Người giàu nhất Trung Quốc thành 'chúa chổm'
Lý Hà Quân (Li Hejun), Chủ tịch Tập đoàn Hanergy (Hán Năng), người từng có tài sản ròng tới 32,7 tỷ USD, giàu nhất Trung Quốc, giàu thứ 28 thế giới năm 2015, đã biến mất khỏi Danh sách người giàu Trung Quốc đại lục năm 2022 của Forbes công bố. Hơn nữa, vì nợ lương nhân viên, ông đã trở thành “chúa chổm” bị mọi người chửi rủa.
Tỷ phú Lý Hà Quân khi ở đỉnh cao sự nghiệp
Lý Hà Quân, người Khách Gia (Hakka) sinh năm 1967 tại thành phố Hà Nguyên, tỉnh Quảng Đông. Cha mẹ đều là nông dân, kiếm sống bằng nghề nông, Lý Hà Quân xuất thân từ một gia đình nghèo khó. Khi còn học trung học, nhiều người đã thuyết phục anh bỏ học và ra thành phố tìm việc, nhưng Lý Hà Quân tin rằng học tập có thể thay đổi số phận nghèo khó, vì vậy đã nỗ lực học để thi đỗ vào Đại học Giao thông Bắc Kinh. Vào thời kỳ đó, sinh viên đại học rất khan hiếm, Lý Hà Quân trở thành niềm hâm mộ của mọi người trong làng, cha mẹ anh cũng rất tự hào về con trai. Năm 1988, Lý Hà Quân tốt nghiệp đại học, lẽ ra có thể dễ dàng tìm được một công việc ổn định nhưng chàng trai trẻ chỉ muốn kinh doanh để kiếm tiền làm giàu, nên quyết định tự mình lập nghiệp.
Điều kiện gia đình của Lý Hà Quân không đủ tốt để hỗ trợ con khởi nghiệp, vì vậy ông đã vay mấy chục nghìn Nhân dân tệ (NDT) từ quỹ khởi nghiệp của một người thầy đại học của mình. Năm 1989, ông dùng số tiền vay được thành lập Tập đoàn Hanergy (Hán Năng). Giống như các doanh nhân và doanh nghiệp khác, Lý Hà Quân đã gặp phải một số thất bại trước khi có được kinh nghiệm thành công. Ông đã mất tất cả số tiền đã vay và dấn thân vào con đường trả nợ. Khi nợ nần chồng chất, Lý Hà Quân cũng đến Trung Quan Thôn để bán hàng, ông bán bất cứ thứ gì có thể kiếm được tiền, bao gồm đồ điện tử, thực phẩm và quần áo. Trời không phụ người kiên trì, cuộc sống như vậy đã giúp ông dần trả hết các khoản nợ đã vay, đồng thời cũng tích lũy được một khoản khá lớn.
Sau khi trả hết nợ, ông liền nghĩ đến việc kinh doanh trở lại. Năm 1994, Lý Hà Quân bắt đầu mua lại một số trạm thủy điện. Theo lời của Lý, vào thời điểm đó, ông thấy mình thực sự sáng suốt, đầu tư vào thứ này một lãi thành hai. Trạm thủy điện mang lại cho Lý Hà Quân rất nhiều lợi nhuận, ông tiếp tục mở rộng đầu tư, sở hữu ngày càng nhiều trạm thủy điện. Năm 2002, Lý Hà Quân bắt đầu huyền thoại kinh doanh của Tập đoàn Hanergy khi quyết định tự mình xây dựng một Nhà máy thủy điện lớn. Để hoàn thành quyết định này, ông đã dành 8 năm và lần lượt đầu tư hơn 20 tỷ NDT để xây dựng nên nhà máy thủy điện tư nhân lớn nhất thế giới. Nhà máy thủy điện Kim An Kiều của Lý Hà Quân sinh lời rất cao, mặc dù đầu tư mất nhiều thời gian và tốn rất nhiều tiền nhưng quả thực đã mang lại cho ông một nguồn tiền dồi dào và ổn định. Sau đó, ông liên tiếp đầu tư xây dựng một số nhà máy thủy điện nhỏ, rồi gần như chỉ việc nằm đếm tiền.
