Người giàu có bậc nhất La Mã quyết theo đuổi danh vọng cho đến chết

Vào năm 60 trước Công nguyên, Marcus Licinius Crassus là một trong những nhân vật quyền lực nhất ở La Mã. Ông tích lũy được khối tài sản lớn nhất thời bấy giờ nhưng cuối cùng gặp họa vì muốn lưu danh sử sách với tư cách là thiên tài quân sự.

Crassus là người sở hữu khối tài sản lớn nhất thời La Mã.

Crassus là người sở hữu khối tài sản lớn nhất thời La Mã.

Ở thời điểm đỉnh cao quyền lực, Crassus và hai đồng minh khác tạo thành liên minh chính trị chiếm ảnh hưởng lớn nhất ở La Mã. Một người là Gaius Julius Caesar và người kia là Gnaeus Pompeius Magnus (Pompey vĩ đại).

Crassus chính là cầu nối để tạo nên mối liên kết giữa Caesar và Pompey. Trong những năm cuối đời, Crassus đứng ở đỉnh cao danh vọng, nhưng vẫn muốn lưu danh sử sách với tư cách là thiên tài quân sự. Tham vọng mù quáng khiến ông bị người Parthia giết chết trong trận đánh quyết định.

Crassus ra đi khiến mối thâm thù giữa Caesar và Pompey bùng nổ, tạo thành cuộc nội chiến La Mã (49-45 TCN), theo National Geographic.

Tích lũy của cải khổng lồ

Sinh năm 115 trước Công nguyên, Crassus xuất thân trong một gia đình không phải là giàu có. Sử gia Hy Lạp sống ở thế kỷ thứ I, Plutarch chép rằng Crassus “sống trong ngôi nhà nhỏ chỉ có một chiếc bàn duy nhất”.

Gia đình Crassus sống đạm bạc, nhưng có địa vị trong xã hội. Cha của ông là Publius Licinius Crassus, từng là tư lệnh ở Iberia (Tây Ban Nha ngày nay) và từng được vinh danh ở Rome vào năm 93 TCN.

Cha của Crassus qua đời năm 87 TCN vì rơi vào cuộc đấu tranh chính trị dẫn đến mất mạng. Publius liên minh với tướng Lucius Cornelius Sulla, chống lại tướng Gaius Marius. Khi Marius kéo quân vào Rome năm 87 TCN, cha của Crassus bỏ mạng. Cậu bé Crassus may mắn sống sót vì chạy thoát sang Tây Ban Nha.

Đó là bi kịch từ nhỏ với Crassus, nhưng cũng đem đến cho ông cơ hội lớn. Ở Iberia, Crassus bắt đầu tích lũy của cải và danh tiếng.

Ông gia nhập quân đội của Sulla, giành chiến thắng quyết định trước kẻ thù giết cha Marius. Chiến thắng trở về, Crassus không chỉ có được danh tiếng, tiền của mà còn được biết đến là người cực kỳ tham lam. Ông không chia sẻ chiến lợi phẩm mà mình giành được cho bất kì đồng đội nào.

Tướng Sullla tịch thu tài sản của những người trung thành với Maurius, bán lại cho đồng minh với giá hời. Đó là lúc mà Crassus bắt đầu tích lũy khối tài sản khổng lồ cho mình thông qua đầu cơ bất động sản.

Crassus tận dụng mọi cơ hội để mua bất động sản với giá hời, xây mới hoặc sửa sang lại rồi bán lại với giá cao gấp nhiều lần. Ông đặc biệt nhắm đến những căn nhà bị thiêu rụi do hỏa hoạn. Các chủ nhà kế bên sẽ bán lại với giá rẻ vì lo sợ nơi mình sống cũng bị ảnh hưởng.

Crassus có mối quan hệ rất tốt với Casear.

Crassus có mối quan hệ rất tốt với Casear.

Crassus cho sửa sang xây mới hoàn toàn để bán lại với giá cao hơn. Ông tận dụng bất kỳ cơ hội nào để có thể kiếm lời, dù đó là kiếm tiền từ sự bất hạnh của người khác.

Không ngừng mở rộng ảnh hưởng

Là một nhà đầu cơ bất động sản thôi là chưa đủ, Crassus còn sở hữu kỹ năng giao tiếp xã hội để có thể vươn xa trong sự nghiệp chính trị. Ông tỏ ra tử tế với tất cả mọi người, gây ấn tượng với các đồng hương La Mã nhờ trí nhớ phi thường và khả năng tâng bốc người khác.

Dù cực kỳ tham lam, Crassus cũng rất hào phóng. Sử gia Plutarch mô tả ông sẵn sàng mở cửa đón người lạ vào tham quan, quyên góp tài sản cho nhóm người sùng bái Hercules, cấp gạo miễn phí cho người dân mỗi 3 tháng một lần.

Ông cũng rất thoải mái trong việc cho bạn bè vay tiền, miễn là họ có thể trả đủ cuối kỳ hạn. Sự hào phóng của Crassus là có lý do. Vị thế của một cư dân La Mã được đánh giá thông qua việc anh ta có bao nhiều người phụ thuộc vào mình.

