Người Li-băng thở phào sau bài phát biểu của lãnh đạo Hezbollah
Hasan Nasrallah, người đứng đầu lực lượng Hezbollah ở Li-băng, vừa kêu gọi ngừng bắn ở Dải Gaza và không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về việc mở rộng xung đột với Israel. Bài phát biểu khiến nhiều người Li-băng thở phào.
Người Li-băng chăm chú nghe bài phát biểu của lãnh đạo Hezbollah Syed Hassan Nasrallah ngày 3/11. (Ảnh: AP)
Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp ngày 3/11, ông Nasrallah tuyên bố rằng cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas vào miền nam Israel, khơi mào cho cuộc chiến hiện nay, là do Hamas thực hiện mà Hezbollah và Iran không hề hay biết.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo lực lượng Hồi giáo dòng Shia này cũng nói rằng tất cả các lựa chọn đều được tính đến nếu cuộc khủng hoảng ở Dải Gaza ngày càng sâu sắc.
Nasrallah đổ lỗi cho chiến dịch tấn công tàn phá ở Dải Gaza hiện nay, khiến hơn 9.000 người Palestine thiệt mạng, là do Mỹ.
“Có lo ngại về sự leo thang hoặc mặt trận (Li-băng) sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn. Điều này có thể xảy ra và kẻ thù phải ghi nhớ điều đó”, Nasrallah nói.
Hiện tại, sự tham gia của Hezbollah mới chỉ diễn ra ở phía nam. Nasrallah nhắc nhở Israel về điều này. “Họ nói rằng (tôi) sẽ thông báo rằng chúng tôi sẽ tham chiến. Nhưng chúng tôi đã bước vào trận chiến từ ngày 8/10”, ông nói.
Hơn 70 người đã thiệt mạng bên phía Li-băng từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Hầu hết trong số đó là chiến binh Hezbollah, còn lại là dân thường và 1 nhà báo của Reuters. Israel cho biết 6 binh lính và một thường dân của họ đã thiệt mạng, trong khi Hezbollah tuyên bố họ đã giết hoặc làm bị thương 120 lính Israel.
Trước khi ông Nasrallah phát biểu, cả nước Li-băng lo lắng trước viễn cảnh họ sẽ bước vào một cuộc đối đầu rộng hơn với Israel. Nhưng sau khi bài phát biểu được đưa ra, nỗi lo đó đã được xoa dịu.
Nicholas Blanford, một chuyên gia của Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở tại Beirut, cho biết: “Đối với nhiều người Li-băng, họ nhìn thấy sự bảo đảm rằng chúng tôi sẽ không lao vào một cuộc chiến tổng lực”.
“Ông Nasrallah nói rằng việc đánh bại Israel là một cách tiếp cận từng bước và sẽ không được thực hiện chỉ trong một đòn duy nhất”, chuyên gia Blanford nói.
Một số người trong tầng lớp chính trị Li-băng, bao gồm Thủ tướng tạm quyền Najib Mikati, đã đưa ra những phát biểu về việc tránh cuộc chiến tranh rộng lớn hơn. Tuy nhiên, người Li-băng cảm thấy rằng việc quyết định có đưa đất nước vào chiến tranh hay không chủ yếu nằm trong tay một người: Nasrallah.
Vì thế, người dân Li-băng hồi hộp chờ đợi bài phát biểu của ông Nasrallah. Trước khi ông phát biểu, nhiều cửa hàng ở thủ đô Beirut đóng cửa sớm, giao thông thưa thớt hơn bình thường vì nhiều người tan sở sớm hoặc làm việc từ xa.
Đám đông lớn tập trung tại các vùng ngoại ô phía nam Beirut, phía nam Li-băng và Thung lũng Bekaa phía đông đất nước để xem bài phát biểu.
Trong bài phát biểu của mình, ông Nasrallah nêu chi tiết các hành động mà Hezbollah đã thực hiện dọc theo Đường Xanh, tức đường phân giới giữa Li-băng với Israel, và cho biết trận chiến hiện tại có ý nghĩa chưa từng có.
Vài ngày trước bài phát biểu, thủ lĩnh này ký một bức thư viết tay cho biết tất cả các thành viên Hezbollah thiệt mạng trong các đợt giao tranh lần này đều được coi là“những tử vì đạo trên con đường tới Jerusalem”.
Theo Blanford, bài phát biểu gần như là sự đáp trả lại những lời chỉ trích từ một số lãnh đạo Hamas rằng Hezbollah chưa làm đủ.
“Ông ấy giải thích một cách chi tiết rằng các hoạt động của Hezbollah dọc biên giới đã thu hút một số lượng lớn quân đội, bao gồm cả lực lượng tinh nhuệ, rời khỏi Gaza để trông coi biên giới phía bắc của Israel”, chuyên gia Blanford nhận xét.
Vị thủ lĩnh nói rằng miễn là Hamas có thể cầm cự trước quân đội Israel thì Hezbollah không cần phải can thiệp. “Loại bỏ Hamas là một mục tiêu không thể đạt được”, ông tuyên bố.
Ông khẳng định Dải Gaza vẫn là mặt trận chính và biên giới của Li-băng với Israel sẽ chỉ là thứ yếu.
Người đứng đầu Hezbolla cũng nói rõ rằng lực lượng này sẽ “không đưa ra bất kỳ cam đoan nào với người Mỹ hoặc người Israel” về việc tránh leo thang.
Nguồn: [Link nguồn]
Giải pháp hai nhà nước được nhiều bên thúc đẩy, song cả Israel lẫn chính quyền Palestine có vẻ đều không hứng thú thương lượng lúc này