Người gốc Hung Nô từng giành ngôi hoàng đế Trung Hoa, đánh cho hậu duệ Tư Mã Ý thua liểng xiểng
Ít người biết rằng có một bộ phận người Hung Nô từng quy thuận nhà Hán, sống một cách tự do trong lãnh thổ nhà Hán và từng có có một nhân vật kiệt xuất lên ngôi hoàng đế ở Trung Nguyên.
Người Hung Nô là một trong những tộc người từng có ảnh hưởng đáng kể trong lịch sử Trung Hoa.
Dưới thời nhà Hán ờ Trung Quốc, tộc người Hung Nô trải qua một hành trình dài từ đối đầu, phân chia để rồi biến mất hoàn toàn. Trong đó, sự kiện Nam Hung Nô quy thuận và cuối cùng bị đồng hóa là một dấu mốc quan trọng, phản ánh mối quan hệ phức tạp giữa triều đình Trung Hoa và các dân tộc ngoại bang.
Hung Nô chia tách, Nam Hung Nô quy thuận nhà Hán
Vào thế kỷ thứ nhất, nội bộ Hung Nô xảy ra mâu thuẫn, tranh giành quyền lực, dẫn đến sự chia cắt giữa Bắc Hung Nô và Nam Hung Nô. Sự phân tách này bắt đầu vào năm 48 sau Công nguyên khi những bất đồng nội bộ dẫn đến hai bộ phận người Hung Nô tách biệt.
Nam Hung Nô, dưới sự lãnh đạo của Hải Lạc Thi Trục Đê thiền vu, quyết định quy thuận triều đình Đông Hán để tìm kiếm sự bảo trợ trước các cuộc tấn công từ Bắc Hung Nô. Nhà Đông Hán chấp nhận sự quy thuận này, cho phép người Nam Hung Nô sinh sống tại khu vực Ngũ Nguyên (thuộc Nội Mông hiện nay) và chịu sự quản lý của quan chức nhà Hán.
Nam Hung Nô trở thành một phần của hệ thống phòng thủ biên giới của nhà Hán, đóng vai trò như một đội quân bảo vệ chống lại các cuộc xâm nhập từ Bắc Hung Nô. Triều đình nhà Hán đã lập một chức vụ gọi là "Sử Hung Nô Trung Lang tướng" để giám sát Nam Hung Nô và duy trì sự ổn định trong khu vực có người Hung Nô sinh sống. Mặc dù được triều đình Đông Hán hỗ trợ, Nam Hung Nô vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, bao gồm cả các cuộc xung đột nội bộ và áp lực từ các tộc người lân cận như tộc người Tiên Ti.
Sự trỗi dậy của người Hung Nô dưới thời Đông Hán
Một bộ phận người Hung Nô sinh sống trong lãnh thổ Nhà Hán, thấm nhuần văn hóa Hán.
Mặc dù đã quy thuận, Nam Hung Nô (từ đây gọi là Hung Nô) vẫn duy trì những mối quan hệ căng thẳng với triều đình nhà Hán. Vào giữa thời Đông Hán, nạn tham nhũng và suy yếu của triều đình đã tạo cơ hội cho người Hung Nô trỗi dậy. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra trong giai đoạn này.
Một trong những sự kiện nổi bật là cuộc nổi dậy của bộ lạc Hưu Tô vào năm 188. Bộ lạc này, cùng với các tộc người Hung Nô khác, nổi dậy chống lại triều đình Đông Hán, giết hại quan lại nhà Hán. Mặc dù nhà Hán đã nhiều lần trấn áp các cuộc nổi dậy này, nhưng sự suy yếu nội bộ và sự cạnh tranh quyền lực trong triều đình đã khiến việc kiểm soát tộc người Hung Nô càng trở nên khó khăn hơn.