Crassus từng bước làm thân với Caesar, nhận thấy người đàn ông này có chí khí, nếu giúp đỡ Caesar, anh ta chắc chắn sẽ đền đáp lại. Crassus từng trả hết khoản nợ cho Caesar trước khi chuyển đến làm thống đốc vùng Hispania Ulterior (phía nam Tây Ban Nha) vào năm 62 TCN. Hành động này củng cố mối quan hệ giữa hai người đàn ông quyền lực.

Cuộc đời Crassus có thể kết thúc trong an nhàn với của cải nhiều không đếm xuể. Nhưng ông không thể chấp nhận ngồi yên khi chứng kiến Pompey và Caesar liên tục lập công trên chiến trường. Đó là lý do Crassus tiếp tục dấn thân vào quân sự.

Vào đầu những năm 70 TCN, Crassus nhận nhiệm vụ dẫn quân dập tắt cuộc nổi loạn của Spartacus ở vùng đất nay là phía nam Italia.

Dẫn theo 10 quân đoàn, Crassus có đủ lực lượng để quyết đấu với Spartacus, vốn chỉ có 4 quân đoàn tập hợp từ những nô lệ.

Trong trận đánh quyết định, Crassus giành chiến thắng vang dội khi tiêu diệt 6.000 quân của đối phương. Nhưng 5.000 người khác đã kịp bỏ chạy.

Đó là khi Pompey xuất hiện, tiêu diệt nốt số tàn binh còn sót lại. Trong khi Crassus là người giáng đòn mạnh vào cuộc nổi loạn, Pompey mới là người chấm dứt cuối cùng. Nhờ đó mà Pompey được thưởng lớn hơn Crassus.

Theo đuổi danh vọng cho đến chết

Năm 70 TCN, cả Crassus và Pompey đều được bầu làm Quan chấp chính, chức vụ cao nhất thông qua bầu cử ở thời kỳ Cộng hòa La Mã.

Trong khi Pompey liên tục giành thắng lợi trên chiến trường, Crassus quay về Rome và xây dựng mối quan hệ bền chặt với Caesar.

Crassus thảm bại trong trận Carrhae năm 53 TCN dẫn đến kết cục bỏ mạng.

Crassus thảm bại trong trận Carrhae năm 53 TCN dẫn đến kết cục bỏ mạng.

Năm 59 TCN, Crassus nhờ tài thuyết phục của mình, xây dựng nên liên minh chính trị có ảnh hưởng lớn nhất nền Cộng hòa La Mã cùng Pompey và Caesar.

Với tư cách là các Quan chấp chính, Crassus, Pompey và Caesar chia nhau kiểm soát các vùng đất của La Mã. Caesar kiểm soát vùng Gaul (phía tây Âu), Pompey kiểm soát vùng Hispania và châu phi. Crassus nhận trách nhiệm ở Syria.

Ở tuổi 60, Crassus vẫn muốn lập thêm chiến công, giành uy danh lớn hơn Caesar và Pompey. Ông đặt mục tiêu đánh bại đế chế Parthia của vua Orodes II ở vùng Tây Á.

Crassus phát động chiến dịch quân sự vào năm 53 TCN, nhưng người Parthia không dễ dàng bị thần phục.

Sử gia La Mã Cassius Dio từng viết: “Crassus lớn tiếng nói với sứ giả Parthia rằng ông sẽ chiếm Seleucia, thủ phủ phía tây của đế chế này. Vị sứ giả bật cười, chỉ vào lòng bàn tay của mình và nói: ‘Tóc mọc ở đây còn nhanh hơn là quân của ông đến được Seleucia’”.

Crassus ngày càng mù quáng vì uy danh. Ông từ chối lời đề nghị giúp đỡ của các vương quốc đồng minh, cho 43.000 quân tiến thẳng qua sa mạc.

Ở Carrhae, vùng đất ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ, Crassus giao chiến với quân Parthia do tướng Surena chỉ huy. Khác với Crassus nóng nảy và vội vàng, Surena lại bình tĩnh và hết sức ranh ma.

Kết thúc trận chiến, 20.000 quân La Mã bị tiêu diệt, 10.000 người bị bắt sống, theo ước tính của sử gia Plutarch. Con trai của Crassus nằm trong số những người chết trận.

Đích thân Surena ra tay giết chết Crassus, người khi đó đã đầu hàng. Surena mang thủ cấp ông nộp cho vua Orodes II.

Sau cái chết của Crassus, cuộc nội chiến La Mã giữa Caesar và Pompey bùng nổ. Thay vì đem đến sự thịnh vượng và mở mang bờ cõi, Crassus càng khiến Cộng hòa La Mã chìm trong bất ổn.

Là người giàu nhất Cộng hòa La Mã khi đó, Crassus vẫn không chấp nhận ngồi yên. Ông muốn theo đuổi cả vinh quang để rồi chết thảm trên chiến trường.

Người giàu có bậc nhất lịch sử Ấn Độ, sở hữu vương quốc riêng rộng bằng Italia

Nhà vua cuối cùng của xứ Hyderabad ở Ấn Độ từng xuất hiện trên trang bìa tạp chí TIME của Mỹ, với tư cách là người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN