Người Mông Cổ khiến hoàng đế Trung Hoa 5 lần bắc phạt, chết trên đường về như thế nào?
Người Mông Cổ sau khi lui về thảo nguyên phương bắc vẫn không ngừng quấy nhiễu Trung Hoa, khiến hoàng đế nhà Minh phải 5 lần dẫn quân bắc phạt, hao tổn thời gian và sức lực.
Người Mông Cổ dù bị đánh bật khỏi Trung Nguyên, chưa bao giờ chấm dứt là mối đe dọa với Trung Hoa.
Vào giữa thế kỷ 14, Chu Nguyên Chương lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân, đánh đuổi người Mông Cổ khỏi Trung Nguyên. Trung Hoa bước vào giai đoạn vươn ảnh hưởng ra khắp thế giới. Ít người biết rằng người Mông Cổ khi đó chưa hoàn toàn chịu khuất phục, thường xuyên đe dọa bờ cõi nhà Minh, thậm chí từng có thời điểm đánh đến kinh đô Bắc Kinh. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhà minh dần suy yếu, cuối cùng để người Mãn làm chủ Trung Nguyên. Loạt bài này sẽ điểm lại những cột mốc chính trong mối quan hệ Trung Hoa-Mông Cổ đầy duyên nợ dưới thời nhà Minh. |
Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương là người quét sạch quân Mông Cổ, chấm dứt sự cai trị của người Mông Cổ ở Trung Nguyên vào năm 1368. Do bị quân Minh truy kích quyết liệt, Nguyên Huệ Tông phải rút quân về sâu trong Nội Mông. Năm 1370, Nguyên Huệ Tông lâm bệnh rồi qua đời, thọ 50 tuổi.
Nhiều bộ lạc Mông Cổ đầu hàng nhà Minh, chung sống hòa bình ở vùng lãnh thổ giáp biên giới. Tuy vậy, hai thế lực ở thảo nguyên Mông Cổ lúc bấy giờ là người Oirat (Tây Mông Cổ) và nhà hậu Nguyên (Đông Mông Cổ) có tư tưởng thù địch với nhà Minh.
10 vạn quân Minh bị người Mông Cổ đánh tan
Minh Thành Tổ Chu Đệ, sau khi cướp ngôi người cháu, trở thành hoàng đế năm 1402, tiếp tục chính sách buộc người Mông Cổ hàng năm phải triều cống.
Mối quan hệ Mông Cổ - nhà Minh kể từ đây xảy ra nhiều biến cố. Năm 1408, Khả Hãn Mông Cổ Bunyashiri, người kế tục nhà hậu Nguyên lên nắm quyền. Khả Hãn là tước hiệu của thủ lĩnh quyền lực nhất đối với người Mông Cổ.
Bunyashiri thực chất chỉ là bù nhìn, thừa tướng Arughtai can thiệp vào hầu các quyết sách. Arughtai chủ trương chinh phạt người Mông Cổ Oirat ở phía tây, trong khi quyết không triều cống nhà Minh.
Năm 1409, Arughtai ra lệnh xử tử sứ giả nhà Minh. Ngược lại, người Oirat lại chấp nhận cống nạp cho nhà Minh để đổi lấy bình yên.
Minh Thành Tổ tận dụng sự chia rẽ của người Mông Cổ để làm suy yếu sức mạnh kẻ thù, ngăn không cho phe Đông Mông Cổ có cơ hội khôi phục nhà Nguyên.
Hình tượng Minh Thành Tổ Chu Đệ trong phim truyền hình Trung Quốc.
Kết quả là phe Đông Mông cổ có một trận huyết chiến với người Oirat vào năm 1409 và kết thúc trong thất bại.
Minh Thành Tổ cảm thấy thời cơ chinh phạt Đông Mông Cổ đã đến, huy động 10 vạn quân, gồm khoảng 1.000 kỵ binh, giao cho dũng tướng Qin Fu chỉ huy.
Cuốn sách “Nhà Minh và lịch sử vùng Trung Á” của tác giả Rossabi đã mô tả chi tiết chiến dịch bắc phạt đầu tiên này.
Do quá khinh thường đối phương, Qin Fu bị lừa đến cái bẫy chết người mà không hay biết. Trước khi đến sông Kerulen (giáp biên giới Mông Cổ-Trung Quốc), quân Minh bắt được một số lính Mông Cổ.
Những tên này loan tin rằng quân Mông nghe tin đại quân Minh sắp đến đã hết sức hoảng sợ, tháo chạy trong hỗn loạn. Dựa vào nguồn tin này, Qin Fu dẫn quân tiến sâu vào vùng Nội Mông, không ngờ bị quân Mông Cổ do Arughtai chỉ huy đánh thọc sườn.
Tướng Qin Fu và nhiều tư lệnh dày dạn trận mạc của quân Minh tử vong. 10 vạn quân bị tiêu diệt hoàn toàn.
5 lần Minh Thành Tổ đích thân bắc phạt
Trận thảm bại của tướng Qin Fu khiến hoàng đế Minh Thành Tổ hết sức tức giận, tuyên bố từ bây giờ tự mình thống lĩnh đại quân chinh phạt Đông Mông Cổ.