Vào giai đoạn cuối thời Đông Hán, khi loạn lạc trong triều đình đến mức không thể kiểm soát, các tộc Hung Nô đã lợi dụng tình hình để tham gia vào các cuộc xung đột quân sự giữa các chư hầu ở Trung Nguyên. Trong giai đoạn này, người Hung Nô đổi phe nhiều lần, cuối cùng đối đầu với thế lực của Tào Tháo.
Sau khi đánh bại đội quân của người Hung Nô, vào năm 216, Tào Tháo giam lỏng thiền vu Hung Nô là Hô Trù Tuyền tại Nghiệp Thành (nay ở huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Bắc). Để ngăn phản loạn, Tào Tháo chia lực lượng của người Hung Nô thành 5 bộ là tả, hữu, nam, bắc và trung. Những người Hung Nô trung thành và thiện chiến được Tào Tháo đưa vào quân đội, bổ trợ cho đội kỵ binh tinh nhuệ của Tào Ngụy.
Đây là giai đoạn các tầng lớp quý tộc Hung Nô đồng loạt đổi họ thành họ Lưu, tự cho là có quan hệ họ hàng với hoàng tộc nhà Hán thông qua chính sách liên minh hôn nhân từ nhiều đời trước.
Hoàng đế Hung Nô duy nhất ở Trung Hoa
Địa bàn kiểm soát của nhà Hán Triệu do Lưu Uyên thành lập vào năm 315 (màu xanh nhạt).
Trong số các lãnh đạo Hung Nô, nổi bật nhất là Lưu Uyên, người sau này lập ra triều đại Hán Triệu và trở thành hoàng đế Hung Nô đầu tiên và cuối cùng cai trị trên lãnh thổ Trung Hoa. Lưu Uyên xuất thân từ một gia đình quyền quý, là con trai của Lưu Báo – lãnh đạo bộ tả và là hậu duệ của thiền vu Mặc Đốn.
Lưu Uyên được gửi vào Trung Nguyên làm con tin từ nhỏ. Ông sống trong môi trường Hán hóa, học tập các sách vở của người Hán, đặc biệt là các tác phẩm kinh điển như Tả truyện và binh pháp Tôn Tử. Nhờ việc hấp thụ sâu sắc văn hóa Hán, Lưu Uyên không chỉ là một nhà lãnh đạo quân sự giỏi, mà còn có kiến thức uyên thâm về triết học và quản trị.
Sự tiếp thu văn hóa này giúp ông xây dựng được các mối quan hệ với giới quan lại Hán và nắm bắt sâu sắc cả về chính trị lẫn quân sự. Trong suốt thời gian làm con tin, Lưu Uyên đã trở nên thông thạo cả hai nền văn hóa, tạo tiền đề cho những tham vọng chính trị sau này. Đây cũng là một lợi thế khi ông lãnh đạo quân đội Hung Nô và có khả năng thu hút những tầng lớp trí thức người Hán.
Trung Hoa giai đoạn này do nhà Tây Tấn cai trị. Chiến lược gia bậc nhất Tào Ngụy là Tư Mã Ý đã từng bước xây dựng nền móng để nhà Tư Mã soán ngôi. Năm 266, cháu nội Tư Mã Ý là Tư Mã Viêm đã soán ngôi Tào Ngụy, lập ra nhà Tây Tấn. Sau khi lên ngôi, Tư Mã Viêm truy phong cho Tư Mã Ý là Tấn Cao Tổ.
Trong những năm cuối triều Tây Tấn, nội bộ triều đình trở nên rối loạn do cuộc nổi loạn của hoàng tộc, gọi là "Loạn Bát Vương". Lưu Uyên nhìn thấy cơ hội trong cuộc biến loạn này. Ông nhanh chóng tập hợp lực lượng Hung Nô và các dân tộc du mục khác để tiến vào Trung Nguyên.
