Người nước ngoài tại tâm dịch Vũ Hán chia sẻ về những tháng ngày đặc biệt

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Giữa tâm dịch Vũ Hán ở Trung Quốc vẫn còn có những người nước ngoài lưu lại và cùng với những người bản địa trải qua một trong những ngày tháng đáng nhớ nhất trong cuộc đời.

Hina Kalami (áo đen bên trái) hỗ trợ các nhân viên y tế trên một con đường tại Vũ Hán. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu

Hina Kalami (áo đen bên trái) hỗ trợ các nhân viên y tế trên một con đường tại Vũ Hán. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu

Kể từ khi dịch bệnh viêm phổi do chủng virus corona mới (Covid-19) bùng phát, số ca mắc bệnh tại Vũ hán không ngừng tăng lên trong thành phố.

Đối với hàng chục triệu cư dân ở thành phố này, đây là một cuộc chiến khó khăn nhưng bắt buộc phải giành chiến thắng. Giữa tâm dịch Vũ Hán. vẫn còn có những người nước ngoài lưu lại ở đó cùng với những người bản địa trải qua một trong những ngày tháng đáng nhớ nhất trong cuộc đời, theo Thời báo Hoàn Cầu.

Giáo sư người Đức: Tình hình thật nghiệt ngã nhưng tôi thấy hy vọng

Hình ảnh đời thường của giáo sư Timothy Bartz. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu

Hình ảnh đời thường của giáo sư Timothy Bartz. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu

Vào ngày 13/2, do thay đổi cách tính về ca nhiễm Covid-19 của giới chức Trung Quốc, số ca mắc bệnh tại Vũ Hán tăng vọt thêm gần 15.000 người. Điều này khiến không chỉ người Trung Quốc mà dư luận khắp nơi trên thế giới đều cảm thấy bàng hoàng và tồi tệ. Giáo sư người Đức Timothy Bartz cũng không ngoại lệ.

Timothy Bartz nói với phóng viên rằng ông đã nghe về thông tin trên và thậm chí còn biết nhiều bệnh nhân phải tự cách ly tại nhà. "Từ một góc độ khác, so với những số liệu thấp hơn trước đây, dữ liệu thống kê mới này tuy gây sốc nhưng lại yên tâm hơn và thực tế hơn. Điều đó có nghĩa là ngày càng có nhiều người được tiếp nhận chẩn đoán và điều trị, nó khiến cho nhiều người có thể thấy được hy vọng".

Giáo sư người Đức Timothy Bartz, 45 tuổi, là một chuyên gia tại Phòng thí nghiệm trọng điểm của Đại học Vũ Hán. Ông Bartz làm việc, kết hôn và có con tại Vũ Hán, cả gia đình ông đã sống ở nơi này được 12 năm. Giáo sư Bartz chia sẻ rằng ông đã chọn ở lại mặc dù có cơ hội rời khỏi tâm dịch.

Cũng giống như bao người bình thường khác, khi dịch bệnh bùng phát, ông Bartz rất lo lắng và sợ hãi. Ông thậm chí còn bị trầm cảm một thời gian ngắn và tưởng rằng mình đã bị nhiễm virus.

Giáo sư Bartz cho biết ông không phản đối và có thể hiểu được quyết định phong tỏa thành phố Vũ Hán: "Phong tỏa một thành phố lớn với dân số hơn 10 triệu người chắc chắn là một động thái táo bạo. Nỗ lực chưa từng có này cần được mọi người ghi nhận và tôn trọng... Ưu tiên của chúng tôi là hợp tác để giải quyết khủng hoảng".

Giáo sư Bartz chia sẻ, gia đình ông mua nhu yếu phẩm hàng ngày thông qua những ứng dụng online hay tại các dịch vụ cộng đồng và hậu cần của địa phương. Mặc dù tốc độ gửi hàng không còn tốt như trước, nhưng trong tình hình khắc nghiệt hiện nay, một số người vẫn mạo hiểm gửi đồ cho cho người khác để giúp họ bảo đảm cuộc sống hàng ngày, khiến ông và gia đình cảm thấy rất ấm áp và cảm động.

Chàng thanh niên người Iran: Tôi đã khóc vào lúc đó

Hơn chục ngày trước, Hina Kalami, 29 tuổi, người Iran phải đối mặt với lựa chọn có lẽ là khó khăn nhất trong cuộc đời anh: rời Vũ Hán hay ở lại?

Sau khi Vũ Hán tuyên bố đóng cửa thành phố vào ngày 23/1, nhiều quốc gia đã quyết định giúp những công dân rời khỏi thành phố này, và Đại sứ quán Iran tại Trung Quốc cũng không ngoại lệ.

"Đó có lẽ là ngày 25. Nhân viên của Đại sứ quán Iran gọi cho tôi và hỏi tôi có muốn rời đi không. Nếu có, họ sẽ điều phối một chuyến bay để đón tất cả công dân Iran ở Vũ Hán", Kalami nhớ lại.

"Tôi đã suy nghĩ rất lâu. Lúc đó tôi rất sợ. Tôi biết rằng những người nước ngoài như người Mỹ hay người Anh đang di tản. Thế nhưng tôi chợt nghĩ: Tất cả chúng ta đều đi rồi, còn người bản địa, bạn bè của chúng ta nơi đây họ có thể đi đâu? Họ chỉ có thể ở đây và chiến đấu với virus. Ngay lúc đó, tôi quyết định ở lại", Kalami nói.