Năm 2008 ông đầu tư xây dựng Nhà máy điện gió trên biển lớn nhất châu Á. Năm 2013, Tập đoàn Hanergy niêm yết thành công, năm 2014 giá cổ phiếu của Hanergy tăng vọt. Đến năm 2015, giá trị thị trường của công ty Lý Hà Quân đã vượt quá 300 tỷ NDT. Bản thân ông có tên trong “Danh sách người giàu toàn cầu Star River Hurun năm 2015” với khối tài sản 160 tỷ NDT, trở thành người giàu nhất Trung Quốc trong 16 năm qua và thứ 28 trên thế giới. 2015 là năm đỉnh cao trong sự nghiệp của Lý Hà Quân, nhưng cũng là năm Lý Hà Quân “rớt khỏi bệ thần”.
Khi Lý Hà Quân đang xây dựng các nhà máy thủy điện, ông đã vay rất nhiều tiền để xây dựng. Nếu ông dừng lại ở thủy điện và chỉ cần nằm thu tiền, thì những khoản vay đó sẽ không thành vấn đề. Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối của mọi người, ông vẫn kiên quyết đi theo con đường của riêng mình, vay một khoản tiền lớn và bắt đầu bước vào ngành công nghiệp quang điện (điện mặt trời). Khi đó, ông cũng tuyên bố sẽ nghiên cứu phát triển xe hơi chạy bằng năng lượng mặt trời.
Ngoài ra, giá cổ phiếu của Tập đoàn Hanergy giảm mạnh, mất 33,27% chỉ trong một phút. Giá cổ phiếu giảm đột ngột khiến Lý Hà Quân trở tay không kịp, sau một thời gian, giá cổ phiếu bắt đầu tăng trở lại. Tuy nhiên, sự biến động này đã khiến giá trị thị trường của Tập đoàn Hanergy bốc hơi 90 tỷ NDT chỉ trong nửa giờ ngày 20/5. Cũng vì điều này, Ủy ban điều tiết chứng khoán Hồng Kông đã ngừng giao dịch cổ phiếu của Hanergy vào tháng 7/2015 do nghi ngờ giao dịch nội bộ, thao túng giá cổ phiếu.
Ngôi nhà bị dột trùng hợp với cơn mưa đêm, khi Lý Hà Quân vẫn đang cố gắng ổn định tình hình và khôi phục giá cổ phiếu, thì đủ loại vấn đề được che giấu trước đó đã bị phơi bày. Các sản phẩm quang điện của công ty không thể kiếm được tiền và nguồn vốn đã bị đứt. Khoản nợ khổng lồ mà công ty nợ chưa được hoàn trả, đối tác đã tìm đến yêu cầu giải thích khiến Lý Hà Quân rất lo lắng.
Năm 2018 tài sản của Lý Hà Quân còn 30 tỷ NDT, đứng thứ 89 trong Danh sách người giàu nhất của Hurun; năm 2019 tụt xuống thứ 398 với 10 tỷ NDT, năm 2020 tụt xuống xếp thứ 2000. Ngoài ra, bên ngoài trụ sở Tập đoàn Hanergy xuất hiện dòng người kéo đến đòi nợ lương, hóa ra Lý Hà Quân thậm chí không thể trả lương cho nhân viên. Lý Hà Quân có tài sản hàng trăm tỷ tệ nay đã trở thành con nợ; tháng 7/2020, ông tuyên bố phá sản công ty. Lý Hà Quân tuy đã có thẻ xanh Mỹ, nhưng đã bị chính quyền cấm xuất cảnh.
Lý Hà Quân từng là người giàu nhất Trung Quốc với tài sản hàng trăm tỷ tệ nhưng chỉ trong vòng ba tháng, ông đã rời khỏi đội ngũ những người giàu. Ông đã trở thành người giàu nhất với tài sản hàng trăm tỷ nhờ sự táo bạo, dũng cảm và tầm nhìn độc đáo của mình; nhưng chỉ trong ba tháng, ông bắt đầu lao dốc. Điều này bắt nguồn từ việc Lý Hà Quân quá hãnh tiến trên con đường khởi nghiệp. Chỉ có đi từng bước một thì người ta mới đi được lâu, muốn một bước leo lên đỉnh cao chắc chắn tiềm ẩn nhiều ẩn họa, không an toàn; một khi xuất hiện một chút dao động, toàn bộ tòa nhà sẽ sụp đổ. Nếu Lý Hà Quân không vội vàng như vậy, có lẽ Tập đoàn Hanergy có thể đã có chỗ đứng trong lĩnh vực xe hơi năng lượng mới hiện nay.
Siêu dinh thự rộng 40.000m2 này được mệnh danh là 1 trong 5 dinh thự cao cấp ở Địa Trung Hải, nằm trên bãi biển ngọc lục bảo nổi tiếng Porto Cervo.
Nguồn: [Link nguồn]