Lưu Uyên đã khéo léo sử dụng danh nghĩa khôi phục di sản nhà Hán để thu hút những người ủng hộ. Ông tự xưng mình là hậu duệ Lưu Bang – vị hoàng đế sáng lập nhà Hán và lấy lại quốc hiệu "Hán" để thành lập một vương triều mới. Điều này giúp Lưu Uyên không chỉ nhận được sự ủng hộ từ tộc người Hung Nô mà còn từ nhiều tướng lĩnh, sĩ phu người Hán, những người mong muốn khôi phục lại thời kỳ hùng mạnh xưa kia.
Lưu Uyên là hoàng đế người Hung Nô duy nhất trong lịch sử Trung Hoa. Ảnh minh họa.
Vào năm 308, Lưu Uyên chính thức xưng đế, lập ra triều đại Hán Triệu, với kinh đô đặt tại Bình Dương (nay là thành phố Lâm Phần, tỉnh Sơn Tây, phía bắc Trung Quốc). Sử sách Trung Quốc gọi đây là giai đoạn Ngũ Hồ loạn hoa.
Lưu Uyên tổ chức lại cơ cấu quân đội và chính quyền theo mô hình nhà Hán, kết hợp giữa các yếu tố của người Hán và các phương thức quản lý du mục của người Hung Nô.
Dưới sự lãnh đạo của Lưu Uyên, quân đội Hán Triệu đã có nhiều trận đánh thắng lợi trước các lực lượng của tàn quân nhà Tây Tấn, chiếm được nhiều khu vực quan trọng. Ông còn hợp tác với các thủ lĩnh quân sự khác như Vương Mi để tấn công Trung Nguyên.
Mặc dù Lưu Uyên giành được nhiều thành công quân sự, ông vẫn chưa đủ sức mạnh để đánh bại hoàn toàn nhà Tây Tấn và chưa chiếm được kinh đô Lạc Dương.
Vương Mi là một thủ lĩnh quân sự thuộc phe nổi dậy chống nhà Tây Tấn. Vương Mi không phải là người Hung Nô, nhưng đã liên minh với Lưu Uyên. Mối liên minh này chủ yếu dựa trên lợi ích quân sự và quyền lực. Sau khi Lưu Uyên tự xưng đế, Vương Mi trở thành cánh tay phải trong các chiến dịch quân sự nhằm đánh bại nhà Tây Tấn và chiếm lấy lãnh thổ Trung Nguyên.
Lưu Uyên qua đời ở tuổi 59 vào năm 310, để lại ngai vàng cho con trai là Lưu Thông. Dưới sự cai trị của Lưu Thông, Hán Triệu tiếp tục mở rộng lãnh thổ và cuối cùng tiêu diệt được nhà Tây Tấn vào năm 316, khi quân đội Hán Triệu chiếm được thành Lạc Dương và Trường An. Tuy nhiên, Hán Triệu nhanh chóng suy yếu sau đó do mâu thuẫn nội bộ và sự thách thức từ các thế lực quân sự khác. Một ví dụ điển hình là cái chết của Vương Mi do bị Lưu Thông nghi ngờ có âm mưu làm phản.
Sự sụp đổ của Hán Triệu vào năm 329 dưới tay của tộc người Tiên Ti, cùng sự vươn lên của các vương triều khác như Hậu Triệu của Thạch Lặc, đánh dấu sự kết thúc của vương triều do người Hung Nô sáng lập ở Trung Nguyên.
Trong giai đoạn Ngũ Hồ loạn hoa đầy bất ổn và chiến tranh liên miên, tộc người Hung Nô mất đi cơ hội phục hưng và dần dần bị Hán hóa hoàn toàn, biến mất trong dòng chảy lịch sử Trung Hoa.
Là người lật đổ nhà Đường hùng mạnh bậc nhất châu Á thời phong kiến, Chu Toàn Trung mở đầu thời kỳ Ngũ đại Thập quốc ở Trung Hoa với đầy rẫy những âm mưu, chiến tranh, giết chóc và sự chia rẽ.
Nguồn: [Link nguồn]
-27/01/2025 17:51 PM (GMT+7)