"Tôi đến Vũ Hán hai năm trước. Tôi ở đây một mình và đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiều của bạn bè và đồng nghiệp người Trung Quốc. Vì vậy tôi muốn ở lại và làm một cái gì đó cho thành phố này." chàng trai 29 tuổi người Iran tâm sự.

Kalami làm việc trong một quán cà phê ở Vũ Hán. Sau khi dịch bệnh bùng phát, quán cà phê buộc phải ngừng hoạt động kinh doanh, Kalami và những người đồng nghiệp của anh bắt đầu nghĩ về những gì họ có thể làm cho Vũ Hán trong thời điểm này, dù chỉ là một chút. Cuối cùng, họ đã đưa ra quyết định pha chế và tặng cà phê miễn phí cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu đang bận rộn và kiệt sức chống lại dịch bệnh.

Vì vậy, từ 9-12h giờ sáng và từ 3-6h chiều, Kalami đeo mặt nạ và găng tay, pha cà phê tại cửa hàng và giao đến bệnh viện. "Nhân viên y tế là những anh hùng thực sự. Chúng tôi chỉ muốn cho họ biết rằng vẫn còn rất nhiều người đồng hành với họ ở đằng sau", anh nói.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Kalami và những người bạn đồng hành đã giao hơn 8.000 tách cà phê miễn phí cho nhân viên y tế Vũ Hán. Ngoại trừ việc giao cà phê, Calami không đi ra ngoài nhiều và chỉ đến siêu thị để mua nhu yếu phẩm mỗi tuần một lần.

Kalami chia sẻ rằng không có gì thiếu thốn trong cuộc sống ở thời điểm này nhưng anh có chút cảm thấy cô đơn và thường phải ăn uống một mình.

"Bây giờ tôi không sợ hãi như những ngày đầu tiên, nhưng đôi khi tôi nhìn thấy không có ai ngoài cửa sổ, thật buồn khi thấy sự vắng lặng ở mọi nơi".

Bác sĩ người Pháp: Tôi cảm thấy có ích hơn khi ở lại đây

Bác sĩ người Pháp Philip Klein. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu

Bác sĩ người Pháp Philip Klein. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu

Bác sĩ đa khoa người Pháp Philip Klein đã làm việc và sinh sống tại Vũ Hán hơn 6 năm. Ông hiện là bác sĩ tại Khoa ngoại trú quốc tế của Bệnh viện Đại học Y Liên minh Vũ Hán và là người đứng đầu tổ chức SOS quốc tế tại Vũ Hán. Công việc chính của ông là cung cấp dịch vụ y tế cho người nước ngoài làm việc và sinh sống tại Vũ Hán.

Vợ và các con đã rời Vũ Hán còn Philip thì không. Ông nhấn mạnh rằng đây không phải là "lý tưởng anh hùng" mà là sự dũng cảm, là một lựa chọn được cân nhắc kỹ lưỡng. "Tôi cảm thấy có ích hơn khi ở lại Vũ Hán", Philip giải thích với phóng viên. "Tôi có công việc của mình và tôi phải gắn bó với nó. Đây là vai trò lớn nhất tôi có thể đóng góp vào lúc này", ông khẳng định

Đối với Philip, đến Vũ Hán là lựa chọn của riêng ông, và người dân nơi đây đã chấp nhận ông với sự tôn trọng. "Tôi chia sẻ sinh mệnh của mình với người dân và với Vũ Hán. Ở lại đây là cách tốt nhất để tôi có thể tiếp tục hỗ trợ họ", Philip cho biết gia đình rất ủng hộ quyết định của ông và tự hào về điều đó.

Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, khoa ngoại trú quốc tế của Philip đã đóng cửa sau lệnh phong tỏa thành phố, nhưng hằng ngày ông vẫn đến nhà của những bệnh nhân ngoại quốc lưu lại Vũ Hán như ông để gặp và khích lệ họ. Khi giao thông công cộng bị dừng hoạt động, bác sĩ Philip sẽ sử dụng xe đạp.

Khi vợ con không ở bên và Vũ Hán ở trong tình trạng gần như khép kín, Philip thừa nhận rằng có cảm thấy buồn và cô đơn trong những ngày như vậy. Nhưng điều khiến ông lo lắng hơn cả là người dân bên ngoài đang bị dịch bệnh hoành hành.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh hiện nay, Philip cho biết hiện tại, vẫn có chưa nhiều thông tin chủng virus corona mới và tình hình đang thực sự nghiêm trọng. Nhân viên y tế tuyến đầu và tất cả người dân Vũ Hán vẫn cần nỗ lực rất nhiều để có thể tìm thấy bước ngoặt. Trong những trường hợp như vậy, kiểm dịch vẫn là cách đơn giản và hiệu quả nhất để kiểm soát sự lây lan của virus.

Là một bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm, Philip tin rằng càng khó, bạn càng phải kiểm soát cảm xúc của mình và tìm cách giải quyết khủng hoảng càng sớm càng tốt. Ông hy vọng rằng mọi người sẽ vẫn giữ được sự tự tin và kiên nhẫn.

Nguồn: [Link nguồn]

Một phần ba dân châu Âu từng bị một loại vi khuẩn xóa sổ như thế nào?

Người dân đi qua các con đường phải dùng nước hoa để át đi mùi tử thi xuất hiện khắp nơi. Bệnh dịch giết những người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoa Vũ (Theo Thời báo Hoàn Cầu) ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN