệt từng là kẻ thù của Thành Cát Tư Hãn và sau này trở thành một trong những danh tướng kiệt xuất được Thành Cát Tư Hãn tin cậy nhất.
Phác họa hình ảnh Triết Biệt.
Theo Ancient Origins, Triết Biệt tên thật là Zurgudai, sinh vào thế kỷ 12. Ông thuộc bộ lạc Tần Diệc Xích Ngột (Taijut). Năm 1201, Triết Biệt tham gia vào cuộc chiến giữa bộ lạc với đại quân của Thành Cát Tư Hãn.
Người suýt lấy mạng Thành Cát Tư Hãn
Theo câu chuyện còn được lưu truyền đến ngày nay, Triết Biệt là người đã bắn tên trúng ngựa chiến, khiến Thành Cát Tư Hãn suýt mất mạng. Thành Cát Tư Hãn cuối cùng vẫn chiến thắng, bắt được vô số tù binh.
Thành Cát Tư Hãn đã hỏi tất cả các tù binh rằng ai là người bắn tên và Triết Biệt là người dũng cảm đứng lên nhận, nói rằng mình không sợ cái chết. Ấn tượng trước ý chí của kẻ thù, Thành Cát Tư Hãn đã chiêu mộ Triết Biệt vào đội quân của mình.
Thành Cát Tư Hãn lấy tên Triết Biệt đặt cho người đàn ông này, với ý nghĩa là “mũi tên” trong tiếng Mông Cổ, để ghi nhớ sự kiện mình bị đối phương bắn tên suýt chết.
Triết Biệt lập hết công trạng này đến công trạng khác trong hàng ngũ quân đội Mông Cổ và thể hiện sự trung thành với Thành Cát Tư Hãn. Với tài năng của mình, Triết Biệt trở thành dũng tướng trong hàng ngũ quân Mông Cổ.
Thành Cát Tư Hãn từng suýt bỏ mạng vì mũi tên của Triết Biệt. Ảnh minh họa.
Theo sử sách chép lại, những người ganh ghét phao tin rằng Triết Biệt muốn làm phản. Để thể hiện sự trung thành, ông ngay lập tức trở về diện kiến Thành Cát Tư Hãn với món quà là 100 con ngựa trắng. Thành Cát Tư hãn kể từ đó hoàn toàn tin tưởng Triết Biệt.
Danh tướng kiệt xuất
Năm 1204, Thành Cát Tư Hãn đánh bại người Naiman, một trong những bộ lạc Mông Cổ hùng mạnh lúc bấy giờ. Nhận ra các thủ lĩnh của bộ lạc đối địch đã bỏ chạy về phía tây, có thể thành lập liên minh mới đe dọa mình, Thành Cát Tư Hãn quyết tâm truy kích đến cùng.
Triết Biệt là một trong những vị tướng được giao nhiệm vụ truy đuổi, nhưng không bắt được thủ lĩnh của bộ lạc đối phương. năm 1211, Triết Biệt được gọi về để tham gia chiến dịch chống nhà Kim cùng Thành Cát Tư Hãn.
Trong chiến dịch này, quân Mông Cổ chia làm hai cánh. Cánh phải do Thành Cát Tư hãn chỉ huy, cánh trái do Triết Biệt và Tốc Bất Đài thống lĩnh. Quân Mông Cổ giành được hết chiến thắng này đến chiến thắng khác, tiến vào Trung Đô, kinh đô của nhà Kim (nay thuộc Bắc Kinh).
Trong trận đánh ở Liêu Dương, Triết Biệt giả vờ thua trận bỏ chạy để kéo giãn lực lượng đối phương. Trên đường rút lui, quân Mông Cổ vứt bỏ nhiều vàng bạc, chiến lợi phẩm để nghi binh. Chỉ trong vòng 1 ngày, Triết Biệt đã thần tốc hành quân trở lại Liêu Dương đánh tan quân Kim, chiếm thành trì chiến lược. Nhà Kim dù thua trận tan tác nhưng vẫn còn trụ lại đến năm 1234 mới bị diệt vong hoàn toàn.
Năm 1218, Triết Biệt nhận lệnh thân chinh về phía tây, truy kích Khuất Xuất Luật, thủ lĩnh bộ lạc Naiman. 30.000 quân của Khuất Xuất Luật ở Tây Liêu tan vỡ, thủ lĩnh phải trốn chui lủi sâu bên trong những ngọn núi.
Trận chiến cuối cùng
Quân Mông Cổ nổi tiếng bởi kỵ binh hạng nhẹ chuyên dùng cung tên.
Triết Biệt cũng tham gia chỉ huy 20 vạn quân quân Mông Cổ xâm lược đế chế Khwarazmian. Kinh đô của đế chế này là Urgench bị chiếm năm 1221. Vua Muhammad II bị Triết Biệt và Tốc Bất Đài không ngừng truy kích, phải chạy trốn sang Iran.
Triết Biệt và Tốc Bất Đài sau đó được giao nhiệm vụ mở rộng lãnh thổ Mông Cổ về phương bắc, hướng đến vương quốc Kievan Rus (nước Nga, Ukraine và Belarus ngày nay).
Quân Mông Cổ ban đầu đánh chiếm các vùng đất dọc theo biển Caspian, tiến vào lãnh thổ vương quốc Kievan Rus. Người Nga và các đồng minh chặn đánh quân Mông Cổ ở khu vực sông Dnieper. Triết Biệt giả vờ tháo lui, khiến kẻ thù truy đuổi theo suốt 9 ngày.
Đến sông Kalka, Triết Biệt bất ngờ đưa quân quay lại đánh thẳng vào quân Nga. Trong trận chiến quyết định bên bờ sông Kalka vào năm 1223, người Nga hứng chịu thất bại nặng nề.
Chiến thắng này mở đường để quân Mông Cổ sau này đánh vào Moscow, chiếm trọn nước Nga và vươn tầm ảnh hưởng khắp Đông Âu.
Sau quãng thời gian dài chinh phạt vùng đông bắc, Triết Biệt lên đường trở về Mông Cổ và qua đời trên đường đi. Sử sách chép rằng ông bị sốt cao, không rõ bệnh gì nhưng không kịp quay về quê hương.
Đế chế Mông Cổ dưới thời Thành Cát Tư Hãn từng khiến cả thế giới kinh sợ, và vùng đất lạnh giá của người Nga...