Người giàu có bậc nhất lịch sử Ấn Độ, sở hữu vương quốc riêng rộng bằng Italia
Nhà vua cuối cùng của xứ Hyderabad ở Ấn Độ từng xuất hiện trên trang bìa tạp chí TIME của Mỹ, với tư cách là người giàu nhất thế giới ở thời điểm đó.
Osman Ali Khan xuất hiện trên trang bìa tạp chí TIME năm 1937.
Ở thời điểm độc lập khỏi sự cai trị của người Anh, Ấn Độ bị chia thành 565 vương quốc nhỏ. Hầu hết các vương quốc sớm sáp nhập vào Ấn Độ, trừ các vùng Hyderabad, Junagadh và Kashmir.
Trong khi Junagadh sáp nhập vào Pakistan, Kashmir suốt một thời gian dài được Ấn Độ trao quyền tự trị, Hyderabad là vùng đất cuối cùng trở thành một phần của Ấn Độ.
Vương quốc Hyderabad tọa lạc ở cao nguyên Deccan, có diện tích tương đương Italia và từng rất thịnh vượng. Vị vua cuối cùng trị vì xứ Hyderabad là Osman Ali Khan.
Osman Ali Khan (1886 – 1967) lên nắm quyền năm 1911, trị vì Hyderabad trong 37 năm cho đến khi vùng đất này sáp nhập vào Ấn Độ.
Theo báo Anh Independent, ở thời đỉnh cao, Osman Ali Khan sở hữu khối tài sản trị giá 236 tỉ USD. Ông được coi là một trong những người giàu có nhất thế giới và là người giàu nhất lịch sử Ấn Độ.
Từng là người giàu nhất thế giới
Năm 1937, Osman Ali Khan xuất hiện trên trang bìa tập chí TIME của Mỹ, được mô tả là người giàu nhất thế giới ở thời điểm đó.
Phóng viên tạp chí TIME cho biết, kim cương, ruby, shapphire, ngọc trai và nhiều loại đá quý khác được vua Osman Ali Khan cất giữ bên trong những chiếc hòm thép kiên cố, đặt tại cung điện Nizam.
Công nương Kate Middleton từng đeo chiếc vòng bằng kim cương cổ do Osman Ali Khan tặng cho Nữ hoàng Anh.
Người đời sau đồn rằng vị vua xứ Hyderabad sở hữu nhiều đồ trang sức đến nỗi chỉ riêng những viên ngọc trai cũng có thể lát kín giao lộ Piccadilly ở Westminster, khu trung tâm của London, Anh. Nhà vua còn cất giữ nhiều gói giấy màu nâu chứa đầy ngọc lục bảo trong phòng ngủ.
Bộ sưu tập đá quý của Osman Ali Khan có viên kim cương Jacob huyền thoại nặng 185 carat, trị giá 50 triệu bảng Anh. Ông được cho là từng dùng những viên kim cương đắt giá làm vật chặn giấy, theo trang Jagranjosh.
Osman Ali Khan có đội cận vệ gồm 3.000 vệ sĩ. Ông cũng thuê 38 người chỉ làm công việc quét bụi đèn chùm trong cung điện. 28 người được thuê chỉ để bưng bê, rót nước.
Không lâu sau khi trở thành người trị vì vương quốc với 17 triệu dân, có diện tích bằng nước Ý, Osman Ali Khan đi thị sát khắp vương quốc của mình trên chiếc Rolls-Royce, uống rượu whisky từ nhà máy chưng cất của riêng mình. Ông được cho là sở hữu bộ sưu tập gồm 150 chiếc ô tô với những ghế ngồi bọc lụa vàng tỏa sáng óng ánh.
Osman Ali Khan có mối quan hệ thân cận với Anh. Ông từng được trao tặng danh hiệu “Đồng minh trung thành của Vương quốc Anh” sau Thế chiến I vì những đóng góp tài chính của ông cho quân đội Anh.