Minh Thành Tổ đã dành cả mùa đông năm 1409 để lên kế hoạch bắc phạt, khởi binh ngay khi mùa xuân đến. Theo Minh Sử, đại quân do Minh Thành Tổ chỉ huy lên tới 50 vạn (các sử gia hiện đại cho rằng thực tế chỉ từ 10-20 vạn), theo tác giả Rossabi.
Ở bờ sông Kerulen, Minh Thành Tổ khắc trên đá: “Ngày 19.5.1410, hoàng đế Đại minh đưa 6 đạo quân vượt qua đây để trừng phạt những kẻ cướp bóc man rợ”.
Trong chiến dịch bắc phạt đầu tiên, những bất đồng giữa Khả Hãn Bunyashiri và thừa tướng Arughtai là nguyên nhân khiến người Mông Cổ thảm bại.
Lực lượng của Bunyashiri gần như bị tiêu diệt hoàn toàn, còn Arughtai vẫn bảo toàn được sức mạnh, miễn cưỡng đồng ý cống nạp nhà Minh.
Chiến lược không đồng nhất khiến Minh Thành Tổ để Arughtai có thời gian củng cố lực lượng, trong khi khiến người Mông Cổ Oirat quay sang thù định với nhà Minh.
Mũi tên chỉ hướng 5 lần Minh Thành Tổ bắc phạt Mông Cổ.
Năm 1414, Minh Thành Tổ phát động chiến dịch bắc phạt lần 2, chạm trán 3 vạn quân Tây Mông Cổ gần sông Tula. Trong chiến dịch này, cả lực lượng Mông Cổ và quân Minh tham chiến đều bị tổn thất tương xứng. Minh Thành Tổ nghe theo lời khuyên của các quân sư, không tiếp tục truy kích.
Sau cuộc bắc phạt lần 2, phe Đông Mông Cổ do Arughtai chỉ huy trở nên mạnh hơn bao giờ hết, kéo quân sang giết chết Khả Hãn Tây Mông Cổ Debelk vào năm 1416.
Arughtai quay sang đòi Minh Thành Tổ ban thưởng vì đã giúp đánh bại người Mông Cổ Oirat. Khi bị khước từ, Arughtai liên tục cướp bóc, đánh phá vùng biên giới phía bắc của nhà Minh.
Trong cả 2 lần Minh Thành Tổ bắc phạt sau này, Arughtai đã trở nên quyết đoán hơn, không trực tiếp quyết chiến với đại quân Mông Cổ, khéo léo áp dụng chiến thuật đánh rồi rút, khiến Minh Thành Tổ 3 lần xuất quân không đạt được bất cứ mục tiêu nào.
Ngược lại, Arughtai liên tiếp cướp phá ở Khai Bình và Đại Đồng, giáp Nội Mông. Năm 1424, Minh Thành Tổ khi đó đã 65 tuổi, thống lĩnh đại quân bắc phạt lần thứ 5, xuất quân từ Bắc Kinh.
Một lần nữa, Arughtai chỉ vờ đánh rồi rút về thảo nguyên Mông Cổ. Một số tướng nhà Minh quá căm phẫn, đòi tiếp tục truy đuổi nhưng Minh Thành Tổ cho rằng mình đã già, sức yếu, nên ra lệnh rút quân.
Ngày 12.8.1424, Minh Thành Tổ Chu Đệ qua đời ngay tại Đa Luân (khu tự trị Nội Mông ngày nay), khi chưa về được đến kinh đô Bắc Kinh.
Sử sách Trung Hoa đánh giá Minh Thành Tổ Chu Đệ là một trong những hoàng đế kiệt xuất, đưa Đại Minh phát triển đến rực rỡ.
Trên thực tế, phân tích sâu về mối quan hệ giữa nhà Minh và Mông Cổ, các nhà nghiên cứu của Đại học Cambridge ở Anh chỉ ra rằng, Minh Thành Tổ Chu Đệ đã không khuất phục được người Mông Cổ như thời Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương.
Suốt hơn 20 năm ông trị vì, mối đe dọa từ người Mông Cổ ở phương Bắc chưa bao giờ biến mất. Sai lầm khi không đánh tan được Arughtai khiến hoàng đế nhà Minh phải 5 lần đích thân bắc phạt để rồi qua đời ngay trên đường trở về.
________________
Người Mông Cổ kể từ khi rút khỏi Trung Nguyên luôn bị chia rẽ, quay sang tiêu diệt lẫn nhau. Năm 1464, một hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn chào đời, là người cuối cùng thống nhất các bộ lạc Mông Cổ, kéo quân xâm lược Trung Hoa. Kết cục cuộc xâm lược này như thế nào, mời độc giả đón đọc bài kỳ tới đăng lúc 10h ngày 19.7.2020 trên mục Thế giới.
Ngay cả khi bị truy kích, kỵ binh Mông Cổ vẫn có thể bắn tên chính xác khiến kẻ thù khiếp đảm nhờ một vật giúp họ...
Nguồn: [Link nguồn]