Ông tặng những chiếc máy bay Airco DH.9A cho Phi đội số 110 của không quân Anh. Những chiếc máy bay này đều được khắc dòng chữ “món quà của Osman Ali”.
Osman Ali Khan cũng từng tặng Nữ hoàng Anh Elizabeth II chiếc vòng kim cương làm quà cưới khi bà kết hôn vào tháng 11.1947. Năm 2014, công nương Anh Kate Middleton đã sử dụng chiếc vòng cổ này để tham dự một bữa tiệc. Chiếc vòng cổ hiện vẫn được trưng bày tại bảo tàng ở London.
Người có công lớn xây dựng vương quốc
Là vị vua giàu có cai trị vùng Hyderabad, sở hữu khối tài sản và của cải khổng lồ, Osman Ali Khan có lối sống trong cung điện hết sức tiết kiệm.
Ông thường mặc cùng một bộ quần áo rách nát trong suốt 40 năm, tự tay đan đôi tất của mình và ưa chuộng những bộ quần áo chằng chịt những miếng vá và mặc không cần thay trong nhiều tháng.
Phác họa hình ảnh Osman Ali Khan, vị vua cuối cùng trị vì vương quốc Hyderabad.
Ông dùng những chiếc đĩa thiếc bình thường để ăn, chỉ hút thuốc lá rẻ tiền. Ngoài chi phí sinh hoạt và ăn uống, nhà vua hầu như không tiêu đến tiền.
Osman Ali Khan là người đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xứ Hyderabad đến tận ngày nay. Ông được coi là Kiến trúc sư của Hyderabad thời hiện đại. Trong 37 năm cầm quyền, ông đưa điện đến với Hyderabad. Đường sắt, đường bộ và đường hàng không được phát triển.
Sau trận lụt khủng khiếp năm 1908, ước tính khiến 50.000 người chết, ông cho xây dựng hai hồ chứa nước khổng lồ lần lượt là Osman Sagar và Himayat Sagar.
Osman Ali Khan còn đề ra nhiều chính sách cải cách giáo dục, chi 11% ngân sách của vương quốc cho giáo dục. Ông cũng đóng góp nhiều tiền bạc cho hoạt động giáo dục và tôn giáo trên khắp Ấn Độ.
Trong thời gian người Anh cai trị Ấn Độ, Hyderabad là vương quốc duy nhất được phép lưu hành tiền giấy. Đồng tiền vẫn tồn tại song song với tiền rupee của Ấn Độ suốt hàng chục năm sau khi vương quốc sáp nhập vào Ấn Độ năm 1948.
Osman Ali Khan còn là một trong 5 phiên vương được đón chào ở Ấn Độ bằng nghi thức bắn 21 phát đại bác. Năm 1965, ông ông được cho là quyên góp 5 tấn vàng để giúp Ấn Độ vượt qua khủng hoảng kinh tế. Nhưng các sử gia Ấn Độ sau này cho rằng con số này đã bị thổi phồng, thực chất Osman Ali Khan chỉ quyên góp hơn 400kg vàng.
Ở thời điểm Osman Ali Khanqua đời vào năm 1967, Ấn Độ đã tổ chức tang lễ cho ông theo hình thức quốc tang, thể hiện sự tôn trọng với vị vua cuối cùng của xứ Hyderabad.
Các thế hệ con cháu của Osman Ali Khan ngày nay được cho là không còn sống ở Ấn Độ mà lưu lạc đến Thổ Nhĩ Kỳ, sống cuộc đời ẩn dật, theo trang Jagranjosh.
__________________
Người đàn ông giàu có nhất trong lịch sử La Mã, một trong những nhà chính trị quyền lực nhất cuối cùng tự chuộc lấy kết cục thảm khốc như thế nào? Mời độc giả đón đọc bài dài kỳ 5 xuất bản 15h ngày 16.2
Nguồn: [Link nguồn]
Giai thoại về gia tộc Rockefeller ở Mỹ bắt đầu từ khi cậu thanh niên Mỹ 16 tuổi làm trợ lý kế toán, với tham vọng kiếm...